Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý đàn vật nuôi: Bao vây ổ bệnh, dập dịch kịp thời

Cập nhật: 07:00 ngày 12/01/2019
(BGĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện vật nuôi bị ốm, chết, có hộ thiệt hại nặng. Trong bối cảnh đó, một số người dân không tuân thủ quy trình phòng, chống dịch bệnh, có biểu hiện bán chạy lợn ốm. Đây là yếu tố rất nguy hiểm, khiến bệnh có thể lây lan, bùng phát thành dịch.

Thiệt hại nặng

Ông Dương Minh Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung (Tân Yên) cho biết: “Vừa qua, tại các thôn như: Hậu, Hương, Nguộn, Bến, Lãn Tranh của xã có cả trăm con lợn ốm, chết. Với giá thị trường như hiện nay, tính ra thiệt hại hàng trăm triệu đồng”. Đơn cử như: Hộ ông Nguyễn Văn Vũ, thôn Bến có 20 con lợn thương phẩm bị chết; hộ bà Lương Thị Thiểm, thôn Hậu có 5 con và hộ ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Sấu có 4 con.

{keywords}

Nhiều con lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Hoạt, xã Liên Chung (Tân Yên) không thể đứng dậy do bị bệnh.

Theo ông Hiểu, khi lợn bị bệnh, xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Trước đó, xã cấp 320 lít hóa chất cho 16 trang trại chăn nuôi. Huyện Tân Yên cấp cho xã 250 liều vắc xin lở mồm, long móng (LMLM) với giá ưu đãi, giảm 50% (còn lại xã tự đăng ký mua hơn 600 liều). Hiện chính quyền địa phương đang tập trung triển khai, đôn đốc các hộ tiếp tục tiêm phòng, tổ chức khử trùng chuồng trại và chợ chính, chợ cóc trên địa bàn.

Tương tự, tại một số hộ thuộc xã Hương Lạc, Tiên Lục, Xuân Hương (Lạng Giang), Thái Sơn (Hiệp Hòa)… cũng có lợn bị ốm, chết. Gia đình bà Đào Thị M, thôn 3, xã Hương Lạc vừa chết 4 con lợn. Theo các chủ hộ, lợn chết có biểu hiện như sùi bọt mép, chân đi lại khó khăn, sốt, bỏ ăn… nghi nhiễm bệnh LMLM.

Không bán chạy lợn ốm, chết

Dù chưa thành dịch nhưng trước những thiệt hại và biểu hiện bệnh của một số vật nuôi như trên, cộng với tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt thấp thì đàn gia súc của tỉnh có nguy cơ cao mất an toàn. Theo cảnh báo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), dịch bệnh LMLM ở các tỉnh, TP khác trong cả nước đang diễn biến hết sức phức tạp, đã có gần 50 ổ bệnh LMLM.

Bảo vệ đàn vật nuôi, tỉnh đã cấp hàng chục nghìn liều vắc-xin cho các huyện Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương triển khai tháng tiêu độc, khử trùng với các hoạt động như: Rắc vôi bột, phun dung dịch khử trùng tại nơi công cộng, ổ dịch cũ và điểm trung chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm. Khuyến cáo người dân không bán chạy lợn ốm, chết.

Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng một trong các hành vi sau: Chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy; Không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Nguồn: Nghị định về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y ngày 31-7-2017 của Chính phủ.

Dù được tuyên truyền, phổ biến các quy định về chăn nuôi, thú y nhưng trên thực tế vẫn còn một số hộ không tuân thủ. Hộ bà Nguyễn Thị Hoạt, thôn Lãn Tranh, xã Liên Chung (Tân Yên) là một ví dụ. Bà Hoạt nuôi 60 con lợn thương phẩm và 5 con lợn nái. Trong đó, 9 con nặng bình quân từ 40-90 kg vừa bị chết do bệnh. Gia đình bà đã bán chạy hơn 20 con cho thương lái; 30 con còn lại (45kg/con) cho hàng xóm thui, băm nhỏ để nuôi cá chim trắng, thất thu hơn 200 triệu đồng. Bà Hoạt chia sẻ: “Do tiếc của, lúc xây dựng chuồng trại phải mua vật liệu giá cao, lại thêm đầu tư giống, thức ăn nên tôi bán chạy lợn ốm để thu được đồng nào hay đồng ấy. Hiện tại, trong chuồng vẫn còn 5 con lợn nái sắp sinh và hơn chục lợn con cũng đang mắc bệnh. Nhiều con không thể đi lại”. Gia đình bà Hoạt đang dùng thuốc kháng sinh, rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng để mong cứu những con còn lại.

