Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Về Tam Dị, ngỡ ngàng làng như phố

Cập nhật: 07:00 ngày 05/01/2019
(BGĐT) - Khoảng 20 năm trước, đời sống người dân xã miền núi Tam Dị, huyện Lục Nam (Bắc Giang) còn nhiều khó khăn. Ấp ủ ước mơ thoát nghèo, một số thanh niên đã tìm đường xuất khẩu lao động. Người đi trước làm được rồi về đưa gia đình, họ hàng sang.  Có tiền gửi về, bà con mở cửa hàng kinh doanh, xây dựng nhà ở... Quê nghèo Tam Dị ngày nào nay trở nên giàu có, sầm uất như phố thị.

Xây nhà đẹp, tậu xe sang

Con đường làng - huyết mạch giao thông của xã Tam Dị giờ đây đã được mở ra rộng rãi trên nền của đường đất xưa. Hai bên là những cửa hàng, cửa hiệu buôn bán tấp nập, từ hàng ăn, tiêu dùng, cà phê, mỹ phẩm, đồ gia dụng, chăm sóc tóc, làm đẹp, mát-xa, karaoke đến cửa hàng điện thoại, sửa chữa ô tô, xe máy, mua bán vàng bạc đá quý… đều có cả. 

Đi sâu vào trong làng toàn đường bê tông êm chân êm xe; nhà cao tầng san sát; nhiều biệt thự mái xanh, mái đỏ mọc lên; hiếm thấy những căn nhà mái ngói thấp bé thường thấy ở các vùng quê. 

{keywords}

Một góc nông thôn xã Tam Dị.

Một người bạn là giáo viên lâu năm ở đây nói: “Không ngờ dân Tam Dị giàu lên nhanh thế, toàn tiền đi xuất khẩu lao động. Học trò của tớ nhiều đứa đang học cấp 2 đã được gia đình cho đi học tiếng, tốt nghiệp cấp 3 là làm hồ sơ xuất ngoại luôn”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Dị Đào Văn Quảng, người dân trong xã đi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Manh nha đi Hàn Quốc ở địa phương bắt đầu từ năm 1998 khi gia đình ông Thạch, bà Vuông, ông Khuy ở thôn Đại Lãm có những thành viên đầu tiên sang đó làm ăn. Khi làm ăn được, họ về đón anh em, con cháu cùng sang, từ đó đã mở ra cho bà con trong xã hướng đi mới - đó là lao động xuất khẩu.

Đến nay, năm nào xã Tam Dị cũng có đông người xuất ngoại thông qua Chương trình hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam với các nước hoặc con đường du học, thăm thân. Có thời điểm toàn xã có hơn 2.000 người, đông nhất tỉnh. Hiện tại, Tam Dị có 1.760 người đang lao động ở nước ngoài. Hầu như hộ nào cũng có người đi, nhiều hộ có 6- 8 người đi Hàn Quốc như gia đình ông Soạn - bà Sáng ở thôn Trại Đáng có 4 con trai và 4 con dâu; gia đình ông Thạch, thôn Đại Lãm cả thảy con dâu, con rể là 6 người; gia đình ông Thắng ở thôn Thanh Giã cũng có 5 người bên Hàn. Tháng cao điểm, ngoại tệ gửi về xã lên tới gần 20 tỷ đồng. Năm 2018, thu nhập bình quân của người dân trong xã là 51 triệu đồng. Hàng chục hộ có biệt thự, xã có hơn 100 xe ô tô...

Giọt mồ hôi… không mặn

“Nếu nói chỉ cần đặt được chân đến Hàn Quốc hay Nhật Bản là mặc nhiên có tiền gửi về là không đúng đâu chị. Phải cần cù, siêng năng làm ăn, nhặt nhạnh tiết kiệm từng đồng, thậm chí “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được như ngày hôm nay”- anh Nguyễn Huy Tuấn (SN 1975) ở thôn Thanh Giã tâm sự. Trong căn nhà hai tầng với nhiều đồ dùng sinh hoạt đồng bộ, sang trọng, anh kể: Tháng 9-2011, tôi sang Hàn Quốc làm trong một doanh nghiệp chuyên về tôi nhiệt luyện. 

{keywords}

Anh Nguyễn Huy Tuấn, thôn Thanh Giã về quê hương lập nghiệp sau hơn 6 năm lao động tại Hàn Quốc.

Tôi được biết thì cả đất nước Hàn Quốc mới có 16 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này, Việt Nam mình chưa có. Chúng tôi làm việc trong môi trường năng động, chuyên nghiệp, kỷ luật cao, chỉ cần sơ sẩy là hậu quả khôn lường. Vì vậy khi đứng máy, ngoài chăm chỉ phải luôn cẩn trọng, tập trung cao. Tôi rất thích cách làm việc của họ, không có chuyện tình cảm xen vào công việc kể cả đó là mối quan hệ ruột thịt. Bù lại, chế độ cũng khá hậu hĩnh. Mỗi tháng tôi được chủ cơ sở trả khoảng 36 triệu đồng.

