Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Buông lỏng quản lý sau cấp phép khai thác cát, sỏi trái phép tại Lục Ngạn

Cập nhật: 09:43 ngày 06/12/2018
(BGĐT) - Nhằm đưa hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đi vào nền nếp, các cấp, ngành đã tích cực quy hoạch, cấp phép, giao cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, công tác quản lý sau cấp phép đang bộc lộ nhiều bất cập, tạo kẽ hở cho “cát tặc” lộng hành, khiến tài nguyên bị chảy máu, mất an ninh, trật tự.

Khai thác trái phép, cạnh tranh địa bàn

Mặc dù tuyến sông Lục Nam chảy qua các xã: Phú Nhuận, Đèo Gia, Tân Lập (Lục Ngạn) đã được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH một thành viên Tư vấn đo vẽ bản đồ Việt Ngọc (Công ty Việt Ngọc) khai thác cát sỏi, nhưng từ nhiều năm nay, một số đối tượng khác đã tự ý huy động máy móc, phương tiện đến hoạt động trái phép. 

{keywords}

Điểm khai thác khoáng sản trái phép tại thôn Cà Phê, xã Tân Lập.

Có mặt tại khu vực lòng sông giáp ranh giữa thôn Đồng Bụt, xã Đèo Gia và thôn Thích, xã Phú Nhuận, chúng tôi phát hiện hai máy múc công suất lớn cùng nhiều sàng cát, tuyển sỏi dựng giữa lòng sông thu gom khoáng sản trái phép. Các đối tượng còn mở đường, sử dụng xe ô tô trọng tải lớn vận chuyển cát, sỏi từ lòng sông đến các bãi tập kết ngay trên bờ. Lòng sông rộng khoảng 100m, dài cả km đã bị đục ruỗng, trơ lại những bãi đá thải cùng nhiều hố sâu giữa dòng.

Tại điểm tiếp giáp giữa các thôn: Xạ To, xã Đèo Gia; Cà Phê, xã Tân Lập và Khuôm, xã Phú Nhuận cũng có hàng chục máy xúc, ô tô, máy bơm, hút cát. Tương tự, khu Đèo Cỏ, thôn Hòa Thanh, xã Phú Nhuận cũng bị các đối tượng huy động phương tiện cơ giới khai thác cát, sỏi. Giữa lòng sông có từ 4 - 5 bãi đá thải cao quá đầu người, lượng lớn tài nguyên đã bị lấy đi.

Đại diện Công ty Việt Ngọc cho biết, ngoài các điểm trên, nhiều đối tượng cũng tự ý sử dụng máy móc khai thác trái phép tại khu vực Công ty được cấp phép. Khi bị phát hiện, chúng đã hành hung, phá hủy nhiều tài sản của đơn vị. Đơn cử, ngày 8-4, 9 công nhân cùng lán trại tại khu Khuôn A, thôn Đồng Bụt, xã Đèo Gia bị một nhóm đối tượng khống chế, hành hung, đốt lán trại... 

Liên quan đến vụ xô xát tại xã Đèo Gia, Đại tá Trần Văn Dĩnh, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án hình sự “Hủy hoại tài sản” xảy ra tại Công ty Việt Ngọc. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đang đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện phê chuẩn quyết định khởi tố 2 bị can về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”, đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ các vi phạm liên quan.

Bên cạnh đó, do không phải nộp các khoản thuế, phí liên quan, các đối tượng này đã tự ý hạ giá bán cát, sỏi từ gần 100 nghìn xuống 30 nghìn đồng/m3 để cạnh tranh với DN. Tình trạng trên cũng khiến khoáng sản bị chảy máu, thất thu ngân sách; lòng sông bị thay đổi dòng chảy, tác động xấu đến môi trường, sinh thái.

Kiên quyết lập lại trật tự

Ngày 30-11, trao đổi với chúng tôi, các ông: Dương Văn Dèo, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận; Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đèo Gia; Lại Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Tân Lập đều thừa nhận, đây là các điểm khai thác khoáng sản trái phép do người địa phương thực hiện. 

Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng họ đều lấy lý do có hợp đồng, hợp tác với Công ty Việt Ngọc hoặc lợi dụng khu vực giáp ranh với điểm cấp phép của DN để khai thác trái phép. Khi bị kiểm tra, các đối tượng thường trốn tránh, chống đối lực lượng chức năng; đến nay, các xã vẫn chưa nhận được phản ánh, phối hợp quản lý từ phía DN.

Theo lãnh đạo UBND các xã trên, ngoài một số người hám lợi trước mắt, tự ý ra sông khai thác cát, sỏi thì một phần là do Công ty Việt Ngọc không có năng lực quản lý, khai thác khoáng sản trên sông; chủ yếu ăn chia tỷ lệ cho một số người địa phương mua máy móc khai thác tại các điểm mỏ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột lợi ích. 

Hơn nữa, trong phương án khai thác được duyệt, DN phải thả phao, cắm mốc điểm mỏ, vận chuyển khoáng sản bằng thuyền trên sông. Tuy nhiên, với đặc thù lòng sông cạn, nhiều dốc, ghềnh đá, buộc phải sử dụng xe trọng tải lớn vận chuyển trên bộ nên bị nhiều người ngăn cản.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định, huyện sẽ chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND các xã liên quan vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. 

“Chúng tôi cũng đề nghị Sở TN&MT rà soát việc cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn, bàn giao hết diện tích xen kẹt giữa các điểm mỏ trên sông cho DN quản lý, không để các đối tượng lợi dụng khai thác trái phép. Nếu DN không đủ năng lực trong quản lý thì kiên quyết thu hồi giấy phép, tránh tình trạng lợi dụng được cấp phép để “bán lại” cho dân, làm phức tạp tình hình, mất an ninh trật tự”, ông Thành nói.

Quản lý khai thác cát, sỏi trong mùa mưa bão xử lý triệt để vi phạm
(BGĐT)- Nhằm bảo đảm an toàn cho các doanh nghiệp (DN), người dân, phòng tránh rủi ro, sự cố trong mùa mưa bão, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo từ ngày 15-6 đến 15-10 dừng các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh. Thờ ơ trước lệnh cấm, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm. 
 
Bắc Giang: Bất chấp lệnh cấm, vẫn ngang nhiên khai thác cát, sỏi trong mùa mưa lũ
(BGĐT)- Nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, từ ngày 15-6 đến 15-10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang nghiêm cấm các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép vẫn xảy ra phổ biến trên sông Lục Nam và các tuyến nhánh chảy qua các huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam.
 
Đề nghị thu hồi một phần diện tích đã cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông Lục Nam
(BGĐT)- Đó là kết quả qua việc kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh- Bắc Giang về việc khai thác cát, sỏi tại xã Vũ Xá (Lục Nam).
 

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...