Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào hai dự thảo luật

Cập nhật: 14:40 ngày 21/09/2018
(BGĐT) - Sáng 21-9, ông Trần Văn Lâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “Nông nghiệp, nông thôn”; lấy ý kiến cử tri ngành nông nghiệp đóng góp vào hai dự thảo luật: Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt.  

{keywords}

Ông Trần Văn Lâm thông tin một số điểm chính trong hai dự thảo luật tại hội nghị.

Tham dự có bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ngành liên quan.

Tại hội nghị, ông Trần Văn Lâm thông tin một số điểm chính trong hai dự thảo: Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi; mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết phải ban hành hai luật này cũng như tầm quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tình hình hiện nay.  

Theo đó, dự thảo Luật Chăn nuôi gồm 7 chương, 79 điều. Luật quy định về hoạt động trong lĩnh vực giống và sản phẩm giống vật nuôi, thức ăn, điều kiện cơ sở, xử lý chất thải chăn nuôi; chăn nuôi động vật khác, phúc lợi cho vật nuôi; chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.  

Góp ý với dự án Luật Chăn nuôi, các đại biểu đề nghị sửa lại một số điểm trong các điều khoản giải thích làm rõ từ ngữ chuyên ngành như: Khái niệm về hoạt động chăn nuôi, đơn vị vật nuôi; khái niệm về gia cầm, con giống, vật nuôi…; bổ sung giải thích từ ngữ khu dân cư trong chăn nuôi để việc thực hiện được chính xác. 

Luật cũng cần quy định đơn vị vật nuôi cho thống nhất; bổ sung, làm rõ quy định về thời gian và số lần thực hiện tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi. 

Đối với quản lý cơ sở giết mổ, cần định nghĩa rõ thế nào là cơ sở giết mổ? Bổ sung điều khoản liên quan đến việc đối xử nhân đạo với vật nuôi trước khi giết mổ. 

Cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý các cấp; trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh chăn nuôi và sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; quy định về quản lý chất lượng con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi. 

Đại biểu cũng bàn sâu và đề nghị dự án luật bổ sung quy định cụ thể về chăn nuôi biến đổi gien, động vật hoang dã, bán hoang dã…

{keywords}

Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng góp ý kiến vào dự thảo Luật Trồng trọt.

Dự thảo Luật Trồng trọt gồm 7 chương, 82 điều. Luật quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức cá nhân nước ngoài hoạt động trồng trọt hoặc có liên quan đến hoạt động trồng trọt tại Việt Nam.
Về dự án Luật này, các đại biểu đề nghị làm rõ định nghĩa về giống cây trồng. Giải thích rõ khái niệm về liên kết trong sản xuất. Bổ sung thêm các quy định về: Bản quyền và sở hữu trí tuệ; chính sách hỗ trợ người trồng trọt khi bị thiên tai, dịch hại; chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai để sản xuất trồng trọt tập trung với quy mô lớn.…; bổ sung điều khoản hợp tác quốc tế trong xuất, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt.

Cùng đó, bỏ điều khoản tự công bố lưu hành giống cây trồng, bởi nếu để tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng sẽ tạo ra kẽ hở lớn trong quản lý chất lượng giống. Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực trồng trọt cần được quy định chặt chẽ và đầy đủ. Quản lý chặt việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong sản xuất. 

Đặc biệt, nội dung quy định về quản lý phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chặt chẽ và mang tính khả thi, tránh kẽ hở dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn lan không kiểm soát được, gây thiệt hại cho nông dân. 

Đối với sản xuất phân bón phải có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, được công bố hợp quy sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất phải có phương án bảo đảm môi trường trước khi hoạt động...  

{keywords}

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại hội nghị.

Tại đây, Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thông tin thêm một số nội dung liên quan đến tình hình nông nghiệp, nông thôn, xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi, trồng trọt và liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Đặc biệt là trong lĩnh vực thu hút đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Cảnh báo xu thế các hãng sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp của nước ngoài tràn vào Việt Nam chiếm thị phần kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. 
Các đại biểu Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến của cử tri, trên cơ sở đó tổng hợp, phản ánh đến cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới.

Thế Đại

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...