Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Doanh nhân- Người kiến tạo di sản

Cập nhật: 08:13 ngày 12/10/2018
(BGĐT)- “Doanh nhân không chỉ là người tạo ra tài sản mà còn là người kiến tạo ra giá trị của di sản”- Đó là góc nhìn mới về doanh nhân mà ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Mai (TP Bắc Giang) bày tỏ tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang tổ chức.
{keywords}

Ông Trần Anh Tuấn (thứ hai từ bên phải vào) nhận Bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam do có nhiều thành tích trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho phong trào chung của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh năm 2018.

Ông Trần Anh Tuấn mở đầu ý kiến của mình bằng câu hỏi “Doanh nhân là gì”? Theo ông Tuấn, doanh nhân là người làm kinh doanh mà kinh doanh là để tạo ra của cải vật chất và phụng sự xã hội. Như vậy, có thể hiểu rằng doanh nhân là người đi kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua việc giải quyết những vấn đề của xã hội đang gặp phải bằng những sản phẩm hay dịch vụ của mình; đồng thời không làm phương hại đến cộng đồng xã hội. Thế mới nói, doanh nhân là người của cộng đồng, do cộng đồng mà thành công, vì cộng đồng mà phục vụ.

“300 doanh nhân ngồi đây hôm nay là 300 niềm đam mê khác nhau và mỗi người gửi tình yêu của mình vào công việc theo mỗi người một cách. Tập trung vào công việc, nỗ lực làm cho công việc phát triển cũng chính là cách thể hiện tình yêu của chúng ta với quê hương Bắc Giang yêu dấu”.

Nói về tiềm năng kinh doanh của Bắc Giang, ông Trần Anh Tuấn nhận xét: Bắc Giang là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp cận và trung chuyển hàng hóa của vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu hữu nghị quốc tế Lạng Sơn; phát triển du lịch với Tây Yên Tử, hồ Khuôn Thần, Suối Mỡ; là đầu mối kinh doanh, thương mại quan trọng các tỉnh vùng Đông Bắc, trung du và miền núi phía Bắc. Nay mai Bắc Giang sẽ trở thành một trung tâm logistics quốc tế và khu vực…

“Thời cơ luôn đi liền với thách thức, với doanh nhân Bắc Giang chúng ta cũng vậy. Không có tiếng nói của thương hiệu, không có sự kết nối giữa doanh nhân với chính quyền địa phương, doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, doanh nhân Bắc Giang với doanh nhân cả nước và doanh nhân tỉnh nhà với nhau, chúng ta rất dễ thua tại quê nhà”.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra trên toàn cầu một cục diện hoàn toàn mới. Có rất nhiều thứ đã thay đổi, máy móc trở nên linh hoạt hơn và biết đóng góp tích cực trong sự sáng tạo. Khoa học công nghệ giúp thế giới trở thành một; chúng san bằng mọi đường biên giới và thị trường của doanh nhân đã không còn nhỏ hẹp trong địa phương nữa. Thực tế, các tập đoàn, công ty nước ngoài vào Việt Nam và Bắc Giang ngày càng tăng lên, sự nối kết địa phương và toàn cầu là chủ đề cần được quan tâm hàng đầu bởi những tác động của nó.

“Nhân ngày doanh nhân, tôi muốn nói lên khát vọng của mình về một Bắc Giang phát triển, nhân văn, có thương hiệu trên bản đồ không chỉ dải đất hình chữ S mà còn là quốc tế. Số hóa giúp chúng ta không còn khoảng cách nhưng lại cần hơn những kết nối nhân văn giữa con người với con người”, ông Tuấn bày tỏ.

“Không chỉ có chính quyền, cũng không chỉ có doanh nhân với nhau mà quan trọng hơn ở chính trong tư tưởng, tầm nhìn của mỗi người. Chúng tôi, những doanh nhân thế hệ tiếp nối hôm nay luôn trăn trở không chỉ là cơ nghiệp gia đình, mà làm sao cơ nghiệp ấy đóng góp được nhiều nhất cho xã hội. Doanh nhân không chỉ là người tạo ra tài sản mà còn là người kiến tạo ra các giá trị của di sản. Bởi tiền tài, danh vọng không thể lấp đầy cuộc sống, không thể dùng tiền để đào tạo ra lớp doanh nhân tiếp nối mang được đầy đủ ý chí của cha ông. Doanh nhân cũng không thể thành công nếu không có cộng sự, không mang lại điều tốt đẹp cho đời”.

Ông Trần Anh Tuấn tâm niệm: “Đã đến lúc doanh nhân chúng ta hãy nghĩ về câu chuyện di sản. Với riêng tôi, cuộc đời đã dạy tôi một điều, di sản của doanh nhân chính là những mảnh đời mà chúng ta có thể chạm đến. Doanh nhân là người tạo ra công ăn việc làm cho nhiều gia đình; doanh nhân là tấm gương soi rọi cho thế hệ tiếp nối để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp; doanh nhân kể lại câu chuyện cuộc đời truyền cảm hứng cho con cháu viết tiếp ước mơ kiến tạo giang sơn. Và nhiều hơn nữa…”.

“Tôi luôn trân trọng cuộc đời doanh nhân, bởi hai chữ DOANH NHÂN đã cho tôi và các đồng nghiệp cơ hội không chỉ tạo ra tài sản mà còn để lại di sản của cuộc đời mỗi chúng ta. Đó là các thế hệ con cháu và đội ngũ cán bộ công nhân viên kế cận có trí tuệ, văn hóa và nhân văn để kế tục phát triển sự nghiệp kinh doanh và để đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước, cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau được tự hào rằng “Tôi là người Bắc Giang”.

Thành Nam (lược ghi)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...