Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Chủ động phối hợp xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng

Cập nhật: 16:19 ngày 22/11/2018
(BGĐT)- Ngày 22-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì tổ chức buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Giang (NHNN tỉnh) để giải quyết khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu tại các TCTD (gọi chung là Nghị quyết 42).
{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu kết luận buổi làm việc.

Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và các TCTD trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Oánh, Giám đốc NHNN tỉnh, xử lý nợ xấu đã được các TCTD quan tâm, nhất là khi có Nghị quyết 42. Kết quả, xử lý nợ xấu nội bảng được 804,730 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 33,516 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được thanh toán trái phiếu đặc biệt là 70,889 tỷ đồng… “Tuy nhiên, tính đến ngày 30-9-2018, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của các ngân hàng thương mại (NHTM) và quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là hơn 1.071 tỷ đồng, trong đó NHTM hơn 1.058 tỷ đồng. Việc xử lý nợ xấu do áp dụng các chính sách tại Nghị quyết 42 gặp nhiều khó khăn. Hiện mới có 2 NHTM thu hồi được nợ từ bán, phát mại tài sản bảo đảm (TSBĐ), tổng số tiền 3,126 tỷ đồng”, ông Oánh nói.

{keywords}

Đại diện lãnh đạo các TCTD trên địa bàn tham gia buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện nhiều TCTD đã nêu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, trong đó tập trung vào việc thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ của khách hàng; thu hồi đất đã cho thuê đối với bên bảo đảm để tiếp tục cho thuê đối với người mua được TSBĐ. 

Nhiều doanh nghiệp khi phá sản, dừng hoạt động vẫn còn nợ tiền thuế, sử dụng hạ tầng trong khu công nghiệp, tiền điện, BHXH và lương cho công nhân nên gây khó khăn cho công tác kê biên, phát mại TSBĐ để xử lý nợ xấu. Mặt khác, một số hồ sơ đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết… Theo đó, đại diện các ngành như Thuế, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thi hành án, Công an và Tòa án nhân dân tỉnh đã giải thích những thắc mắc phía TCTD đưa ra; đồng thời đề nghị tăng cường chủ động phối hợp, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Giang phát biểu ý kiến.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, việc xử lý nợ xấu có vai trò rất quan trọng, bảo đảm sự ổn định cả nền kinh tế của tỉnh. Để xử lý tốt vấn đề này, đồng chí đề nghị các TCTD thực hiện nghiêm túc theo nội dung Nghị quyết 42; thường xuyên rà soát khoản nợ xấu, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý; nếu thấy cần thiết, báo cáo kịp thời UBND tỉnh để có hướng hỗ trợ giải quyết. Bên cạnh đó, các NHTM cần nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, giá trị TSBĐ khi làm thủ tục vay vốn, giải ngân cho khách hàng. “Riêng đối với việc thu hồi đất dùng là TSBĐ, ngành thuế cần xử lý khép kín hồ sơ. Nếu doanh nghiệp không hoạt động thì tham mưu thành lập đoàn thanh tra liên ngành để xử lý dứt điểm”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND đề nghị, NHNN tỉnh sớm tham mưu với tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42; làm đầu mối giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của các TCTD về vấn đề này. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các TCTD, nhất là QTDND, bảo đảm không để phát sinh nhiều khoản nợ xấu...

Thành Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...