Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xâm lấn đất lúa, khó khôi phục hiện trạng - Kỳ 1: “Biến” đất công thành của riêng

Cập nhật: 09:52 ngày 19/11/2018
(BGĐT) - Thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân không tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang phi nông nghiệp, ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương trong tỉnh Bắc Giang. Tình trạng này có chiều hướng diễn biến phức tạp, làm thu hẹp diện tích đất lúa, khó khôi phục hiện trạng ban đầu.

Tự chuyển đổi theo nhu cầu

Đầu năm 2017, tại khu vực Bến Than, thôn Dăm, xã Vũ Xá (Lục Nam), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Đức Quân (Công ty Đức Quân) có trụ sở tại Hà Nội đã thuê lại một số thửa ruộng vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của người dân trong thôn rộng chừng 8,4 nghìn m2 rồi tự ý san lấp, sử dụng sai mục đích vào việc xây dựng trạm trộn bê tông quy mô lớn. 

{keywords}

Công ty Đức Quân xây dựng trạm trộn bê tông trái phép trên đất lúa tại thôn Dăm, xã Vũ Xá (Lục Nam).

Được biết, trạm trộn này được xây dựng tại đây để tiện cho việc cung ứng vật liệu cho một đơn vị khác. Sau khi phát hiện vi phạm, tháng 3 năm ngoái, UBND xã đã lập biên bản và đề nghị huyện xử lý nghiêm doanh nghiệp (DN) này. Ngay sau đó, UBND huyện Lục Nam đã phạt Công ty 30 triệu đồng, buộc khôi phục hiện trạng đất nông nghiệp trong vòng 10 ngày. Thế nhưng DN không những không khắc phục hậu quả mà tiếp tục xây dựng công trình khiến người dân bức xúc.

Trước tình trạng trên, cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lục Nam đình chỉ ngay hoạt động của Công ty, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và tổ chức cưỡng chế nếu DN không chấp hành. Tuy nhiên đến nay, trạm trộn bê tông này vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. 

Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Giữa tháng 9-2018, thấy trạm trộn bê tông hoạt động trở lại, nhiều người dân tiếp tục phản ánh và đề nghị chính quyền huyện, xã xử lý vi phạm theo quy định. Xã đã làm việc với DN và yêu cầu dừng ngay hoạt động nhưng DN không chấp hành”. Như vậy, Công ty Đức Quân đang thách thức dư luận, chính quyền sở tại, đồng nghĩa với việc khoảng 8,4 nghìn m2 đất lúa bị xâm chiếm, hủy hoại.

Tương tự, giữa năm 2018, cũng tại thôn Dăm, xã Vũ Xá, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư thương mại và Dịch vụ Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) tự chuyển đất lúa sang xây dựng nhà điều hành, nhà bảo vệ phục vụ trạm trộn bê tông tươi của DN rộng khoảng 60 m2. Ngay sau khi phát hiện DN xây móng, UBND huyện đã xử phạt 30 triệu đồng và yêu cầu khôi phục hiện trạng đất lúa trong vòng 10 ngày. Quy định là vậy song DN chỉ nộp phạt mà không khắc phục sai phạm, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện 2 công trình trên.

Theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, người sử dụng đất lúa phải đúng mục đích, theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt. Đồng thời sử dụng có hiệu quả, không làm biến dạng, ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa, thường xuyên cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất.

Không chỉ xâm lấn đất lúa để xây dựng công trình sản xuất kinh doanh, tháng 6 vừa qua, hộ các ông: Dương Văn Minh, thôn Thượng Lâm; Dương Văn Châu, thôn Buộm (cùng xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam) tự ý xây nhà ở trên đất lúa rộng hàng chục m2. Ông Phạm Văn Sỹ, thôn Bãi Gạo, xã Vô Tranh xây nhà kho trái phép trên đất lúa rộng hơn 100 m2 chứa nông sản. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), 9 tháng năm nay, toàn huyện có 6 trường hợp “biến” đất nông nghiệp thành nơi xây dựng công trình.

Tình trạng xâm lấn, hủy hoại đất lúa còn xảy ra ở huyện Hiệp Hòa với hàng loạt kiểu vi phạm khác nhau. Hai năm qua, huyện có hàng chục trường hợp ở xã Bắc Lý, Ngọc Sơn… tự ý san phẳng ruộng xây công trình. Trong đó, riêng thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn có 5 hộ dân xây dựng xưởng sản xuất gỗ, nhà cấp 4, chuồng trại chăn nuôi. Mỗi trường hợp xâm lấn hàng trăm m2 như hộ ông Trần Văn Sơn xây 130 m2 nhà xưởng ngay giữa cánh đồng; ông Nguyễn Sinh Tùng xây chuồng trại chăn nuôi, nhà ở trái phép trên đất cấy lúa… UBND huyện đã xử phạt mỗi trường hợp từ 15-18 triệu đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả nhưng nay vẫn chưa xong.

