Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quá tải phân bón và thuốc bảo vệ thực vật- Môi trường sống bị đe dọa (Kỳ I)

Cập nhật: 09:44 ngày 30/10/2018
(BGĐT)- Sau một chặng đường phát triển khá mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông sản Bắc Giang đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Thu nhập của người nông dân tăng đáng kể. Nhiều hộ vượt qua đói nghèo và vươn lên làm giàu. 

Tuy nhiên, một thực tế  rất đáng lo ngại là việc lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong canh tác đã gây ô nhiễm môi trường sống, phát sinh nhiều hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng mà khó có thể khắc phục trong “một sớm, một chiều”.

Kỳ I- Vẫn nhắm mắt làm liều

Nhiều loại cây trồng tăng trưởng “nóng”, cùng với áp lực về nâng cao năng suất dẫn đến việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV quá tải. Nhận biết rõ như thế là độc hại song nhìn chung người sản xuất nông nghiệp vẫn nhắm mắt làm liều.

“Tắm” trong thuốc BVTV

Đến thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) vào một buổi chiều cuối thu, đúng dịp người dân nơi đây đang tập trung chăm sóc cây ăn quả có múi. Bước vào sân nhà trưởng thôn Hoàng Văn Man, chúng tôi cảm nhận được mùi của thuốc BVTV dù gia đình phun trừ sâu cho cây ăn quả từ hôm trước. Thấy khách nhăn mặt, ông Man bảo: “Đã đỡ hơn rồi đấy, các bác đến vào lúc đang phun thì khó chịu lắm. Mỗi lần phun, người tôi bị ướt như tắm trong nước thuốc. Dù biết là độc hại nhưng chẳng còn cách nào khác. Nếu không phun thì sâu, bệnh gây hại, không cho thu hoạch nên đành chấp nhận thôi!”. Với gần một ha cây ăn quả, mỗi năm ông Man thu 260 triệu đồng song riêng tiền mua phân bón, thuốc BVTV hết hơn 20 triệu đồng.

{keywords}

Người dân xã Tân Lập (Lục Ngạn) phun thuốc BVTV chăm sóc vải thiều.

Hồng Giang là xã duy nhất của huyện Lục Ngạn không còn đất lúa, chỉ có hơn 500 ha cây ăn quả. Ông Bùi Đức Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Giang cho biết: “Chưa có thống kê cụ thể phân bón, thuốc BVTV mà nông dân trong xã sử dụng mỗi năm song khối lượng chắc chắn là không nhỏ. Bản thân chúng tôi có lúc cũng là “nạn nhân” phải hứng mùi khó chịu khi chủ vườn gần trụ sở xã phun thuốc trừ sâu đậm đặc”. Theo ông Văn, toàn xã có khoảng 400 ha vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nên còn không ít hộ vẫn lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, chưa tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn.

{keywords}

Bình quân mỗi năm, các nhà vườn huyện Lục Ngạn sử dụng khoảng 120-150 tấn thuốc BVTV; 50-70 nghìn tấn phân bón. Số vật tư này bằng lượng dùng của nông dân 9 huyện, TP trong tỉnh cộng lại”



Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn

Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đánh giá, bình quân mỗi năm, các nhà vườn huyện Lục Ngạn sử dụng khoảng 120-150 tấn thuốc BVTV; 50-70 nghìn tấn phân bón. Số vật tư này bằng lượng dùng của nông dân 9 huyện, TP trong tỉnh cộng lại”. Trên thực tế có dấu hiệu người dân khai thác đất “quá sức”, trong khi sử dụng nhiều vật tư nông nghiệp đưa vào đất nhưng lại chưa có cơ chế “giải độc” cho đất. Còn ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ, có lần ông cùng đoàn công tác thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tại Lục Ngạn cảm thấy lo ngại vì không khí quá nặng mùi thuốc BVTV.

Những cảnh báo từ vùng nông nghiệp trọng điểm

Để tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn. Ông Lâm cho rằng, vào thời điểm người dân phun thuốc BVTV không bảo đảm các biện pháp an toàn thì chính họ và những người lân cận phải hít mùi thuốc. Ông Lâm nhiều lần ái ngại khi chứng kiến hơi thuốc BVTV từ các nhà vườn bay lên như làn khói bao phủ cả một vùng. “Những điều thấy rõ mồn một như vậy thì chắc chắn tác động xấu đến môi trường, sức khỏe con người nhưng mức độ ảnh hưởng đến đâu thì cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể” - ông Lâm nói. 