Sau 6 năm 1 tháng lao động liên tục ở xưởng không một lần về phép, tháng 12-2017 anh Tuấn quyết định trở về quê hương. “Tôi luôn trân trọng những đồng tiền mình kiếm được. Vì vậy từ Hàn Quốc về, tôi đã định hướng trong đầu là phải kiếm một nghề gì đó để tồn tại, chứ miệng ăn núi lở, tiền nào cũng hết”. Và anh đã chọn nghề dịch vụ cho thuê phông rạp, bát đĩa, ấm chén, tăng âm loa đài ; đồng thời mua ô tô trị giá hơn nửa tỷ đồng cho thuê hoặc có lái. 

“Những ai đã từng đi lao động ở nước ngoài họ hiểu rất rõ những giọt mồ hôi mặn đắng ra sao. Sợ nhất là kiếm được tiền rồi đua nhau ăn chơi là hỏng hết. Gia đình tôi có 6 anh chị em, nhà nào cũng có 3-4 người bên Hàn, mấy đứa cháu chả có ai ở nhà. Các bạn tôi cũng vậy, khi trở về họ đều chịu khó làm ăn, chi tiêu đúng mức chứ không phung phí như nhiều người nghĩ”- anh Tuấn cho biết.

Những năm trở lại đây, cơ hội việc làm ở Hàn Quốc có phần khó khăn hơn do có nhiều lao động bỏ trốn ra ngoài làm. Nhiều người đã quyết định về quê lập nghiệp. 

Theo ông Quảng, người dân Tam Dị bỏ tiền mua đất ở TP Bắc Giang và thị trấn Đồi Ngô để mở cửa hàng khá nhiều. Hiện toàn xã có 439 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ với các ngành nghề như: Vận tải cơ khí, mộc gia dụng, sửa chữa ô tô, tiêu thụ nông sản, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, xưởng may gia công. Hơn nữa, tại quận 1, quận 7 và quận 10 (TP Hồ Chí Minh), có 180 khách sạn, nhà nghỉ do người dân Tam Dị đi lao động xuất khẩu trở về đầu tư xây dựng, làm chủ.

Cho mùa xuân thêm vui

Nhờ số tiền con em làm ăn ở nước ngoài gửi về mà nông thôn Tam Dị ngày càng thay da đổi thịt, nhịp sống vì thế năng động, sung túc hơn. Đặc biệt mỗi khi Tết đến, những người con quê hương đi làm ăn nơi xứ người trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình khiến không khí ở đây như có hội, đường làng ngõ xóm nhộn nhịp, bà con gặp nhau ríu rít hỏi thăm.

Nhờ số tiền con em làm ăn ở nước ngoài gửi về, nông thôn Tam Dị ngày càng thay da đổi thịt, nhịp sống vì thế cũng năng động, sung túc hơn. Đặc biệt mỗi khi Tết đến, những người con quê hương đi làm ăn nơi xứ người trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình khiến cho không khí ở đây như có hội, đường làng ngõ xóm nhộn nhịp, bà con gặp nhau ríu rít hỏi thăm. Họ còn mang về nhiều đặc sản, đồ dùng của nước bạn làm quà. 

Với những người đi Hàn Quốc thì các loại sâm, kẹo sâm, bánh gạo, rượu Soju là không thể thiếu. Bên cạnh đó, kim chi, kimbap (cơm cuốn rong biển), mỳ tôm Hàn Quốc… cũng là những thực phẩm, món ăn chị em thường trổ tài trong mâm cơm ngày Tết.

Mỗi dịp trở về, họ còn mang theo tình cảm của người con quê hương, đóng góp tiền để xây dựng nhà văn hóa. Năm qua, bà con ủng hộ gần 300 triệu đồng tôn tạo Khu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - đình Đông Thịnh và nhiều hoạt động khác. Họ chính là những người góp sức kết nối cho những mùa xuân của đất trời và quê hương thêm tươi vui, đầm ấm.

Đường làng thay “áo mới”
(BGĐT) - Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, gần 1,3 nghìn km đường giao thông nông thôn (GTNT) trong tỉnh Bắc Giang đã được cứng hóa, mở rộng. Các nhóm hộ chung tay bảo đảm vệ sinh môi trường, lắp đặt đèn chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh ven đường, tạo cảnh quan đẹp cho làng quê.
 
Đồng bào công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới: Đẹp xóm làng, xứ đạo
(BGĐT) - Xác định hai tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là nâng cấp hạ tầng giao thông; bảo vệ môi trường và đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, hai năm qua, đồng bào Công giáo tỉnh Bắc Giang đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực đóng góp công sức, tiền của thực hiện phong trào.
 
Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới: Đẹp làng quê, thêm gắn kết
(BGĐT) - Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” do Bộ Quốc phòng phát động, các cơ quan, đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần giúp địa phương hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn.
 

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...