Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Câu chuyện về phép màu kinh tế Việt Nam

Cập nhật: 07:00 ngày 31/12/2018
(BGĐT) - Câu chuyện về phép màu kinh tế của Việt Nam 2018 là nguyên văn tiêu đề bài viết do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nêu trong trang web chính thức đề cập mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Việt Nam năm 2018. Nhân dịp bước sang năm 2019, Báo Bắc Giang tổng hợp, giới thiệu cùng bạn đọc một số đánh giá của dư luận thế giới về thành tựu kinh tế Việt Nam đạt được trong năm qua. 

Thành tựu nổi bật

Với tựa đề The story of Viet Nam's economic miracle, WEF đã đề cập tới những thành tựu Việt Nam đạt được trong 30 năm áp dụng chính sách đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Việt Nam là một trong những ngôi sao của thị trường mới nổi, tăng trưởng kinh tế thường xuyên đạt mức 6-7%, riêng GDP năm 2018 đạt khoảng 6,7%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực, nằm trong top 18 nền kinh tế được đánh giá là hiệu quả vượt trội trong nửa thế kỷ trở lại đây.

{keywords}

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam đang thu hút nhiều dự án FDI. Ảnh: Công ty TNHH Yokoi Mould Việt Nam (vốn Nhật Bản) thực hiện dự án tại KCN Đình Trám (Việt Yên).

Nói về phép màu kinh tế của Việt Nam, ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á của WEF cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam đang tỏa sáng nhờ những nỗ lực cải tổ nền kinh tế của Chính phủ. Đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ, tổ chức lại các ngân hàng yếu kém, giúp minh bạch hơn và cho vay một cách hợp lý hơn. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam luôn được cải thiện, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới cũng như những doanh nghiệp nước ngoài phát triển tốt hơn, tầng lớp trung lưu ngày càng đông thêm.

Đề cập triển vọng kinh tế của Việt Nam, tờ Goldenemperor (GEC) của Hồng Kông (Trung Quốc) số ra đầu tháng 11-2018 dự báo, tương lai Việt Nam sẽ là một “con hổ mới”, có nền kinh tế năng động, phát triển nhanh nhất khu vực, sẽ trở thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) sầm uất của khu vực. Theo GEC, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và ổn định. Năm 2018 đạt 6,8%, cao hơn 0,1% so với mục tiêu của Chính phủ đề ra. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, sức mua của người dân không ngừng tăng nhanh, số người sử dụng Internet đạt ngưỡng khá cao, khoảng 54% dân số Việt Nam sử dụng mạng Internet. Đây là những hành trang rất cần để giúp Việt Nam trở thành một trung tâm khởi nghiệp, tiếp cận nền kinh tế kỹ thuật số và chờ đón Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần. Bài viết kết luận, Việt Nam đã đi một chặng đường dài từ một nền kinh tế nông nghiệp thành một nước có triển vọng ấn tượng, bởi vậy, sớm muộn Việt Nam sẽ thành công và trở thành một trung tâm công nghệ tài chính lớn trong khu vực Đông Nam Á.

GEC trích dẫn nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2018, Việt Nam đánh dấu chặng đường 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Lũy kế đến ngày 20-8-2018, cả nước có 26.500 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn FDI thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18 - 25% trong giai đoạn 1991 - 2017. Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực FDI tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD giai đoạn 1994 - 2000 lên 23,7 tỷ USD giai đoạn 2011 - 2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước.

Cùng chung quan điểm nói trên, hãng tin BBC của Anh đã trích dẫn báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI), tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế nổi tiếng có trụ sở tại Mỹ, cho biết: Việt Nam nằm trong nhóm 8 nước tiêu biểu của Đông Nam Á về tăng trưởng, trong số 18 nền kinh tế mới nổi của khu vực có 8 đại diện từ ASEAN. Các nền kinh tế này được cho là vượt trội vì chỉ số GDP hằng năm bình quân đầu người đạt ít nhất 3,5% trong 50 năm hoặc 5% trong 20 năm. Trong đó, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan là những quốc gia "tăng trưởng lâu dài" vì có mức chuẩn 50 năm còn nhóm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là các quốc gia "xuất chúng mới nổi" đạt mức chuẩn 20 năm.

