Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xâm lấn đất lúa, khó khôi phục hiện trạng- Kỳ 2: Đừng để “việc đã rồi”

Cập nhật: 16:18 ngày 20/11/2018
(BGĐT) - Đất trồng lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt, yếu tố quyết định an ninh lương thực của quốc gia. Bởi vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần siết chặt công tác quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng có hiệu quả, không để các tổ chức, cá nhân xâm lấn tùy tiện.

Chưa tròn trách nhiệm quản lý

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ có tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất lúa là do các tổ chức, cá nhân vì lợi ích kinh tế trước mắt nên phớt lờ các quy định của pháp luật, ngang nhiên xâm hại đất. Khi bị xử phạt, các tổ chức, cá nhân viện nhiều lý do không chính đáng để trốn khắc phục hậu quả. 

{keywords}

Ông Phạm Công Thiện, thôn Ba Mô, xã Ngọc Lý (Tân Yên) tự ý đào ao trên đất lúa nuôi thủy sản.

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Việt Nhật (Lục Nam) cho rằng: “Khu vực sản xuất bê tông của doanh nghiệp (DN) đất hẹp do đó khó bố trí để xây nhà điều hành và nhà bảo vệ mà phải xây trên một phần diện tích đất lúa khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Trước mắt, Công ty không thể giải tỏa công trình vi phạm mà cần thời gian”. 

Chung tình trạng này, hầu hết các hộ vi phạm đều có tâm lý đã xây dựng công trình để sản xuất kinh doanh, tốn kém kinh phí hàng trăm đến hàng tỷ đồng nên không chấp thuận tháo dỡ. Tuy nhiên, lý do này không chính đáng vì pháp luật đã quy định rõ chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Cùng với nguyên nhân trên, chính quyền cấp huyện, xã ở một số nơi còn buông lỏng quản lý, chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm từ khi mới manh nha. Vì thế nhiều công trình xây trên đất lúa “giữa thanh thiên bạch nhật” vẫn không được ngăn chặn kịp thời. 

Thêm vào đó, đội ngũ lãnh đạo thôn ở một số nơi có biểu hiện làm ngơ, bao che sai phạm, không báo cáo kịp thời với xã, huyện để ngăn chặn các trường hợp xâm lấn đất lúa. Ví như ở xã Vũ Xá (Lục Nam) và Ngọc Sơn (Hiệp Hòa), việc san lấp, xây dựng công trình của DN, người dân kéo dài vài tháng nhưng chính quyền sở tại lại không phát hiện và chưa có giải pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm. 

Đại diện lãnh đạo UBND xã Vũ Xá lý giải, do lực lượng của xã mỏng, hơn nữa không phải ngày nào lãnh đạo cũng đi kiểm tra nên không thể sớm phát hiện sai phạm. Còn theo ông Dương Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, mặc dù xã đã đôn đốc, yêu cầu các trường hợp vi phạm tháo dỡ công trình nhiều lần nhưng 4/5 hộ xâm lấn đất lúa vẫn chưa chấp hành nghiêm. Nói là vậy song theo tìm hiểu của phóng viên, UBND xã Ngọc Sơn chưa kiên quyết cưỡng chế giải tỏa công trình vi phạm trên đất nông nghiệp của các hộ.

Lo ngại hơn, sau khi phát hiện vi phạm, chính quyền cấp huyện xử phạt song lại không làm tốt khâu “hậu kiểm” buộc đối tượng khắc phục hậu quả dẫn đến “nhờn” luật, tạo tiền lệ xấu, thậm chí có trường hợp tiếp tục tái diễn. Đơn cử như ở Lục Nam, đến nay UBND huyện chưa tổ chức cưỡng chế buộc Công ty Đức Quân tháo dỡ trạm trộn bê tông xây dựng trên đất lúa trái phép theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Theo quy định của Chính phủ, các địa phương cần xác định ranh giới, công khai diện tích đất trồng lúa và bảo vệ nghiêm ngặt; quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được.

Ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện thừa nhận, huyện đã nhiều lần đôn đốc, yêu cầu Công ty Đức Quân tháo dỡ công trình vi phạm trên đất lúa song đến nay đã quá hạn đơn vị vẫn không chấp hành. Ngoài nguyên nhân trên, Sở TN&MT là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cũng chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các địa phương ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm.