Thực tế, không chỉ bà Hoạt mà nhiều hộ chăn nuôi khi thấy lợn ốm đã bán. Không ít thương lái kiếm lời lớn khi mang lợn bệnh tiêu thụ. Việc bán chạy lợn ốm sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe của người tiêu dùng đồng thời khiến bệnh lây lan diện rộng. Ngoài ra, điều đáng lo ngại nữa là chất lượng thuốc thú y cũng khiến nhiều người nghi ngờ. Mới đây, Công ty cổ phần Thuốc Thú y T.Ư NAVETCO (Bộ Nông nghiệp và PTNT) gửi thông báo đến cơ quan chức năng về việc có tình trạng làm giả vắc-xin LMLM Aftopor typ 0 và Aftopor 2 typ O,A (chai 50 ml, 25 liều) đang lưu hành tại một số tỉnh phía Bắc. Rất có thể loại vật tư này đã được tiêu thụ tại Bắc Giang. Cụ thể hộ bà Nguyễn Thị Hoạt, thôn Lãn Tranh đã tiêm phòng vắc-xin LMLM cho đàn lợn nhưng vật nuôi vẫn chết.

Trước tình hình trên, ông Lương Đức Kiên, Chi cục phó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, bệnh LMLM có 7 typ khác nhau, trong khi mỗi loại vắc-xin chỉ phòng được 1 trong 7 typ đó nên hiện tượng lợn đã được tiêm vắc xin LMLM mà vẫn phát bệnh là bình thường. Vì vậy, người chăn nuôi vẫn cần tiêm vắc-xin LMLM cho vật nuôi. Tuy nhiên, để sản phẩm chất lượng cung ứng đến người tiêu dùng, đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng siết chặt quản lý chất lượng thuốc thú y.

Để bảo vệ đàn vật nuôi, ngoài tiêm phòng, không nên cho người lạ, vật nuôi khác vào khu vực chăn nuôi; với những lợn đã bị bệnh cần cách ly và điều trị tích cực bằng cách tiêm kháng sinh để đề phòng bội nhiễm kế phát; bôi thuốc sát trùng; bổ sung thức ăn đầy đủ dinh dưỡng nâng cao sức khỏe cho đàn gia súc để tăng sức đề kháng. Đi đôi với biện pháp trên, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không giấu bệnh, không bán chạy lợn ốm mà phải thực hiện ngay các biện pháp bao vây ổ bệnh kịp thời vì lợi ích chung của cộng đồng; xử lý nghiêm cá nhân tiêu thụ lợn bệnh đến người tiêu dùng.

Tiêu hủy hơn hai tấn lợn bệnh lở mồm long móng ở Đồng Nai
Chiều 29-12, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh và chính quyền phường Long Bình, TP Biên Hòa, đã tiến hành lập biên bản tịch thu, tiêu hủy hơn hai tấn lợn nhiễm bệnh lở mồm long móng.
 
Khẩn trương phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn
(BGĐT)-Dịch bệnh trên đàn lợn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, nguy cơ cao ảnh hưởng đến đàn vật nuôi của tỉnh. Nhằm ngăn ngừa bệnh phát sinh, hạn chế thiệt hại cho người dân, chính quyền các cấp, ngành chức năng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.
 
Việt Nam tạo chủng gốc sản xuất vắc-xin phòng bệnh viêm phổi ở lợn
Bộ chủng giống vi khuẩn được phân lập tại Việt Nam, xây dựng thành quy trình phục vụ cho sản xuất vắc-xin.
 

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...