Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lục Ngạn: Kè vừa xây xong đã hỏng, vì sao ?

Cập nhật: 19:29 ngày 09/08/2018
(BGĐT) - Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, UBND tỉnh Bắc Giang bố trí kinh phí xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Lục Nam, đoạn qua thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình đã hư hỏng nặng. Vì sao dẫn tới sự cố này?
{keywords}

Khối bê tông bị kéo xuống tạo thành hang sâu dọc tuyến kè.

Sạt lở nghiêm trọng

Dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Lục Nam, đoạn từ khu Nhật Đức đến Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị trấn Chũ có tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. UBND huyện Lục Ngạn làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần AT&T Việt Nam thi công từ tháng 1-2017.  Các hạng mục chính gồm: Chân kè, mái kè, đỉnh kè và phần phụ trợ. Công trình được Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra vào ngày 22-6-2018. Kết quả cho thấy, công trình cơ bản bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng theo thiết kế được duyệt. Trên cơ sở đó, Sở chấp thuận cho chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. 

Tính từ thời điểm Sở Nông nghiệp và PTNT chấp thuận đưa công trình vào sử dụng đến nay mới được hơn một tháng song đã xảy ra sự cố nghiêm trọng. Có mặt tại đây vào ngày 8-8, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến từng mảng bê tông bị xô sạt, rọ đá dịch chuyển về phía lòng sông, khoảng cách lớn nhất từ 1-2 m. Có đoạn lõm xuống, tạo thành hang sâu dọc theo đường đỉnh kè. Một số điểm tại mái kè nứt toác khiến cho các khối bê tông rời rạc, không còn sự gắn kết, có chỗ vỡ vụn. 

Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện, trước đó, ngày 20-7-2018, thân kè xuất hiện một số vết nứt nhỏ. Sau đó, vì nước sông dâng cao nên đơn vị quản lý không quan sát được và nước rút thì kè bị sụt lún với chiều dài hơn 100 m như hiện nay.

Khẩn trương khắc phục, làm rõ trách nhiệm

Công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Lục Nam, đoạn từ khu Nhật Đức đến Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị trấn Chũ có tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. UBND huyện làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần AT&T Việt Nam thi công. 

Tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Lục Ngạn. Ông Hải khẳng định, vật liệu xây dựng và quá trình thi công đều bảo đảm yêu cầu. Trước khi đưa vào sử dụng, công trình được cơ quan chuyên môn thẩm định kỹ lưỡng. Ban đã mời một số đơn vị tư vấn đến kiểm tra thì đều cho rằng, dự án có thiết kế tốt, phù hợp với địa hình, dòng chảy. Thế nên, bước đầu, Ban nhận định nguyên nhân là do hoạt động khai thác cát sỏi trái phép tại khu vực lân cận đã làm kè bị rỗng chân, tạo ra cung trượt mất ổn định. Hiện đáy sông bị đào sâu hơn so với trước khoảng 4m. Mấy ngày gần đây xuất hiện mưa lớn, dòng chảy mạnh, xoáy vào thân kè dẫn đến sạt trượt. 

{keywords}

Đoạn kè bị sạt lở.