Giám sát chặt, xử lý dứt điểm

Để ngăn chặn kịp thời vi phạm đất lúa, không để phát sinh mới, UBND các huyện, TP, các xã, thị trấn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tại Thông báo số 59 ngày 12-8-2016 của Văn phòng Tỉnh ủy về công tác quản lý đất đai. Theo đó, định kỳ hằng tháng, người đứng đầu cấp huyện đi kiểm tra công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn báo cáo thực trạng theo từng tuần, nơi nào buông lỏng quản lý đất đai, chậm phát hiện sai phạm, các huyện, TP sẽ kiểm điểm, kỷ luật nghiêm người đứng đầu.

Đi đôi với giải pháp trên, các huyện, TP tăng cường tuyên truyền Luật Đất đai tới người dân. Chính quyền cấp xã, nhất là đội ngũ lãnh đạo thôn tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, sớm ngăn chặn sai phạm. Ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, căn cứ theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, Sở đang phối hợp với các huyện, TP rà soát, kiểm tra công tác sử dụng đất. Đồng thời giao phòng chức năng thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, trên cơ sở đó đề nghị các huyện, TP xử phạt vi phạm và áp dụng chế tài cưỡng chế nếu tổ chức, cá nhân không chấp hành, buộc trả lại hiện trạng đất.

{keywords}

Công ty Việt Nhật xây dựng công trình trên một phần đất lúa khi chưa chuyển mục đích sử dụng tại thôn Dăm, xã Vũ Xá (Lục Nam).

Nhiều ý kiến đề nghị các huyện, TP, xã, phường, thị trấn cần phát hiện, ngăn chặn sai phạm từ khi manh nha, không để cá nhân, tổ chức xây dựng xong công trình mới xử phạt. Bởi khi đó, việc giải tỏa, cưỡng chế gặp nhiều khó khăn, tốn kém kinh phí, thậm chí phát sinh khiếu kiện. Đồng thời cần cưỡng chế theo quy định để răn đe, tránh tình trạng chỉ phạt sau đó cho tồn tại, hợp thức hóa sai phạm việc sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, làm thất thoát ngân sách, khó quản lý đất đai. Đi liền đó, ngoài quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp xã nếu để xảy ra sai phạm về đất đai, các huyện, TP lấy đó làm tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm.

Trước những vi phạm về đất đai tại thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa thừa nhận, địa phương chậm chỉ đạo xã tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, ông Dũng nêu, hiện nay trong số các hộ vi phạm đất đai tại xã Ngọc Sơn còn tồn tại công trình trên đất lúa, có trường hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi. 

Trong khi đó Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa quy định rõ chế tài xử phạt nên huyện khó xử lý. Theo ông Nguyễn Trung Lượng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai (Sở TN&MT) thì Nghị định 102 chưa quy định rõ việc xử phạt đối với việc xây dựng công trình chăn nuôi trên đất lúa nhưng không vì thế mà huyện cho công trình này tồn tại, cần có biện pháp buộc chủ hộ tháo dỡ công trình, trả lại nguyên trạng đất nông nghiệp.

Các huyện Tân Yên, Lục Nam chỉ đạo xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm về đất lúa, buộc trả lại hiện trạng. Đồng thời lãnh đạo huyện thực hiện nghiêm việc luân phiên kiểm tra công tác quản lý đất đai tại cơ sở định kỳ 1 lần/tháng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm; yêu cầu các xã, thị trấn định kỳ báo cáo thực trạng. Nơi nào buông lỏng quản lý, chậm phát hiện sai phạm, huyện sẽ kiểm điểm, kỷ luật người đứng đầu. 

Theo ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để quản lý nghiêm ngặt đất lúa, các địa phương giám sát chặt từ cơ sở, yêu cầu các xã, thị trấn ký cam kết tăng cường quản lý đất đai, kịp thời ngăn chặn sai phạm, không để cá nhân, tổ chức xây dựng xong công trình mới xử phạt, gây tốn kém kinh phí, phát sinh khiếu kiện. Đối với các trường hợp đã xâm hại đất lúa cần kiên quyết buộc khôi phục hiện trạng đất, san lấp, bồi hoàn đủ lượng đất màu để trả lại mặt bằng, tưới nước đủ ẩm kết hợp bón phân chuồng hoai mục, phân xanh, mùn trấu để tạo độ tơi xốp cho đất, bảo đảm có thể canh tác trở lại.

Xâm lấn đất lúa, khó khôi phục hiện trạng - Kỳ 1: “Biến” đất công thành của riêng
(BGĐT) - Thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân không tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang phi nông nghiệp, ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương trong tỉnh Bắc Giang. Tình trạng này có chiều hướng diễn biến phức tạp, làm thu hẹp diện tích đất lúa, khó khôi phục hiện trạng ban đầu.
 

Bảo Khánh - Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...