Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm sổ tiết kiệm giả, cầm cố giả moi tiền tỷ ngân hàng

Cập nhật: 10:09 ngày 07/01/2019
Liên tiếp trong thời gian gần đây, xuất hiện một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong gửi tiền, vay tiền, cầm cố bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng như làm sổ tiết kiệm giả. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi cảnh báo toàn hệ thống.

Hai vụ việc gần đây là làm giả sổ tiết kiệm rút của khách hàng 13 tỷ đồng và sử dụng hợp đồng tiền gửi cầm cố vay tiền gửi tại Ngân hàng Việt Á.

Ngày 20-12-2018, anh Đặng Văn L là khách hàng gửi tiền tại một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội bất ngờ nhận được tin nhắn SMS Banking thông báo vừa thực hiện giao dịch rút 13 tỷ đồng của 2 thẻ tiết kiệm gửi tại ngân hàng. Kiểm tra ngay sau đó, sổ tiết kiệm của anh vẫn nằm nguyên ở nhà.

Sau 9 ngày tích cực điều tra, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã bắt giữ nhóm đối tượng gây ra vụ “rút tiền” trên, gồm Đỗ Đăng Trung (SN 1986), Nguyễn Bá Anh (SN 1985) và Chu Thị Thu Hường (SN 1981) là Trưởng phòng giao dịch một chi nhánh của ngân hàng trên. Theo đó, Trung đã “móc nối” với Hường để chị này sử dụng tên tài khoản đăng nhập vào hệ thống ngân hàng tìm kiếm và lấy thông tin về khách hàng là anh Đặng Văn L. Có thông tin, Trung đã làm giả sổ tiết kiệm của anh L (với thủ đoạn rất tinh vi là gửi 1 khoản tiền nhỏ tại ngân hàng này để lấy sổ thật về nghiên cứu kỹ rồi sau đó làm giả chứng minh thư và sổ tiết kiệm y hệt các thông số trong giấy tờ của anh L) và “điềm nhiên” rút 13 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Trung chia cho Hường 4,5 tỷ đồng, cho đối tượng hợp tác với mình là Bá Anh 500 triệu đồng.

{keywords}

Cơ quan công an đang điều tra vụ rút tiền cho vay cầm cố tại Ngân hàng Việt Á.

Ngày 27-12-2018, Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Hà Nội”. Vụ việc bắt đầu từ giữa năm 2018, khi khách hàng đến VietABank chi nhánh Đông Đô (ở đường Lê Văn Lương, Hà Nội) và cho biết được Nguyễn Thị Hà Thành đón tiếp chu đáo. Nghĩ Thành là lãnh đạo ở VietABank và khi được Thành thuyết phục, khách hàng đã nhất trí lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với cô ta để hưởng lãi suất ưu đãi (chênh lệch bên ngoài cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường). Sau đó, Hà Thành thực hiện hồ sơ vay vốn và thế chấp sổ tiết kiệm đồng sở hữu trên. Kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội ngày 24-12-2018 xác định chữ ký của khách hàng trên hồ sơ vay vốn là giả.

Trong lúc chờ cơ quan công an điều tra và kết luận: Chiều 4-1-2019, Ngân hàng Việt Á phát đi thông cáo cho biết, về việc một số đối tượng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ngân hàng này… VietABank lý giải: Dù doanh số giao dịch mở sổ tiết kiệm trên lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng số tiền thực gửi còn lại rất ít (chênh lệch giữa tiền gửi và tiền vay); đồng thời, khách hàng và đối tượng có chuyển tiền qua lại lẫn nhau; trong đó có chuyển và nhận tiền với Nguyễn Thị Hà Thành (đã bị bắt). VietABank kiến nghị công an xử lý nghiêm.

Cảnh báo toàn hệ thống

Theo Thượng tá Ngô Văn Đáp, đội trưởng đội 10, Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội, vụ làm giả sổ tiết kiệm và rút được 13 tỷ đồng (đã thu hồi lại được 11 tỷ) có sự liên kết giữa nhân viên ngân hàng với đối tượng bên ngoài. Đặc biệt, với việc thông tin bí mật của khách hàng bị lộ và đối tượng chỉ cần mang sổ tiết kiệm và chứng minh thư giả giống y hệt tới thì họ đã có thể “qua mặt” nhân viên ngân hàng, lấy được tiền. Còn vụ việc xảy ra tại Ngân hàng Việt Á, ngoài Nguyễn Thị Hà Thành, cơ quan công an cũng cho biết, trong sự việc này còn có một cán bộ ngân hàng đang làm tại VietABank có liên quan và cũng bị khởi tố (nhưng được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ).

Trước những vụ việc nổi cộm này, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Ngay khi nhận được thông tin, chúng tôi đã yêu cầu các ngân hàng phải lập tức báo cáo đầy đủ. Như vụ ở Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Nhà nước chủ động trao đổi đề nghị yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra và xử lý theo đúng pháp luật. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, cần làm rõ các vi phạm, nếu cán bộ ngân hàng sai cũng phải xử lý đến cùng”.

Được biết, cho đến thời điểm này, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã phát đi một văn bản cảnh báo toàn hệ thống một số thủ đoạn vi phạm pháp luật của một số trường hợp trong gửi tiền, vay tiền, cầm cố bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng. Ngoài điểm danh vụ việc và các thủ đoạn như trên, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng.

Khởi tố nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á
Ngày 27-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) thông báo, liên quan đến công tác điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), đến nay, đã kết thúc điều tra giai đoạn I, truy tố và xét xử 26 bị can về 3 nhóm tội danh, tổng thiệt hại hơn 3.605 tỷ đồng.
 
Xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại: Khó bán, sang tên tài sản bảo đảm gắn liền với đất
(BGĐT)- Khi doanh nghiệp (DN) vay vốn tại các tổ chức tín dụng thường thế chấp toàn bộ nhà xưởng, máy móc gắn liền với đất thuê. Tuy nhiên, DN làm ăn thua lỗ, phá sản, phía ngân hàng lại chật vật trong việc phát mại tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu nợ bởi khó sang tên diện tích đất cho chủ mới, ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu của mình.
 
Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được hưởng án treo
Ngày 10-12, sau 5 ngày xét xử và nghị án, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên án phúc thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB).
 
Theo Tiền Phong
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...