Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chậm cấp GCNQSDĐ sau dồn điền đổi thửa: Khắc phục tình trạng "dễ làm, khó bỏ"

Cập nhật: 08:25 ngày 28/08/2018
(BGĐT) - Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã dồn điền đổi thửa (DĐĐT) hàng chục nghìn ha đất, tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Thế nhưng, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ-sổ đỏ) cho các hộ gia đình rất chậm, khiến công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn. 

Tiến độ chậm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh DĐĐT hơn 14 nghìn ha, trong đó giai đoạn 2014-2016 dồn đổi hơn 11,6 nghìn ha. Trong số này có 10,8 nghìn ha đã đo đạc bản đồ địa chính song kết quả cấp giấy đạt rất thấp.

{keywords}

Đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ sau dồn điền đổi thửa tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên).

Số liệu thống kê của Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT), các huyện, TP hiện mới cấp được hơn 20 nghìn sổ đỏ với diện tích khoảng 2,5 nghìn ha, đạt hơn 25% tổng diện tích đã dồn đổi từ 2014-2016. Hầu hết các địa phương cấp giấy chỉ đạt từ 10%-30% trong tổng diện tích cần cấp. 

Ví như huyện Lục Nam mới cấp được hơn 1,5 nghìn sổ đỏ với diện tích 287 ha trong số gần 1,6 nghìn ha cần cấp. Huyện Yên Dũng chưa cấp được 1/4 diện tích; huyện Hiệp Hòa mới cấp được 1/3 diện tích. Riêng huyện Yên Thế, TP Bắc Giang "bỏ trắng".

Ông Nguyễn Trung Lượng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai cho biết, tiến độ cấp GCN chậm là do giai đoạn 2014-2016, một số địa phương thực hiện phương án DĐĐT không đúng theo hồ sơ hướng dẫn nên khó kê khai, cấp giấy. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang… Đặc biệt, nhiều xã sau khi đo đạc bản đồ địa chính bằng máy, diện tích thực tế có sai số lớn, do đó lúng túng khi thiết lập hồ sơ.

Tìm hiểu thực tế, một số địa phương hiện còn chưa nghiệm thu được diện tích đã dồn đổi từ những năm trước bởi khi giao ruộng không yêu cầu các hộ ký biên bản tại đầu bờ, không bảo đảm điều kiện cấp giấy. Đơn cử như ở thôn Húi, xã Đan Hội còn 200 ha; thôn Dẫm Đình, xã Bắc Lũng (Lục Nam) còn 40 ha. Có hộ sau khi dồn đổi còn tự ý chuyển nhượng cho hộ khác song không làm thủ tục đúng quy định, mất nhiều thời gian xác định chủ ban đầu. 

Số liệu thống kê của Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT), các huyện, TP hiện mới cấp được hơn 20 nghìn sổ đỏ với diện tích khoảng 2,5 nghìn ha, đạt hơn 25% tổng diện tích đã dồn đổi từ 2014-2016.

Ví như trường hợp ông Trần Đình Hường, thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên). Năm 2016, ông Hường nhận chuyển nhượng của hộ ông Ngô Văn Quyền ở cùng thôn hơn 3,1 nghìn m2 đất nông nghiệp nhưng không hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng. Ngoài ra, nhiều hộ còn bị mất sổ đỏ cũ khiến đơn vị tư vấn gặp khó khăn khi xác định thông tin thửa đất. Huyện Sơn Động, TP Bắc Giang chậm bố trí kinh phí đo đạc bản đồ, hiện mới đang đo đạc đối với diện tích đã dồn đổi xong giai đoạn 2014-2016 nên tiến độ cấp giấy chậm.

Quy rõ trách nhiệm

Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy, bảo đảm quyền của người sử dụng đất, tránh tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, khiếu kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh đã ban hành văn bản yêu cầu UBND các huyện, TP khẩn trương rà soát diện tích DĐĐT giai đoạn 2014- 2016, từ đó xác định rõ khó khăn, vướng mắc để cấp giấy xong trong năm 2019. 

{keywords}

Cán bộ Phòng TN&MT huyện Việt Yên thẩm định hồ sơ cấp giấy sau dồn điền đổi thửa cho các hộ.

Đối với diện tích dồn đổi năm 2017-2018 đề nghị giao ruộng trên thực địa xong cần tập trung đo đạc bản đồ ngay để cấp giấy. Chủ tịch UBND các huyện, TP phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành hoặc để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến công tác này. Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tiến độ, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo trên, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Sở đang tập trung cử cán bộ phối hợp với các huyện, TP tháo gỡ khó khăn đối với từng trường hợp, không để xảy ra tình trạng “dễ làm, khó bỏ”. Các hộ có sự chênh lệch về diện tích giữa phương án DĐĐT và kết quả đo thực tế, đơn vị hướng dẫn các địa phương cấp theo hiện trạng đang sử dụng. 

Trường hợp lấn chiếm, sử dụng không đúng mốc giới, UBND các xã cần chỉ đạo ban quản lý thôn, tiểu ban DĐĐT xử lý dứt điểm vi phạm, công khai kết quả sau đó mới cấp giấy. Các hộ mất GCN cũ, người sử dụng đất cần làm đơn trình bày về việc mất giấy, đề nghị cấp có thẩm quyền hủy sổ đỏ đã cấp. UBND xã thông báo về việc mất giấy tại trụ sở và nhà văn hóa thôn, bản trong vòng 30 ngày sau đó tổ chức cấp giấy.

Đi liền với đó, Sở tiếp tục hướng dẫn các xã hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu diện tích đã dồn đổi làm căn cứ cấp giấy. Trường hợp người sử dụng đất đã chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho nhưng không làm thủ tục, khó quy chủ ban đầu thì yêu cầu người đang sử dụng đất viết cam kết việc chuyển đổi là đúng sự thật và cơ quan chuyên môn xác minh lại. 

Huyện Sơn Động, TP Bắc Giang đang đôn đốc các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ, rà soát vị trí số thửa kết hợp hướng dẫn người dân kê khai thông tin, hoàn thiện hồ sơ cấp giấy. UBND huyện Lục Nam giao cho Phòng TN&MT trực tiếp hỗ trợ các xã thiết lập hồ sơ, gắn với thẩm định để rút ngắn thời gian.

Tú Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...