Với trách nhiệm người thầy thuốc, trong một cuộc họp cách đây 20 năm, ông Lâm đã đưa ra cảnh báo với chính quyền, cơ quan chuyên môn của huyện về những hệ lụy của việc sử dụng thuốc BVTV một cách quá mức. “Thế nhưng, thực trạng đó đến nay còn đáng lo ngại hơn” - ông Lâm quả quyết.

{keywords}

Nông dân xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) bón đạm cho lúa.

Khảo sát tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh như: Bảo Đài, Chu Điện (Lục Nam); Cảnh Thụy, Tiến Dũng (Yên Dũng); Thái Đào (Lạng Giang); Cao Xá, Quang Tiến (Tân Yên)… chúng tôi cũng thấy tình trạng nông dân lạm dụng phân bón, thuốc BVTV. Nguy hại hơn là việc dùng thuốc trừ cỏ tùy tiện. Dạo qua các cánh đồng, bất cứ đâu cũng có thể bắt gặp cỏ bờ ruộng khô trắng do bị phun thuốc cỏ cháy.

Mặc dù được tập huấn và khuyến cáo về thực hành sản xuất an toàn nhưng trong quá trình sử dụng thuốc BVTV, nhiều nông dân chưa coi trọng bảo hộ lao động. Đó là dùng tay trần xé túi thuốc và không đeo khẩu trang khi bơm thuốc. Đã có người bị ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, dị ứng… sau khi phun thuốc BVTV cho cây trồng.

Trong một lần thực hiện đề tài về thu nhập cao từ trồng nhãn tại huyện Lục Nam, khi chúng tôi còn chưa kịp chúc mừng thành quả mùa nhãn bội thu thì chủ vườn ở xã Đông Hưng giãi bày: “Trồng càng nhiều thì càng chóng chết chứ vui gì (!)”. Theo lão nông này, vụ nào cũng phải phun thuốc BVTV mấy lần, rồi ngửi, sống chung trong môi trường ấy thì chẳng mắc bệnh này thì bệnh khác. Mấy năm gần đây, nhiều người dân trong xã chết trẻ vì bệnh nan y nên lão nông cho rằng rất có thể bị ảnh hưởng từ thuốc BVTV.

Một vấn đề lo ngại nữa là bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom, xử lý đúng cách. Người dân vẫn tiện đâu, vứt đó. Nơi có bể chứa thì mới dừng lại ở công đoạn gom rồi đốt, trong khi đây là rác thải nguy hại, cần có một quy trình xử lý riêng.

Với việc lạm dụng phân bón và thuốc BVTV như trên thì bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm cũng là vấn đề đáng cảnh báo. Trừ những diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì nông sản của tỉnh khó bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ trong các hệ thống bán lẻ hiện đại.

Tăng trưởng “nóng”, thiếu kiến thức sản xuất

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng vật tư nông nghiệp, gây tác động xấu cho môi trường, sức khỏe con người. Trước hết là do tăng trưởng “nóng” về diện tích, áp lực tăng năng suất cây trồng. Ví như Lục Ngạn diện tích cây ăn quả có múi mấy năm gần đây tăng nhanh, phá vỡ quy hoạch, định hướng của tỉnh, huyện. Đến nay, toàn huyện có hơn 6,4 nghìn ha cam, bưởi, tăng gấp 5 lần so với năm 2012, tăng hơn một nghìn ha so với năm ngoái. Diện tích cây trồng tăng, thâm canh với mật độ dày kéo theo việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV lớn nhằm đạt năng suất cao.

Nhận thức về sản xuất an toàn của người dân còn chưa đầy đủ. Ví dụ như vợ chồng ông Hoàng Ngọc Hiền, thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) thâm canh vải thiều đến nay đã hơn chục năm. Dù được tập huấn, phát sổ ghi nhật ký chăm sóc nhưng vẫn làm theo kinh nghiệm là chính. Bà Lý Thị Ba, thôn Ngọt bảo, sợ cây không lớn nên bà thường bón phân tăng hơn so với quy trình hướng dẫn. Khi chúng tôi muốn xem sổ ghi chép thì bà Ba chẳng thể tìm được do không biết đã “quẳng” ở đâu. Theo bà Ba, phân bón dù có thừa bao nhiêu đi chăng nữa cũng chẳng ảnh hưởng gì (?).