Tại Tân Yên, năm 2016, toàn huyện có gần 50 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích. Xã Ngọc Lý là ví dụ. Sau khi dồn điền đổi thửa năm 2015, một số hộ dân đã tự ý thuê máy móc, nhân công đào ao, kè bờ chắc chắn để nuôi thả cá trên nhiều thửa ruộng vốn chỉ được phép cấy lúa. Cách trục đường thôn Ba Mô chưa đầy chục mét là ao nuôi thủy sản của gia đình ông Phạm Công Thiện rộng hơn 4,5 nghìn m2. 

{keywords}

Gia đình ông Phan Văn Bổng, thôn Tân Xuân, xã Bố Hạ (Yên Thế) tập kết một phần cát, sỏi trên đất lúa khi chưa chuyển mục đích sử dụng.

Trước đây, diện tích này được người dân cấy lúa song từ khi ông Thiện nhận đổi ruộng đã tự ý chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Theo lãnh đạo UBND xã Ngọc Lý, trong xã có 10 trường hợp vi phạm tương tự. Mặc dù UBND xã đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ và yêu cầu khôi phục hiện trạng đất lúa như ban đầu song đến nay tình trạng vi phạm “đâu vẫn đóng đấy”.

Những năm gần đây, việc sử dụng đất lúa không đúng mục đích còn xảy ra ở các huyện Lục Ngạn, Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Thế. Lỗi vi phạm chủ yếu ở là DN, người dân tự ý chuyển đổi đất lúa để xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, sửa chữa ô tô, dựng quán bán hàng, đào ao nuôi thủy sản…

Mất đất lúa, nhiều hệ lụy

Ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cho phép tỉnh chuyển mục đích sử dụng hơn 12,3 nghìn ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa gần 5 nghìn ha, còn lại là đất khác. Căn cứ diện tích được giao, UBND tỉnh rà soát nhu cầu, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để các địa phương căn cứ thực hiện thu hồi, giao đất cho các DN, cá nhân thực hiện dự án đúng quy định, bảo đảm theo quy hoạch. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tự chuyển đổi đất nông nghiệp.

Việc các đơn vị tự ý xâm lấn đất nông nghiệp thời gian qua làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, lãng phí đất đai. Đơn cử như trường hợp xây dựng trạm trộn bê tông ở thôn Dăm, xã Vũ Xá (Lục Nam).

Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đất lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt, có vai trò quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia. Để canh tác thuận lợi và hiệu quả, người dân phải tốn kém công sức, kinh phí đầu tư, cải tạo, canh tác trong thời gian hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ mới có độ phì nhiêu ổn định cho đất. 

{keywords}

Một số hộ dân ở thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) tự ý xây dựng công trình trên đất lúa, chậm tháo dỡ.

Luật Đất đai đã quy định rõ, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa phải được phép của HĐND tỉnh và Chính phủ tùy theo diện tích và đúng quy hoạch. Như vậy, những tổ chức, cá nhân tự ý xâm lấn, chuyển đổi đất lúa là hành vi vi phạm pháp luật, làm thửa đất biến dạng, thoái hóa, mất cân bằng dinh dưỡng do đã bị đào bới xây dựng công trình, thậm chí bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi chất thải từ hoạt động sản xuất của DN.

Không chỉ bị thu hẹp, những nơi đất lúa bị xâm hại còn khó khôi phục lại độ dày, độ phì nhiêu của tầng canh tác như ban đầu. Thực tế, khi được yêu cầu khắc phục hiện trạng, các tổ chức, cá nhân vi phạm cũng chỉ tháo dỡ công trình, sau đó đổ đất đồi, gạch vỡ tân phẳng mặt ruộng, khó bảo đảm độ màu mỡ để sản xuất nông nghiệp như trước.

Rõ ràng, công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp gặp khó khăn. Đó là chưa kể, các công trình xây dựng trái phép trên đất lúa không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng làm mất mỹ quan, phá vỡ quy hoạch, không bảo đảm chất lượng, nguy cơ cháy nổ, làm thất thu ngân sách nhà nước. 

Theo quy định của pháp luật, các DN, cá nhân khi được giao đất, thuê đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên diện tích đất lúa đã được thu hồi đều phải thực hiện nghiêm việc nộp tiền sử dụng đất hằng năm hoặc một lần. Theo ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, những sai phạm chuyển đổi đất lúa diễn ra trên địa bàn huyện ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt. Hành vi xây dựng nhà xưởng, trang trại chăn nuôi trên đất lúa chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

(Còn nữa)

Xử lý vi phạm xâm lấn đất lúa: Chậm khôi phục hiện trạng
(BGĐT) - Năm 2016, hàng chục tổ chức, cá nhân đã tự ý chuyển đổi đất lúa thành đất phi nông nghiệp. Các đối tượng này bị xử phạt và buộc khôi phục lại hiện trạng đất song nhiều trường hợp chưa chấp hành.
 

Bảo Khánh- Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...