Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản chặt đàn chó, chủ động ngừa bệnh dại

Cập nhật: 14:52 ngày 16/08/2018
(BGĐT)- Nuôi chó ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Vì chó là loài vật nuôi “chi tình” nên không ít gia đình chủ quan không đề phòng mối nguy hiểm từ chó dẫn đến nhiều vụ việc thương tâm. 
{keywords}

Nhiều người cho chó ra tắm chung ở hồ Công viên Hoàng Hoa Thám (TP Bắc Giang).

Hàm chó… vó ngựa

Đến nay, ông Nguyễn Văn T ở thôn Lẻ, xã Xuân Hương (Lạng Giang) vẫn chưa hết sợ hãi khi kể về tai nạn mới ập đến với cậu con trai của ông. Vào một ngày giữa tháng 7 vừa qua, đang chơi ở hiên nhà, thấy con chó lai của gia đình (nặng hơn 30 kg) tuột xích chạy ra ngoài, cậu con trai liền đuổi theo giẫm lên cái xích cổ con chó đang kéo lê dưới đất để giữ lại. Bị hãm bất ngờ, con chó liền quay lại tấn công cậu chủ. Hàm răng sắc nhọn của con chó cắn vào gáy và lưng em khiến máu chảy loang lổ. Nghe tiếng kêu la thất thanh, bà cháu vội chạy tới can thiệp mới giải cứu được cháu. Cậu bé được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ phải khâu 12 mũi. 

Trong lúc ngồi chờ đến lượt tiêm vắc- xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế), em Nghiêm Văn Tuấn ở thôn Tân Hưng, xã Bắc Lý (Hiệp Hòa) cho biết: “Hàng xóm nhà em nuôi một con chó lai rất to, đã quen nó từ lâu nhưng không hiểu vì sao hôm 24-7 vừa rồi, em sang chơi vẫn bị nó lao ra cắn vào chân”. 

Còn nhiều trường hợp khác bị chó cắn nhưng câu chuyện buồn nhất có lẽ là của chị Ngô Thị T (33 tuổi) ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) tử vong vì bệnh dại vào ngày 4-3 vừa rồi. Được biết, gia đình chị làm nghề thịt chó. Cách thời điểm chị bị tử vong khoảng 4-5 tháng, trong lúc bắt chó làm thịt, chị T không may bị chó cắn vào cẳng chân phải. Vết cắn nông, chảy ít máu nên chị chủ quan chỉ rửa vết thương bằng nước sạch mà không đi tiêm vắc- xin phòng bệnh dại dẫn đến hậu quả đau lòng. 

{keywords}

Em Nghiêm Văn Tuấn tiêm vắc xin phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày có 65 bệnh nhân đến tiêm phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tăng gấp ba lần so với những tháng đầu năm. Mỗi ca điều trị có mức phí từ 640 nghìn đến hơn 2 triệu đồng. Tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh có hơn 4,78 nghìn người bị chó, mèo nghi dại cắn đã đến cơ sở y tế tiêm phòng. Hơn nửa số ca bị chó cắn là người cao tuổi và trẻ em. 

Lơ là quản lý 

Nuôi chó vốn là một tập quán tốt đẹp của người Việt, nó hàm chứa hai yếu tố tích cực là làm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của người nuôi và trông giữ tài sản gia đình. Pháp luật không có quy định cấm nuôi chó. Tuy nhiên, người nuôi phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận, tránh trường hợp chó tấn công người (đặc biệt đối với chó đã mắc bệnh dại), ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. 

Đáng tiếc, có rất nhiều người nuôi vẫn chủ quan mỗi khi thả hoặc dắt chó đi chơi. Ngay trên địa bàn TP Bắc Giang - nơi đã có những quy định chặt chẽ về quản lý vật nuôi, liên tục mở các đợt vây bắt chó thả rông nhưng vẫn có nhiều hộ chưa có ý thức chấp hành. Vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn, rất dễ bắt gặp hình ảnh nhiều người đưa chó ra Quảng trường 3-2, Công viên Hoàng Hoa Thám hoặc nơi công cộng để vui chơi mà không có dây dắt chó hay rọ mõm. 

Tại Công viên Hoàng Hoa Thám, người nuôi còn vô tư đưa chó xuống tắm chung với rất nhiều người dưới hồ. Ông Bàng Bá Chung ở phố Lê Lợi bất bình nói: “Không nên vì yêu quý vật nuôi của mình mà vô tình tạo ra mối nguy hiểm cho người khác”. 

{keywords}

Một con chó ngoại dòng alaska vô tư chơi đùa tại Quảng trường 3-2 (TP Bắc Giang).

Theo Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật: Chủ nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình chính quyền cấp xã cấp sổ quản lý chó. Ngoài ra, chủ nuôi phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y; không được thả rông, để chó cắn người. Được biết, đến thời điểm này chưa có hộ nào thực hiện quy định này.

Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm, người dắt. Nếu vi phạm các quy định trên, chủ nuôi có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600 nghìn đến 800 nghìn đồng. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc- xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.  Để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.

Ông Hoàng Văn Dự, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi- Thú ý tỉnh nói: “Chính quyền, các đoàn thể địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và nguy hại của bệnh dại. Bản thân mỗi người dân không chủ quan, khi không may bị chó, mèo cắn cần đến ngay cơ sở y tế dự phòng điều trị, tuyệt đối không chữa trị bằng thuốc nam để tránh hậu quả đáng tiếc”.

Thế Đại

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...