Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất và tiêu thụ nhãn: Giá rẻ, vẫn khó đầu ra

Cập nhật: 18:08 ngày 06/08/2018
(BGĐT) - Vụ vải thiều “được mùa, được giá” vừa khép lại, người dân Bắc Giang bước vào vụ thu hoạch nhãn. Năm nay, cây trồng này được mùa nhưng giá không cao, việc tiêu thụ chưa được chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng quan tâm.

Giá giảm sâu, thiếu ổn định

Năm nay thời tiết thuận lợi, người dân có kinh nghiệm trong chăm sóc nên nhãn được mùa, sản lượng ước đạt hơn 18 nghìn tấn, tăng 3 nghìn tấn so với năm trước. Các địa phương có diện tích nhãn lớn, tập trung thành vùng chuyên canh là huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên và Yên Thế. Đầu vụ, giá nhãn tương đối cao, đạt 35 đến 40 nghìn đồng/kg. Mấy ngày gần đây, nhãn sớm chín rộ, giá giảm dần, thấp hơn cùng kỳ năm trước.

{keywords}

Thu hoạch nhãn ở xã Đan Hội (Lục Nam).

Huyện Lục Nam có hơn 600 ha nhãn, sản lượng ước đạt gần 9 nghìn tấn, tăng gần 40% so với vụ trước. Giữa tháng 7, các nhà vườn bắt đầu thu hoạch, thương nhân về tận vườn thu mua với giá 30 đến 35 nghìn đồng/kg. Sau đó giá nhãn giảm mạnh, hiện chỉ còn 7 đến 9 nghìn đồng/kg mà vẫn khó bán. Chị Lương Thị Phong, thôn Đại Đồng, xã Đông Hưng (Lục Nam) có 60 cây nhãn đang cho thu hoạch phản ánh: “Mấy hôm trước thương nhân mua giá 12 nghìn đồng/kg. Nay nhãn chín rộ, họ chỉ trả 7 nghìn đồng/kg mà còn chê xấu. Giá rẻ nhưng gia đình vẫn phải bán vì không thu hái vỏ quả bị nứt, cũng không biết cách làm long nhãn”. Ở xã trọng điểm nhãn của huyện là Đan Hội có giống nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng cũng trong tình trạng giá rẻ. Tuy nhiên nhiều hộ dân nơi đây có truyền thống làm long nhãn nên giữ lại để chế biến…

Tương tự, giá nhãn ngày 6-8 tại huyện Tân Yên, Yên Thế phổ biến ở mức 8 đến 12 nghìn đồng/kg. Một số vườn giống mới, được sản xuất theo quy trình VietGAP có giá bán cao hơn nhưng vẫn giảm sâu so với mươi hôm trước, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 3 đến 5 nghìn đồng/kg. Mấy ngày nay nhãn chín rộ, trời có mưa đã xảy ra tình trạng nứt quả. Thương nhân ở nhiều nơi đến thu mua, vận chuyển đi nhiều tỉnh, TP nhưng việc liên kết sản xuất - tiêu thụ chưa được các hợp tác xã, doanh nghiệp ở địa phương “vào cuộc” như với một số loại nông sản khác…

Chưa có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ

Bắc Giang hiện có gần 2,9 nghìn ha nhãn. Cây trồng này tiếp tục được Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương quan tâm mở rộng. Nhiều huyện khuyến khích nâng chất lượng bằng cách quy hoạch vùng chuyên canh, ứng dụng kỹ thuật rải vụ, chuyển đổi giống mới, áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất. Đơn cử huyện Lục Nam đã xây dựng vùng nhãn VietGAP quy mô khoảng 130 ha tại xã Đan Hội, Lục Sơn để hướng tới xuất khẩu; mở rộng diện tích nhãn muộn lên 40%. Tuy nhiên việc tiêu thụ loại nông sản này chưa được quan tâm. Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, Tân Yên cho biết, nhãn được mùa nhưng sự hỗ trợ từ phía chính quyền các xã, phòng chức năng của huyện trong tiêu thụ chưa nhiều. Huyện Yên Thế tập trung tiêu thụ các nông sản chủ lực như: Chè, gà đồi, vải thiều… trong khi nhãn cũng được chỉ đạo phát triển sản xuất nhưng vẫn “bí” đầu ra.

{keywords}

“Mấy năm gần đây, diện tích, sản lượng nhãn không ngừng tăng trong khi xúc tiến tiêu thụ chưa được quan tâm. Năm nay nhãn được mùa, nguy cơ giá rất rẻ; ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kỹ thuật chăm sóc, đề nghị Sở Công Thương, chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản này”. 


Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. 

Ông Vũ Trí Học, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Nam cho biết, có thời điểm nhãn đã xuống dưới 6 nghìn đồng/kg. Sản phẩm vẫn chủ yếu do thương nhân kinh doanh nhỏ lẻ tiêu thụ tươi trong nước. Trước đây, nhiều hộ ở xã Đan Hội thu mua, chế biến làm long nhãn nhưng nay giá ngày công bóc nhãn rất cao, không có lao động để thuê. Vì thế hiện chỉ còn ít hộ duy trì lò sấy, chủ yếu chế biến nhãn của gia đình và một số hộ trong thôn. “Ngoài việc trưng bày nhãn Lục Nam tại một số hội chợ, huyện chưa có cơ chế, biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm này, cơ bản vẫn do thương nhân tự liên hệ với người trồng nhãn để thu mua, chưa có hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương đứng ra liên kết sản xuất -tiêu thụ”, ông Học chia sẻ.

Mấy năm qua, nhãn được nhiều địa phương mở rộng diện tích, nâng chất lượng nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm này vẫn bỏ ngỏ. Trao đổi vấn đề này, ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương xác nhận, “đầu ra” cho nhãn chưa được ngành chú trọng như một số loại nông sản khác bởi đây chưa phải là hàng hóa đặc trưng, chủ lực của tỉnh; trước mắt trách nhiệm hỗ trợ tiêu thụ là do các huyện thực hiện.

Cây trồng này còn cho thu hoạch kéo dài đến tháng 10, vì vậy các địa phương cần tiếp tục quan tâm xúc tiến tiêu thụ, hỗ trợ thương nhân tham gia thu mua, chế biến nhãn. Về lâu dài, cùng với việc chỉ đạo sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm cần xác định rõ vị trí cây nhãn trong cơ cấu các loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nhãn Bắc Giang, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản này theo chuỗi.

Bảo Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...