Nhìn vào biểu đồ diện tích cây trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP toàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ nhỏ, đạt khoảng 10% trong tổng số hơn 200 nghìn ha cây ăn quả, cây hàng năm của tỉnh thì thấy rằng kiến thức sản xuất tiên tiến của người dân còn nhiều hạn chế. Mặt khác vẫn ít mô hình liên kết sản xuất kèm theo các điều kiện về chất lượng sản phẩm. Lục Ngạn là điểm sáng về liên kết sản xuất nhưng hiện mới có 10 HTX và hơn 300 tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả với khoảng 50% tổng số hộ trong huyện tham gia. 

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, nhìn chung nông dân vẫn chưa có ý thức cao về bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm. Với diện tích cây ăn quả lớn, nhiều loại cây và cho thu hoạch quanh năm nên việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV ở Lục Ngạn cũng diễn ra quanh năm. Trên thực tế, chỉ 40% phân bón được cây trồng hấp thu còn lại bị rửa trôi, bay hơi, thải ra môi trường. Với thuốc BVTV nếu sử dụng không đúng kỹ thuật thì tỷ lệ bị rửa trôi, bay hơi, thải ra môi trường còn cao hơn.

Có thể thấy không chỉ ở Lục Ngạn mà ở hầu hết các địa phương trong tỉnh việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV quá tải đang gây hệ lụy không nhỏ cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đây là những cảnh báo đáng lo ngại trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay, là vấn đề cần được mổ xẻ một cách kỹ lưỡng để có giải pháp hữu hiệu vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

                                                                                        (Còn nữa)

                                                                               Trần Đức - Trịnh Lan

Vì một nền nông nghiệp sạch
(BGĐT)- Hôm nay Báo Bắc Giang bắt đầu đăng chuyên đề 2 kỳ: “Quá tải phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV): Môi trường sống bị đe dọa” phản ánh những hệ lụy đang diễn ra trong sản xuất và đời sống hằng ngày ở nông thôn. Để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững thì đây là vấn đề không thể xem nhẹ.
 
Nông nghiệp ASEAN đứng trước nhiều thách thức lớn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, bất lợi về thị trường...
 
Quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
(BGĐT)-Ngày 27-9, đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra một số mô hình hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp và làm việc với UBND huyện Yên Dũng để bàn giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HTX. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
 
Lai tạo, thử nghiệm giống mới tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp
(BGĐT)- Xác định nông nghiệp là ngành sản xuất quan trọng góp phần phát triển KT-XH của địa phương, những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã có những chương trình hỗ trợ lai tạo, trình diễn, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng thành công nhiều loại cây, con giống mới, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng.
 
Ngăn chặn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng kém
(BGĐT) - Để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, giảm thiểu tình trạng buôn bán, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón không rõ nguồn gốc và kém chất lượng, ngành chức năng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã tập trung nhiều giải pháp đấu tranh, xử lý.
 
Thuốc bảo vệ thực vật - mối đe dọa tiềm ẩn với hệ sinh thái
Không chỉ ảnh hưởng lên sâu bệnh gây hại, độc tính của thuốc bảo vệ thực vật còn làm giảm đáng kể tính đa dạng sinh học.
 
Cung ứng kịp thời vật tư, thuốc bảo vệ thực vật cho gieo cấy lúa, rau màu
(BGĐT)- Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, toàn huyện Yên Dũng (Bắc Giang) phấn đấu gieo cấy 6.600 ha lúa; 500 ha rau màu các loại.
 
Nỗi đau từ thuốc bảo vệ thực vật
(BGĐT) - Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được dùng trong nông nghiệp đã giúp cây trồng tăng năng suất, mùa màng bội thu. Vậy nhưng nó cũng là nỗi ám ảnh, đau thương của nhiều gia đình khi sản phẩm bị sử dụng sai mục đích. Có người dùng để kết liễu đời mình, người lại nhằm hãm hại người khác để rồi gây ra những hậu quả đau lòng.
 
Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng
(BGĐT) - Đội Quản lý thị trường số 3 huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa kiểm tra, phát hiện cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật Quang Lan ở khu Minh Khai, thị trấn Chũ do Trần Thị Hằng (SN 1976) làm chủ hộ buôn bán thuốc hết hạn sử dụng.
 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...