Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ứng phó mưa lớn tại Bắc Giang: Bảo đảm an toàn hồ đập, di dời hộ dân khỏi vùng nguy hiểm

Cập nhật: 22:46 ngày 30/08/2018
(BGĐT)-Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện mưa lớn trên diện rộng, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh xảy ra ngập úng, thiệt hại sản xuất. Hiện nay, các địa phương, người dân đang khẩn trương khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
{keywords}

Cán bộ xã Đông Sơn (Yên Thế) hướng dẫn người dân di dời tài sản, bảo đảm an toàn giao thông trong mưa lũ.

Cây trồng, nhà xưởng bị ngập
Tính từ 19 giờ ngày 29-8 đến sáng 30-8, lượng mưa tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 100 mm, thậm chí có nơi 207 mm. Mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến lũ trên các sông dâng cao. Lũ sông Lục Nam ngày 30-8 chảy cuồn cuộn, cao hơn so với hôm trước khiến nhiều tuyến đường liên thôn và hàng trăm ha cây ăn quả ở ven sông bị ngập. Nhiều vườn quả có phần gốc ngâm trong nước khoảng 30-40 cm, có vườn nước mấp mé ngọn cây. 
{keywords}

Ông Đinh Ngọc Chi, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) chằng buộc để bưởi không chạm nước.

Gia đình ông Đinh Ngọc Chi, thôn Tân Trường, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) bị ngập gần 2 mẫu vải thiều, cam, bưởi. Ông Trường xót xa nói: “Vườn bưởi 9 sào đã trồng đến nay được 14 năm, cây nào cũng trĩu quả vậy mà hơn một ngày qua, gốc cây bị ngâm trong nước. Nhiều chùm quả chạm nước nên tôi lo lắm, nguy cơ có thể mất trắng nếu một ngày nữa nước không rút”. 
Cạnh đó, gia đình ông Hoàng Văn Hùng có vườn vải bị ngập đến ngọn cây. Ông Hùng cho biết, 10 năm qua mới có trận lụt lớn như thế này. Vải thiều có khả năng chịu úng tốt hơn một số cây ăn quả khác nhưng kéo dài vài ngày nữa có thể vẫn bị thối rễ. Tương tự, các xã: Phượng Sơn, Nam Dương, Trù Hựu cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi lũ dâng cao. Ngoài ra, nhiều suối nước mấp mé cầu, lối đi.
{keywords}

Tuyến đường huyện từ ngã ba Phương Đông, xã Đông Sơn (Yên Thế) đi huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) đoạn qua cầu Bến Trăm bị ngập sâu, chia cắt cục bộ. 

Tại huyện Yên Thế, một số xã vùng thấp như: Đông Sơn, Đồng Hưu, Bố Hạ, Tân Sỏi bị ngập úng cục bộ do nước sông Thương, sông Sỏi dâng cao. Xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Tân Xuân, xã Bố Hạ bị ngập khoảng 1 m. 
Đang tất bật cùng người thân di chuyển tài sản, anh Kiên thông tin: "Khoảng 20 giờ tối 29-8, nước sông bắt đầu dâng cao làm đổ hơn 100 m2 nhà xưởng, tổng thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Ngay trong đêm gia đình cùng khoảng 20 người trắng đêm tháo dỡ, di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi vùng ngập. Hiện, nước sông đang tiếp tục lên, nguy cơ cuốn trôi hơn 2 nghìn tấn dăm gỗ đã qua chế biến, tổng giá trị khoảng 2 tỷ đồng đang chìm trong nước". 
Nước sông tạo áp lực khiến cống Táo, thôn Tân Xuân bị rò nước, đe dọa nhấn chìm 100 ha lúa và 70 hộ dân trong thôn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, toàn huyện có hơn 200 ha cây trồng bị ngập. Mưa lũ cũng khiến gần 30 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời. 
{keywords}

Ngầm Thia, xã Lệ Viễn (Sơn Động) ngập sâu.

Tại huyện Sơn Động có nhiều ngầm ngập sâu. Riêng hai xã An Lạc, Bồng Am bị cô lập không đến được trung tâm xã. Mưa lớn làm đổ tường nhà của hộ ông Bùi Văn Bộ, thôn Ghè, xã Quế Sơn. 
Hạn chế thấp nhất thiệt hại
{keywords}

Lũ trên sông Lục Nam.

Ngoài ảnh hưởng đến cây ăn quả, mưa lớn gây ngập hơn 35 ha lúa tại Lạng Giang, Lục Nam. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các địa phương đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, khẩn trương khắc phục. Riêng xã Trù Hựu, bố trí kinh phí thuê phương tiện khơi thông bèo, rác trên kênh, qua đó giảm nước ùn ứ, tràn vào nhà dân. 
Ông Tăng Văn Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn cho biết, những hộ có nước lên đến sân đều được lực lượng của xã, bà con trong thôn xóm hỗ trợ di chuyển đồ đạc. Riêng với cây ăn quả bị ngập, chúng tôi khuyến cáo những vườn có thể đắp bờ thì khẩn trương bơm tiêu nước. Sau khi nước rút tháo nước và bơm rửa lá, cành để cây nhanh hồi phục. 
{keywords}

Trạm bơm Xuân Hương (Lạng Giang) huy động tổ máy bơm tiêu úng.

Ở huyện Yên Thế, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện đã huy động lực lượng lấp cửa cống, không để nước sông tràn vào đồng; hỗ trợ 16 hộ ở xã Bố Hạ, Đông Sơn di chuyển đến nơi an toàn. Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đột xuất gia đình ông Phạm Văn Chung, thôn Hồi, xã Phồn Xương 2 triệu đồng khắc đổ tường nhà. 
Cùng với các địa phương, các công ty thủy nông huy động gần 60 tổ máy bơm tiêu úng; huy động lực lượng tuần tra, canh gác hồ, đập. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Giang, ngày 31-8, thời tiết khu vực Bắc Giang tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Do vậy, nguy cơ cao úng ngập gia tăng. 
Trước tình hình trên, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, TP khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân chống lũ, kịp thời di dời những hộ dân tại vùng thấp, có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn; hạn chế tối đa thiệt hại, sớm ổn định đời sống sau mưa lũ. 
Đồng thời, tăng cường lực lượng ứng trực, bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm chia cắt; khơi thông cống rãnh, không để nước mưa tồn đọng làm ảnh hưởng đến tuổi thọ, chất lượng các tuyến đường giao thông. Tại những nơi nước rút cần nhanh chóng thống kê thiệt hại, thực hiện ngay giải pháp thau rửa bùn đất trên cây trồng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.
Nhóm PVKT


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...