Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khẩn trương phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn

Cập nhật: 14:52 ngày 25/12/2018
(BGĐT)-Dịch bệnh trên đàn lợn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, nguy cơ cao ảnh hưởng đến đàn vật nuôi của tỉnh. Nhằm ngăn ngừa bệnh phát sinh, hạn chế thiệt hại cho người dân, chính quyền các cấp, ngành chức năng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
{keywords}

Tiêm phòng cho lợn giống tại trang trại của anh Nguyễn Văn Hùng, xã Tự Lạn (Việt Yên).

Thời điểm này, cả nước có 7 ổ dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện tại huyện Ba Vì (Hà Nội) và TP Bắc Ninh (Bắc Ninh). Đáng ngại là tỉnh ta tiếp giáp với Bắc Ninh- địa bàn xuất hiện ổ dịch. Cùng đó, sức đề kháng của vật nuôi giảm, hoạt động vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc tháng cuối năm phục vụ thị trường Tết tăng cao. Trên địa bàn tỉnh, dù chưa xuất hiện dịch nhưng qua tìm hiểu của phóng viên có tình trạng vật nuôi chết rải rác tại xã Việt Ngọc (Tân Yên), xã Xuân Hương (Lạng Giang). Ông Nguyễn Văn Đ, thôn Am, xã Xuân Hương cho biết:  “Gia đình tôi có gần chục con lợn thịt. Hôm trước có một con ăn ít, bỏ ăn rồi chết. Tôi đã phải chôn hủy, rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh”. 

Những yếu tố trên khiến nguy cơ cao đàn vật nuôi của tỉnh bị bệnh xâm nhiễm. Trước tình hình trên, địa phương có đàn lợn lớn của tỉnh như: Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Việt Yên… đã cảnh báo về tình trạng bệnh đến người dân; cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Nguộn, xã Tự Lạn (Việt Yên) nói: “Trang trại của tôi có hơn 1,2 nghìn lợn nái. Toàn bộ lợn mẹ và lợn con được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Chuồng trại khép kín, luôn sạch sẽ, định kỳ được phun dung dịch tiêu độc khử trùng. Trước khi vào đến chuồng nuôi, ngoài phải đi qua nước diệt khuẩn, người vào phải tắm, mặc quần áo bảo hộ”. Với cách làm trên, đàn lợn của gia đình anh luôn khỏe mạnh, không mắc bệnh. 

Ông Trương Ngọc Cảnh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi-Thú y (Việt Yên) cho biết: “Bệnh LMLM lây qua đường không khí nên để phòng bệnh hiệu quả vẫn là biện pháp tiêm phòng. Các trang trại lớn của huyện thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh song một số hộ nuôi nhỏ lẻ lại không chú trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng, chống dịch bệnh gặp khó khăn”. 

{keywords}

Phương tiện ra vào trang trại chăn nuôi lợn đều được khử  trùng, hạn chế mầm bệnh.

Tại huyện Yên Dũng có tổng đàn lợn khoảng 54 nghìn con, trong đó hơn 20 nghìn lợn thương phẩm cung cấp cho thị trường Tết. Từ đầu năm đến nay, tại địa bàn không xuất hiện ổ bệnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Địa bàn có một số tuyến đường lưu thông sang tỉnh Bắc Ninh, người dân trong huyện làm việc tại Bắc Ninh khá đông, ngày ngày đi lại hai nơi, rất có thể mang mầm bệnh từ vùng xảy ra dịch về địa phương. Hơn nữa, năm nay tỉnh chỉ hỗ trợ tiêm vắc-xin LMLM cho trâu, bò của huyện với hơn 2,7 nghìn liều còn đàn lợn người dân phải tự túc. Theo bà Trần Thị Tuyên, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Dũng, qua nắm bắt, hộ chăn nuôi gia công và lợn nái mới quan tâm tiêm vắc-xin LMLM cho lợn. Như vậy, đàn lợn được tiêm phòng chiếm khoảng 30% tổng đàn. Hiện nay nhu cầu mua vắc-xin phòng bệnh LMLM của người dân tăng cao nhưng không đủ nguồn cung cấp. Một số cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc thú y lớn của huyện đã liên hệ đặt hàng ở Hà Nội nhưng nhiều ngày nay chưa được.

LMLM là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh qua đường tiếp xúc giữa động vật khoẻ với động vật, sản phẩm động vật, thức ăn, nước uống, không khí, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển có mang mầm bệnh. Động vật mắc bệnh LMLM là các loài có móng guốc như: Trâu, bò, lợn, dê, cừu...

Theo cơ quan chuyên môn, điểm khác biệt là bệnh LMLM trên gia súc hiện nay phát sinh thêm một số chủng mới. Đó là ngoài type O còn có thêm type A, vì thế ngay cả những đàn vật nuôi được tiêm phòng type đơn vẫn có thể bị chết. Vật nuôi bị bệnh LMLM khả năng chết cao. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, toàn tỉnh hiện có hơn 1,1 triệu con lợn và hàng triệu gia súc, gia cầm khác. Nếu xuất hiện bệnh sẽ gây thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm dịp Tết. Căn cứ vào thực tế, ngành vừa ban hành công văn chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi vụ đông xuân. Theo đó, đề nghị các huyện, TP chỉ đạo xã, phường, thị trấn và cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ biện pháp, tập trung vào một số nội dung: Hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học, chấn chỉnh công tác thú y đối với địa phương không còn chức danh cán bộ thú y xã; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc-xin LMLM, cúm gia cầm, tai xanh..;  kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, gia cầm, quản lý giết mổ để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai đồng loạt “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường” trên phạm vi toàn tỉnh. 

Cục Thú y thừa nhận dịch lở mồm long móng gia súc và dịch cúm gia cầm
Thông tin cập nhật của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay, cả nước có 7 ổ dịch lở mồm long móng trên gia súc và 1 ổ dịch cúm gia cầm mang chủng A/H5N6.
 

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...