Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giá lợn tăng, thận trọng khi tái đàn

Cập nhật: 10:51 ngày 25/07/2018
(BGĐT) - Giá lợn hơi tăng cao trong thời gian gần đây khiến người chăn nuôi phấn khởi, đó là tín hiệu tích cực phục hồi ngành chăn nuôi. Tuy vậy, người nuôi lợn cần thận trọng trước khi tái đàn vì thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nhiều người chăn nuôi "thoát nợ"

Thời điểm này, giá lợn hơi cán mốc 56 nghìn đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Người chăn nuôi phấn khởi vì đã có lợi nhuận sau thời gian dài thua lỗ.

{keywords}

Ông Diêm Đăng Sơn (ngoài cùng bên trái) có đàn lợn xuất chuồng đúng thời điểm giá cao.

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Diêm Đăng Sơn, thôn Phố Mới, xã Việt Ngọc (Tân Yên) luôn duy trì tổng đàn khoảng 150 con lợn thương phẩm. Ông nói: “Gia đình tôi vừa bán 22 con lợn, mỗi con khoảng một tạ với giá 54 nghìn đồng/kg; trừ chi phí lãi gần hai triệu đồng/con”. Năm ngoái gia đình ông lỗ gần 120 triệu đồng. Vì vậy khoản thu từ lứa lợn vừa qua giúp ông bù lại một phần số tiền thua lỗ. Gia đình ông Nguyễn Văn Thoảng, thôn Lãn Tranh 3, xã Liên Chung (Tân Yên) cũng vừa xuất chuồng 15 con lợn với giá cao. “Hiện trong chuồng còn hơn 40 con đạt trọng lượng xuất bán nhưng tôi vẫn chờ thêm ít ngày nữa xem giá cả có tăng không rồi tính sau"- ông Thoảng bày tỏ.

{keywords}

Ông Thoảng (bên trái) chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Ông Nguyễn Đức Đăng, cùng thôn Lãn Tranh 3 trước đây thường nuôi hơn một nghìn con lợn nhưng hiện chưa vội tăng đàn vì vẫn nghe ngóng, phân tích thị trường. Theo ông Đăng, các hộ dân chỉ nên duy trì chăn nuôi với quy mô trung bình và nhỏ, vài trăm đầu lợn trở lại. Bởi như vậy nếu giá cả có biến động theo hướng đi xuống thì vẫn cầm cự được. 
Chính vì giá lợn dịp này tăng cao nên việc thu mua không mấy dễ dàng. Ông Nguyễn Trường Xuân, thôn Hải, xã Tân Thịnh (Lạng Giang) là thương lái chuyên thu mua và cung cấp lợn thịt cho thị trường Quảng Ninh, Lạng Sơn cho hay, khi giá lợn thấp mỗi ngày ông cân từ 5 đến 7 tấn lợn hơi song thời điểm này chỉ mua được bằng một nửa so với trước. 
Giá lợn giống cũng đang ở mức cao. Cách đây vài tháng lợn giống siêu nạc giá 1,3 triệu đồng/con thì nay tăng lên gần 1,6 triệu đồng/con; các giống lợn khác cũng tăng từ 250 đến 350 nghìn đồng/con so với hồi đầu năm. 

Đề phòng rủi ro

Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang yêu cầu cơ quan chức năng trong ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y lưu hành trên địa bàn, phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm việc chăn nuôi lợn có hiệu quả lâu dài.

Sở dĩ giá lợn tăng là do lợn thịt khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn giữ ổn định. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ duy trì khoảng 1,1 triệu con lợn, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 200 nghìn con. Nguyên nhân nữa là do giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi cao (90% nguyên liệu chế biến được nhập khẩu từ nước ngoài). Theo một số chuyên gia, hiện tại giá lợn hơi của Việt Nam đang cao nhất thế giới. Ở Trung Quốc giá lợn chỉ dao động khoảng 35- 37 nghìn đồng/kg, tại Mỹ chỉ 27 nghìn đồng/kg và giá lợn hơi trung bình của thế giới là 32 nghìn đồng/kg. Nếu xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, “dòng” thịt lợn của Mỹ đang xuất sang thị trường Trung Quốc rất có thể sẽ “chảy” vào Việt Nam. Khi đó người chăn nuôi trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn.

{keywords}

Thương lái tìm về Bắc Giang thu mua lợn.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang lo ngại rằng, giá lợn tăng cao sẽ là “cơ hội” để một số đối tượng dễ dàng tiêu thụ con giống kém chất lượng; trộn chất cấm Salbutamol vào thức ăn cho lợn nhằm tạo nạc và tăng trọng nhanh để trục lợi… Trước những diễn biến nêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn lợn thịt hiện có.  Khi tái đàn cần tranh thủ nhập con giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng; tăng cường chăm sóc, quản lý đàn lợn nái để nâng cao năng suất, chất lượng. Tiêm vắc xin đầy đủ, không để dịch bệnh phát sinh, hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi. Người nuôi cũng cần sử dụng thức ăn bảo đảm chất lượng, thâm canh tăng năng suất, rút ngắn thời gian nuôi, không găm hàng chờ lên giá. Bên cạnh đó, người nuôi cũng nên thận trọng, không tái đàn ồ ạt, điều này rất có thể sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa như các năm trước.

Thế Đại

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...