Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng chuỗi liên kết cho mỳ Chũ

Cập nhật: 07:00 ngày 07/10/2018
(BGĐT)- Nhằm khắc phục những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh mỳ Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), Sở Công Thương đã hỗ trợ các HTX xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Từ đó, nâng chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì giúp mỳ Chũ được nhiều người biết đến, tin dùng.  

Thuận đầu ra

Đến thăm HTX Mỳ Chũ Xuân Trường, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, (Lục Ngạn) đúng thời điểm đơn vị đang tất bật đóng gói, vận chuyển sản phẩm cung ứng cho hệ thống siêu thị BigC. Đon đả đón khách, ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc HTX Mỳ Chũ Xuân Trường cho biết: “Trung bình mỗi tháng, đơn vị cung cấp cho hệ thống siêu thị BigC 30 tấn mỳ thông qua hợp đồng đã ký kết với các điều khoản về chất lượng, quy cách đóng gói sản phẩm, thời gian sản xuất, giao hàng, phương thức vận chuyển, giá bán… Ngoài đơn hàng trên, HTX còn ký hợp đồng cung ứng khoảng 40 tấn mỳ Chũ cho Tập đoàn VinGroup cùng hàng chục cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội với giá bán cao hơn thị trường khoảng 30%”.

{keywords}

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại HTX Hiền Phước.

Để đáp ứng các đơn hàng này, HTX đã hợp tác, liên kết cùng 30 hộ làm mỳ trên địa bàn xã Nam Dương. Đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp gạo nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm. Mỳ thành phẩm được HTX thu mua, đóng gói, vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc, HTX cấp mã vạch riêng cho từng hộ rồi theo dõi, truy trách nhiệm khi có phản hồi, khiếu nại của người tiêu dùng… Bằng những giải pháp trên, ý thức chấp hành trong sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng lên.

Tương tự, HTX Sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước (HTX Hiền Phước) liên kết với 40 hộ thôn Thủ Dương sản xuất, tiêu thụ từ 20-30 tấn mỳ/tháng. Thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, thông qua hợp đồng đã ký kết với các bếp ăn tập thể tại trường học và nhiều cửa hàng tiện lợi, đại lý lớn trong, ngoài tỉnh. 

Chị Hoàng Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX chia sẻ, từ vị thế nghề phụ, chỉ thực hiện lúc nông nhàn, nghề làm mỳ đã trở thành nghề chính, giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, làm giàu. Nhận thấy nguồn cung ổn định, HTX đã mạnh dạn đăng ký tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại do huyện, tỉnh và T.Ư tổ chức. Từ đó, sản phẩm của HTX được nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối biết đến, đàm phán hợp tác kinh doanh.

Được biết, huyện Lục Ngạn hiện có 20 HTX với khoảng 1 nghìn hộ làm mỳ, riêng xã Nam Dương có 14 HTX. Đến nay, nhiều HTX đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, tiêu thụ, gắn kết người dân, HTX với các doanh nghiệp (DN). Qua đó, thương hiệu mỳ Chũ đã trở nên quen thuộc với thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.

Phát triển chuỗi liên kết

Theo Sở Công Thương, nhằm giúp một số HTX sản xuất mỳ Chũ trên địa bàn xây dựng, phát triển thương hiệu, từ năm 2017 đến nay, Sở đã và đang triển khai đề án hỗ trợ HTX Hiền Phước, HTX Mỳ Chũ Xuân Trường và HTX Mỳ Chũ Bắc Giang Tùng Chi (HTX Tùng Chi) xây dựng, phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, Sở hỗ trợ kinh phí giúp các đơn vị xây dựng website quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh; mua sắm, đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Theo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 3 thương hiệu mỳ gạo gồm: Mỳ Chũ (Lục Ngạn), mỳ Kế (TP Bắc Giang) và mỳ Châu Sơn (Tân Yên), tổng sản lượng mỗi năm khoảng 20 nghìn tấn, thu hút hơn 1,2 nghìn hộ tham gi sản xuất. Hiện các sản phẩm mỳ gạo của tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên; bước đầu xuất khẩu đến một số nước như Anh và Australia.

Tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, chủ động kết nối, giới thiệu, đưa lãnh đạo các HTX đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các làng nghề, đơn vị sản xuất mỳ nổi tiếng trong nước. Giới thiệu các đơn vị tham gia triển lãm, hội chợ, mời gọi DN đến hợp tác đầu tư, kinh doanh, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm... Tổng kinh phí hỗ trợ gần 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ mỳ đang mở rộng, nhiều HTX đã đầu tư tăng công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đơn cử, đầu năm nay, HTX Tùng Chi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng lò sấy mỳ bằng phương pháp tản nhiệt. Đây là giải pháp khắc phục khó khăn trong công đoạn phơi mỳ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Nhờ phương pháp này, ngay cả khi trời mưa dài ngày, HTX vẫn duy trì sản xuất mỳ, cung ứng cho các đơn hàng, sản lượng đạt hơn 1 nghìn tấn/năm, tăng khoảng 20% so với trước. Từ thành công bước đầu trên, các HTX Xuân Trường, Hiền Phước cũng lập kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư, xây dựng các lò sấy mỳ và hệ thống nhà kho đạt chuẩn, giúp tăng sản lượng, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong những năm tới.

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) khẳng định: “Với sự hỗ trợ của Sở, các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mỳ Chũ tại các HTX Mỳ Chũ Xuân Trường, Hiền Phước và Tùng Chi đã hình thành, phát huy tốt hiệu quả; trở thành mô hình điểm để các HTX khác học cách làm theo. Nhằm duy trì, nhân rộng các mô hình hữu hiệu này, thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu Sở Công Thương xây dựng các đề án hỗ trợ, giúp người dân, HTX và các DN đẩy mạnh liên kết, tạo đầu ra ổn định, phát triển hơn nữa thương hiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh.

Liên kết sản xuất mỳ Chũ theo chuỗi: Khó, vì sao?
(BGĐT) - Với gần 1 nghìn hộ làm nghề, đến nay huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 20 hợp tác xã (HTX) cùng phát triển thương hiệu mỳ Chũ. Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gặp nhiều trở ngại.
 
Gắn tem cho mỳ Chũ
(BGĐT) - Từ cuối năm 2017, sản phẩm mỳ Chũ của Hợp tác xã  (HTX) Sản xuất kinh doanh, tiêu thụ mỳ gạo Chũ Hiền Phước xã Nam Dương (Lục Ngạn) được gắn tem truy xuất nguồn gốc, khẳng định chất lượng, thương hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
Mỳ Chũ, Kế được cấp văn bằng bảo hộ tại Thái Lan
(BGĐT) - Theo Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan chức năng của Thái Lan vừa cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể mỳ Chũ cho Hội Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ, xã Nam Dương (Lục Ngạn) và mỳ Kế cho Hợp tác xã Sản xuất mỳ gạo Dĩnh Kế (TP Bắc Giang). Nhãn hiệu được bảo hộ trong thời gian 20 năm.
 

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...