Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Na Lục Nam vào vụ mới: Chú trọng chất lượng, giá cao

Cập nhật: 19:06 ngày 07/08/2018
(BGĐT) - Thời điểm này, Lục Nam bắt đầu vào vụ thu hoạch na. Sản lượng đợt đầu đạt có giá bán cao. Hiện người trồng na đã chú trọng hơn về chất lượng để giữ vững và phát huy giá trị cây trồng này.
{keywords}

Vườn na của gia đình bà Phạm Thị Lương ở thôn Khuyên, xã Huyền Sơn
luôn cho trái to, đều.

Sản lượng giảm, giá cao

Những ngày này, chợ na thôn Khuyên, xã Huyền Sơn (Lục Nam) bắt đầu nhộn nhịp. Khu chợ mới được tu sửa, nâng cấp khang trang, rộng rãi. Theo người dân địa phương, cữ này năm ngoái chợ na đã chật cứng, người mua, kẻ bán tấp nập hơn nhiều.

Đặt gánh na xuống chợ, bà Bùi Thị Bình, thôn Khuyên tâm sự: Do thời tiết không thuận, nắng nóng kéo dài nên hoa thụ phấn đợt 1 đậu ít. Với diện tích hơn 7 sào, gia đình bà mỗi ngày chỉ gom được gần 20 kg, tầm này năm ngoái thu gấp rưỡi. Chợ na Suối Ván, xã Nghĩa Phương cũng trong cảnh tương tự. Mới hơn 9 giờ sáng nhưng đã thưa người, chỉ còn lác đác vài người đang mặc cả cân nốt những thúng na còn lại. 

Ông Hoàng Xuân Thao, thôn Tó, xã Nghĩa Phương cho biết, năm trước gia đình ông thụ phấn ba đợt na, thu 8 tấn, năm nay đợt 1 năng suất giảm, sản lượng chỉ đạt khoảng 2 tấn, bằng 2/3 vụ trước. Bù lại giá cao tương đương năm ngoái, dao động từ 29 - 38 nghìn đồng/kg. Ông Lưu Chí Thắng, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) - một thương lái lâu năm chuyên thu mua hàng nông sản ở đây phàn nàn, đầu vụ năm ngoái mỗi ngày ông thu mua hơn 1 tấn nhưng năm nay chỉ được 6- 8 tạ.

UBND huyện Lục Nam đang tiến hành làm hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu Na dai Lục Nam, dự kiến thủ tục sẽ hoàn tất trong năm nay. Đây là cơ sở góp phần để na Lục Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mang lại nguồn thu bền vững cho người dân nơi đây.

Không chỉ gia đình bà Bình, ông Thao mà hầu hết các hộ trồng na ở Lục Nam đều mất mùa đợt 1. Ước tính tổng sản lượng na đợt 1 chỉ đạt khoảng 6 nghìn tấn, thấp hơn khoảng một nghìn tấn so năm ngoái. Ông Đinh Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho rằng, sản lượng na giảm là do người trồng na nắm bắt khả năng nhãn được mùa lớn nên đã chủ động thụ phấn lứa 1 ít đi, tránh cho na bị ép giá vì chín rộ cùng thời điểm thu hoạch nhãn. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết bất thường nên lượng hoa được thụ phấn tỷ lệ đậu quả không cao và nhiều hộ chưa có kỹ thuật thâm canh tốt khiến trái na nhỏ, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng chung.

Nâng chất lượng quả

{keywords}

Thương lái đóng hàng đi tiêu thụ.

Cùng trong cảnh mất mùa nhưng gia đình bà Phạm Thị Lương ở thôn Khuyên, xã Huyền Sơn không bị thiệt hại nhiều như những gia đình khác. Nhà bà có 2,5 mẫu na, trong đó hơn 2 mẫu đang cho thu hoạch. Có kinh nghiệm nên bà chia vườn thành nhiều lô, xung quanh xây các rãnh thoát nước, khoan giếng để lấy nước tưới. Gia đình bà chủ yếu dùng phân chuồng đã hoai mục bón cho cây, hạn chế dùng các loại phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ. 

“Sau này tôi mới biết mình chăm sóc cây như vậy chẳng khác gì áp dụng quy trình VietGAP”, bà Lương cười chia sẻ. Việc áp dụng kỹ thuật tỉa cành và thụ phấn nhân tạo cho na đã trở nên phổ biến song bà vẫn có cách làm riêng. Chỉ có những cây khỏe bà mới cho đậu trái ba lứa trong năm, còn lại để hai lứa, dưỡng cây cho mùa sau, không chạy theo số lượng. Vì thế, na của gia đình bà Lương quả luôn to đều, thơm ngon, chỉ 3 - 4 quả/kg, trong khi na bình thường phải từ 5 - 8 quả/kg. Năm nào gia đình bà cũng được thương lái đến hợp đồng mua cả vườn để cung cấp cho nhà hàng, khách sạn.

Ông Dương Đức Hợp, thôn Nghè và hàng chục hộ khác ở xã Huyền Sơn cũng học tập cách làm như gia đình bà Lương. Ông Hợp cho biết, một cây na trưởng thành thường cho 100 trái/vụ, nếu đợt trước quả đậu ít thì ông sẽ thụ phấn nhiều hơn cho các lứa còn lại để sản lượng cả vụ không thay đổi. Hiện gia đình ông đang tích cực chăm sóc, thụ phấn cho vườn na.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, tổng diện tích na trên địa bàn đạt khoảng 1.730 ha, tăng 20 ha so năm trước. Huyện đã chỉ đạo các xã giữ ổn định diện tích, tăng cường áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng chất lượng sản phẩm.

Đến nay, toàn huyện đã có 750 ha được chăm sóc theo quy trình này, tăng 50 ha so năm trước. Hầu hết các địa phương đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng chia sẻ thông tin, kỹ thuật thâm canh, liên kết bao tiêu sản phẩm. Để tránh cho na bị ép giá do chín cùng một thời điểm, hiện các tổ hợp tác, hợp tác xã đang thí điểm thụ phấn để na cho thu trái liên tục. Dự tính những trà na này sẽ cho trái từ cuối tháng 6 đến hết tháng 10 (âm lịch) mà không bị nghỉ ngắt quãng giữa các đợt thu hoạch.

Na Lục Nam bán tại vườn giá từ 27 - 40 nghìn đồng/kg
(BGĐT) - Hiện nay, một số xã trên địa bàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) bắt đầu vào mùa thu hoạch na. Năm nay, diện tích na tăng, sản lượng không cao bằng năm trước, bán được giá. Hiện, thương nhân nhiều nơi về đây thu mua.
 
Thơm ngon chả giã tay Lục Nam
(BGĐT) - Ở huyện Lục Nam (Bắc Giang), ngoài sản phẩm đặc trưng như: Na dai, dứa, hạt dẻ…, nhiều du khách còn biết đến món ăn thơm ngon là chả giã tay. Nhiều năm qua, gia đình anh Nguyễn Đình Tuấn, phố Đồi Ngô, thị trấn Đồi Ngô duy trì nghề làm chả giã tay. 
 

Thế Đại

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...