Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khuyến khích địa bàn có điều kiện thuận lợi dồn điền đổi thửa

Cập nhật: 07:00 ngày 24/11/2018
(BGĐT) - Năm 2018, toàn tỉnh Bắc Giang có kế hoạch dồn điền đổi thửa (DĐĐT) 3,6 nghìn ha đất canh tác. Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ để đạt kết quả cao nhất, tạo thuận lợi khi sản xuất, thu hoạch.

Những lợi ích của DĐĐT đã được khẳng định nên việc triển khai công tác này vài năm gần đây có nhiều thuận lợi. Năm nay cũng là năm cuối tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho công tác DĐĐT. Vì vậy, các huyện, TP đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến người dân để thực hiện dồn đổi ruộng. Hiệp Hòa là một trong những địa phương có kết quả đạt cao. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện dồn đổi được hơn 400 ha, vượt 100 ha so với kế hoạch đăng ký.

{keywords}

Tiểu ban DĐĐT thôn Hạ Làng, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) kiểm đếm, nghiệm thu diện tích sau dồn đổi.

Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Dồn ruộng là nhiệm vụ trọng tâm mà huyện đề ra. Rút kinh nghiệm những năm trước, các thôn đều làm vo khi dồn đổi, năm nay có đơn vị tư vấn đo đạc luôn đồng hành cùng thôn xây dựng phương án; đào đắp kênh mương, đường nội đồng và hệ số chia. Nhờ vậy, ruộng giao đến người dân chính xác, thuận lợi cho cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT”. Bên cạnh ngân sách của tỉnh, Hiệp Hòa còn hỗ trợ 4,5-5 triệu đồng/ha để giúp các thôn chỉnh trang đồng ruộng.

Tìm hiểu tại thôn Hữu Định, xã Quang Minh (Hiệp Hòa) vào thời điểm này cho thấy, phương tiện liên tục san gạt để dồn hơn 60/91 ha ruộng. Ông Đào Đức Đạt, Trưởng thôn cho biết: “Bình quân mỗi nhà trong thôn hơn 30 thửa ruộng, cá biệt có nhà 49 thửa trong khi chỉ có gần một mẫu ruộng. Lúc canh tác đều làm thủ công, máy móc không vào được rất vất vả. Thấy các thôn khác của xã có ruộng to, cấy, cày thuận lợi nên toàn bộ người dân đều quyết tâm cao dồn đổi ruộng trong năm nay”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, dự kiến đến hết năm 2018, tổng diện tích dồn đổi đạt khoảng 17 nghìn ha, hoàn thành mục tiêu Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục vận động nông dân thực hiện DĐĐT, tổ chức các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau DĐĐT, số thửa bình quân/hộ giảm đáng kể từ 3-14 thửa/hộ xuống 1,8-3 thửa/hộ, giảm chi phí đầu vào từ 2,5-3 triệu đồng/ha.

Tại huyện Yên Dũng, công tác dồn đổi ruộng cũng luôn được quan tâm. Cuối năm 2017 đến nay, toàn huyện giao hơn 680 ha ruộng trên thực địa tại 13 thôn, tập trung tại xã Tân Liễu, Đồng Việt, Đồng Phúc, Tân An, Quỳnh Sơn, Xuân Phú. Hiện nay, tổ công tác đang nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ cấp kinh phí cho cơ sở.

Tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh dồn được hơn 3,2 nghìn ha đất canh tác, đạt gần 90% kế hoạch. Giai đoạn 2017-2018, huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa đã vượt kế hoạch của tỉnh (Yên Dũng 4.029,8/3.956 ha, đạt 101,9%; Hiệp Hòa 2.912,8/2.713 ha, đạt 108%). Dự kiến hết năm 2018 có thêm huyện Lục Nam, Tân Yên vượt kế hoạch và diện tích thực hiện sẽ cao hơn so với mục tiêu đề ra.

Thực tế, dù là năm cuối tỉnh có chính sách hỗ trợ nhưng nhiều địa phương vẫn không thể thực hiện được. Đơn cử, huyện Lạng Giang được giao dồn đổi hơn 1,2 nghìn ha đất canh tác song chỉ hoàn thành được 30% kế hoạch, tập trung tại các xã Đào Mỹ, Mỹ Thái, Xuân Hương. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện lý giải: “Qua rà soát, đồng đất của nhiều thôn mấp mô. Do vậy, huyện chỉ khuyến khích các xã có thế đất bằng phẳng dồn ruộng nên kết quả đạt thấp”.

{keywords}

Phương tiện san gạt đồng ruộng tại thôn Hữu Định, xã Quang Minh (Hiệp Hòa).

Sau dồn đổi ruộng, số thửa bình quân/hộ giảm đáng kể từ 3-14 thửa/hộ xuống 1,8-3 thửa/hộ. Diện tích bình quân mỗi thửa đều đạt hơn 700 m2, đối với các xã thuộc 4 huyện miền núi đạt hơn 560 m2, khắc phục manh mún về ruộng đất. Đồng ruộng được quy hoạch, chỉnh trang, người dân góp 1,3 nghìn ha đất nông nghiệp để làm công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, đào đắp, tạo thuận lợi xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng thu nhập cao. Ví như, thôn Hạ Làng, xã Đồng Phúc quy hoạch được cánh đồng cấy lúa thơm, chất lượng rộng hơn 20 ha. Khi thu hoạch, thương nhân về tận ruộng thu mua thóc tươi, nông dân không phải mang sản phẩm đi bán, có thêm nguồn thu.

Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự phát huy thế mạnh sau dồn đổi. Ruộng rộng chỉ cấy lúa mà không đưa được cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hoặc chưa xây dựng được cánh đồng mẫu. Làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Nam đến trao đổi kinh nghiệm về tích tụ ruộng đất vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết, dù đạt được một số kết quả song việc dồn đổi ruộng của Bắc Giang còn một số hạn chế, nhất là chưa đổi mới tổ chức sản xuất. Vì vậy, tỉnh vẫn chỉ đạo dồn đổi ruộng, trong đó khuyến khích địa phương triển khai ở địa bàn thuận lợi. Bởi lẽ, mấu chốt của dồn ruộng là phải tăng được hiệu quả sản xuất mới thực sự hiệu quả.

Chậm cấp GCNQSDĐ sau dồn điền đổi thửa: Khắc phục tình trạng "dễ làm, khó bỏ"
(BGĐT) - Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã dồn điền đổi thửa (DĐĐT) hàng chục nghìn ha đất, tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Thế nhưng, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ-sổ đỏ) cho các hộ gia đình rất chậm, khiến công tác quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn. 
 
Khai thác thế mạnh sau dồn điền, đổi thửa
(BGĐT) - Phát huy kết quả đạt được trong dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đang tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. 
 
Mở rộng liên kết sau dồn điền đổi thửa
(BGĐT) - Tưởng chừng lỡ vụ xuân song đến nay các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trong tỉnh Bắc Giang đều hoàn tất giao ruộng trên thực địa. Thời điểm này, nông dân tập trung sản xuất, vui với ô thửa mới bởi diện tích rộng, thuận canh tác.
 

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...