Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng chống lũ quét, sạt lở đất - “Nước xa không cứu được lửa gần”

Cập nhật: 19:05 ngày 06/07/2018
(BGĐT) - Địa hình chia cắt, hệ thống suối nhỏ dày đặc cộng với rừng đầu nguồn bị xâm hại là những yếu tố khiến lũ ống, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các hiện tượng trên xuất hiện thường gây hậu quả nặng nề, thiệt hại lớn. 
{keywords}

Suối Tho, thôn Thượng, xã Long Sơn (Sơn Động)-khu vực vừa xuất hiện lũ quét vào cuối tháng 6.

Thắc thỏm trong mưa

Căn nhà của chị La Thị Nhàn, thôn Lầm, xã Trường Sơn (Lục Nam) nằm ngay dưới chân dãy núi cao. Mỗi khi mưa lớn, đất đá lại tràn vào nhà khiến chị không khỏi lo lắng. Để ngăn chặn, gia đình chị xây tường, đổ xi- măng kiên cố song chẳng thấm tháp gì. Năm ngoái, đất ập xuống làm đổ tường và công trình phụ. “Sự việc xảy ra vào ban đêm nhưng rất may cả nhà không ai bị ảnh hưởng. Năm nay, trong trận mưa rào vừa qua, tôi phải dọn mãi mới hết lớp đất xô vào nhà”- chị Nhàn nói.

Kế đó, cách đây hơn một năm, hộ ông Nguyễn Tiến Lập cũng bị sập gian bếp do đất sạt lở. Quan sát hiện tại cho thấy, lớp đất vùi lấp toàn bộ phần trong của công trình, chỉ còn lại bờ tường nhô lên cùng với bụi tre bị bật gốc. Theo ông Lập, ngay khi sự việc xảy ra, các đoàn thể, người dân trong thôn đã đến hỗ trợ, thu dọn hiện trường giúp gia đình.

Ngoài các hộ nêu trên, đi dọc thôn Lầm, chúng tôi còn thấy nhiều ngôi nhà được xây mới ngay dưới chân núi bị đào khoét. Phía trên là mảng đất nham nhở, nhiều chỗ dựng đứng. Theo Trưởng thôn Lầm Nhữ Thị Hòa, khoảng 20 hộ trong thôn có nhà nằm ở vị trí nguy cơ cao bị sạt lở đất. Khi dự báo thời tiết có mưa, bà đến từng nhà thông tin, cảnh báo để người dân chủ động di dời.

Trò chuyện với một số chủ nhà tại thôn Lầm được biết, khi mở rộng đường tỉnh 293, đất ở của các hộ ven đường bị thu hẹp. Số tiền bồi thường không đủ để mua một khu đất mới, vì vậy họ phải lùi công trình vào trong, thuê máy móc san núi, bạt đồi để làm nhà ở, ổn định cuộc sống. Ví như hộ anh Nguyễn Văn Trường được bồi thường đất trị giá 120 triệu đồng thì tiền thuê máy san gạt đất đá đã hết hơn 100 triệu đồng. Kinh phí còn lại chẳng đáng bao nhiêu, anh đành phải vay mượn thêm để làm nhà.

Tại xã Trường Sơn còn có khoảng 15 hộ ở thôn Điếm Rén có thể bị ảnh hưởng bởi lũ quét, lũ ống. Những hộ này nằm cạnh suối, phía thượng nguồn là núi cao. Hộ bà Nguyễn Thị Nhín năm nào cũng bị ngập bởi nước dồn từ núi và ở suối dâng lên.

Toàn tỉnh hiện có hơn 100 hộ đang sinh sống ở vùng có thể xuất hiện lũ ống, lũ quét khi có mưa lớn như các xã: Tân Hoa, Biển Động (Lục Ngạn); Lệ Viễn, Vĩnh Khương, An Lập, Vân Sơn, Hữu Sản, Thạch Sơn (Sơn Động); Trường Sơn, Trường Giang, Đan Hội, Cẩm Lý (Lục Nam)...

Trồng rừng, di dân khỏi vùng nguy hiểm

Thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho thấy, khoảng 10 năm qua, Bắc Giang xảy ra 10 trận lũ quét lớn tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Đặc biệt là khu vực huyện Sơn Động từng xảy ra các đợt sạt lở đất lớn vào năm 2013, 2016 gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trong thời gian dài. Hiện, toàn tỉnh có hơn 100 hộ đang sinh sống ở vùng có thể xuất hiện lũ ống, lũ quét khi có mưa lớn như các xã: Tân Hoa, Biển Động (Lục Ngạn); Lệ Viễn, Vĩnh Khương, An Lập, Vân Sơn, Hữu Sản, Thạch Sơn (Sơn Động); Trường Sơn, Trường Giang, Đan Hội, Cẩm Lý (Lục Nam).

Lũ quét, sạt lở đất thường xuất hiện đột ngột và gây hậu quả nặng nề. Mới đây nhất, trận mưa với tổng lượng đo được hơn 200 mm xảy ra ở Sơn Động vào cuối tháng 6 khiến xã Long Sơn xuất hiện lũ quét. Chỉ trong vài phút, nước bất ngờ ào ào đổ về, cuốn phăng toàn bộ hơn 20 con lợn, 300 con tắc kè của gia đình anh Hoàng Văn Nam, thôn Thượng; tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Lũ cũng làm nhiều diện tích lúa bị đổ, ngập, cây lâm nghiệp bật gốc; hư hại một số công trình thủy lợi, giao thông. Bà Nguyễn Thị Hiền, thôn Thượng cho biết: “Toàn bộ hàng keo ven suối của gia đình bị bật gốc, nhiều vật dụng cũng trôi theo dòng nước lũ. Dù chứng kiến sự việc nhưng chúng tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài chạy thoát thân”.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, khi rừng đầu nguồn, phòng hộ bị xâm hại, tàn phá thì lũ quét, sạt lở đất càng có nguy cơ cao xảy ra ở khu vực miền núi. Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức rà soát; đồng thời đề xuất dự án sắp xếp và ổn định dân cư vùng di dời khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét, sạt lở đất tại thôn Điếm Rén, thôn Lầm, xã Trường Sơn (Lục Nam). Theo đó, di chuyển 31 hộ trong vùng nguy hiểm. Những hộ này đều thuộc diện nghèo, không có khả năng tự mua đất, xây dựng nhà ở nơi an toàn. Cùng đó, sắp xếp ổn định dân cư vùng cần di dời khẩn cấp khỏi lòng hồ Cấm Sơn, thôn Cái Cặn, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn).

Tuy nhiên, các dự án trên đều chưa có vốn để thực hiện. Vì vậy, giải pháp trước mắt cần thực hiện là chủ động phương án ứng phó với lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở từng khu vực theo phương châm "4 tại chỗ"; không để tình trạng "nước xa cứu lửa gần". Các địa phương hỗ trợ người dân kinh phí bạt mái, hạ cấp núi gần nhà ở. Theo dõi sát dự báo thời tiết, cảnh báo kịp thời đến người dân để di dời khỏi vùng nguy hiểm. Về lâu dài, đầu tư hệ thống truyền tin, nâng tầm khả năng dự báo, cảnh báo có độ chính xác cao. Xây dựng các khu tái định cư cần tính toàn kỹ, phù hợp với tập quán canh tác của từng vùng, đặt tại nơi có đủ điều kiện an toàn không bị ảnh hưởng do lũ, lũ quét, sạt lở đất. Có cơ chế chính sách hỗ trợ trồng rừng, phát triển diện tích rừng phòng hộ; ngăn chặn nạn phá rừng.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...