Một số người dân sinh sống lân cận kè cũng thông tin, thường xuyên xuất hiện tàu khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng sông này. Ông Đỗ Xuân Hòa, Trưởng khu Hà Thị, thị trấn Chũ cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc trước việc các tàu hút cát quần thảo lòng sông vì không chỉ gây hư hỏng công trình đê, kè mà còn tạo ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bà con. Tôi đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết triệt để”. Liên quan đến nội dung này, chúng tôi được biết, ngày 25-6 và 2-8 năm nay, UBND thị trấn Chũ có biên bản làm việc về tình hình khai thác cát sỏi lòng sông Lục Nam trên cơ sở phản ánh của người dân. Theo biên bản làm việc lập vào ngày 25-6 tại khu Hà Thị, đại diện quản lý bến bãi của Công ty TNHH một thành viên Tư vấn dịch vụ đo vẽ bản đồ Việt Ngọc thừa nhận có nạo vét lòng sông nhưng để khơi thông dòng chảy phục vụ cho thuyền di chuyển. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây thì nước sông vào thời điểm đó không cạn. Rà soát số liệu thủy văn đo được từng ngày của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Giang cung cấp thì mực nước trên sông Lục Nam, đoạn qua thị trấn Chũ dao động từ 1,85-6,61 m, tức là nước sông không thể cạn đến mức Công ty phải nạo vét thì thuyền mới lưu thông được. Điều này chứng tỏ cách giải thích của Công ty Việt Ngọc không hợp lý. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng Công ty Việt Ngọc viện ra lý do để “đánh cắp” khoáng sản? Còn trong buổi làm việc với UBND thị trấn Chũ diễn ra vào ngày 2-8 vừa qua, tại khu Nhật Đức, đại diện Công ty Việt Sơn (Bắc Ninh) lý giải, Công ty chỉ nạo vét phân luồng để lên cẩu cát, tập kết bãi và làm cảng (?). 

Qua đây cho thấy, việc giám sát các doanh nghiệp có thực hiện đúng như những gì giải trình hay không cũng không được cơ quan chuyên môn, địa  phương của huyện Lục Ngạn chú trọng. Rõ ràng có “lỗ hổng” trong quản lý hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông và hệ quả là kè bị sạt trượt, thiệt hại nặng. “Hiện nay, để khắc phục sự cố phải qua các công đoạn phức tạp. Trước mắt, chúng tôi đề xuất thả đá vào phần chân kè bị rỗng. Sau đó, qua mùa mưa lũ mới tính toán xử lý tiếp theo”- ông Nguyễn Văn Hải cho biết.

Kè chống sạt lở bờ sông Lục Nam nằm sát Trường THCS Trần Hưng Đạo và ngôi chùa Khánh Vân. Nắm rõ tầm quan trọng của công trình đối với tính mạng, tài sản của hàng nghìn người dân nên tỉnh đã đầu tư kinh phí gia cố, tu bổ song chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng bởi vừa xây xong đã sạt. 

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, chỉ cần trận mưa lũ lớn, nguy cơ cao kè và trường học, nhà ở dân sinh và các công trình lân cận có thể bị cuốn phăng xuống sông. Dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, năm học mới sắp bắt đầu. Nhiều học sinh đến trường lao động, có thể tụ tập vui đùa gần khu vực sạt lở. Do vậy huyện Lục Ngạn cần khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình. Cắm biển cảnh báo, đề phòng tai nạn đáng tiếc. Đồng thời xác định rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan; quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát sỏi; xử lý nghiêm sai phạm. 

Nhóm PVKT


Bắc Giang: 7 tỷ đồng xử lý cấp bách sự cố sạt lở đê
(BGĐT) - Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đang thực hiện dự án xử lý cấp bách sự cố sạt lở đê hữu Thương Ba Tổng (Yên Dũng). 
 
Phòng chống lũ quét, sạt lở đất - “Nước xa không cứu được lửa gần”
(BGĐT) - Địa hình chia cắt, hệ thống suối nhỏ dày đặc cộng với rừng đầu nguồn bị xâm hại là những yếu tố khiến lũ ống, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Các hiện tượng trên xuất hiện thường gây hậu quả nặng nề, thiệt hại lớn. 
 
Khắc phục các điểm giao thông sạt lở sau mưa lũ
(BGĐT) - Công ty cổ phần Đường bộ Bắc Giang đang huy động nhân lực, máy móc san gạt, thu dọn đất đá, khơi thông cống rãnh tại các điểm sạt lở sau mưa lũ bảo đảm an toàn giao thông tại quốc lộ, tỉnh lộ như: 31, 279, 242..., đoạn qua huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Yên Thế. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh kiểm tra điểm sạt lở bờ sông Lục Nam
(BGĐT) - Chiều ngày 1-3, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh cùng lãnh đạo một số ngành, UBND huyện Lục Ngạn đã kiểm tra điểm sạt lở ven sông Lục Nam, đoạn qua thôn Hòa Mục, xã Mỹ An (Lục Ngạn). 
 

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...