Với tựa đề Cost of Living in Vietnam 2018 (chi phí sinh hoạt tại Việt Nam 2018), Tạp chí trực tuyến Alittleadrift.com của Mỹ nhận định Việt Nam là “miền đất đáng sống”, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, món ăn lạ miệng, chi phí sinh hoạt hợp lý. Theo tác giả bài viết, Shannon O’Donnell, chỉ cần chi 700-1.400 USD mỗi tháng, một người xa xứ đến từ các nước Âu-Mỹ có thể có cuộc sống không khác gì ở chính quốc. Trong khi đó người dân Việt Nam có mức lương trung bình từ 148 đến 500 USD nhưng cuộc sống của họ vẫn bảo đảm bởi giá cả hợp lý, sức mua của đồng nội tệ tương đối ổn định. Những người xa xứ đến làm việc tại Việt Nam không phải lo về vấn đề an ninh, đặc biệt người Việt Nam rất mến khách.

{keywords}

Phương tiện cơ giới đã được sử dụng phổ biến tại các vùng nông thôn của Việt Nam. Ảnh: Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở xã Tiến Dũng (Yên Dũng).

Ba yếu tố giúp kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục

Theo các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới và Viện Brookings của Mỹ, sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam có thể được giải thích bằng ba yếu tố chính: Thứ nhất, Việt Nam chấp nhận tự do hóa thương mại một cách tự nguyện. Thứ hai, Việt Nam thực sự thành công trong cải cách kinh tế thông qua việc bãi bỏ một số quy định, giảm chi phí kinh doanh và thứ ba, Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực vốn, nhân lực, vật chất chủ yếu thông qua các khoản đầu tư công.

Về yếu tố thứ nhất, các nhà phân tích chỉ ra rằng trong hơn 3 thập kỷ trở lại đây Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như gia nhập khu vực thương mại tự do ASEAN (1995), Hiệp định thương mại tự do với Mỹ (năm 2000) và năm 2007 đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Kể từ đó, các hiệp định ASEAN tiếp theo với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây Việt Nam còn tham gia Hiệp định Tiến bộ và Đối tác xuyên Thái Bình Dương sửa đổi mặc dù không có Mỹ. Yếu tố thứ hai hay động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng chính là quyết tâm cải cách của Chính phủ, bắt đầu bằng Luật Đầu tư nước ngoài (1986) để tiếp cận vốn đầu tư, sau đó được sửa đổi để phù hợp với thực tế. Nhờ nỗ lực này mà kinh tế Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 104 năm 2007 lên vị trí thứ 68 năm 2017.

Động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng chính là quyết tâm cải cách của Chính phủ, bắt đầu bằng Luật Đầu tư nước ngoài (1986) để tiếp cận vốn đầu tư, sau đó được sửa đổi để phù hợp với thực tế. Nhờ nỗ lực này mà kinh tế Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 104 năm 2007 lên vị trí thứ 68 năm 2017.

Yếu tố thứ ba là nỗ lực của Việt Nam trong đầu tư vốn, nhân lực và cơ sở hạ tầng. Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, hiện tại với gần 100 triệu người, một nửa trong số này dưới 35 tuổi. Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng, bảo đảm truy cập Internet giá rẻ... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang gõ cửa Đông Nam Á và nhờ có sở hạ tầng công nghệ thông tin lành mạnh giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với nền kinh tế số. Ngoài ra, theo McKinsey, chìa khóa thành công của Việt Nam còn phải kể đến những bí quyết khác như có các chính sách khuyến khích tăng trưởng và chú trọng tới vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp lớn. So với 4 nền kinh tế “có thâm niên phát triển trên 50 năm” là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan thì tuy có muộn hơn nhưng nền kinh tế Việt Nam lại phát triển khá ổn định, đặc biệt là tỷ lệ tiết kiệm cao tương quan với mức độ đầu tư tăng mạnh.

Sau khi nghiên cứu 71 nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới, Viện McKinsey đã đưa ra ba đề nghị cho các nhà hoạch định chính sách và các lãnh đạo doanh nghiệp, đó là, tiến bộ công nghệ, tái cơ cấu thị trường lao động, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Việt Nam cần phải có chính sách phù hợp, giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Việt Nam cũng cần hệ thống luật pháp minh bạch và công bằng với các doanh nghiệp. Còn theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), rủi ro trong khu vực tài chính đến từ lượng nợ xấu chưa được xử lý, ngân hàng thiếu vốn cũng là những “hòn đá tảng” ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của Việt Nam trong tương lai gần.

Năm 2019, phấn đấu các chỉ tiêu KT- XH của cả nước đạt cao hơn năm trước
(BGĐT) - Ngày 28-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển KT -XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
 
Đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh
(BGĐT)- Ngày 26-12, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang tổ chức họp phiên thường kỳ đánh giá kết quả hoạt động năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh chủ trì.
 
WB công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương
Ngày 4-10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, truyền hình trực tiếp đến một số nước trong khu vực, trong đó có đầu cầu Hà Nội.
 

Bích Kim - Theo Net/ST/GE/WO/BGF-2018

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...