Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nỗi niềm công nhân xóm trọ

Cập nhật: 07:00 ngày 12/01/2019
(BGĐT) - Tết Nguyên đán là dịp nhiều người mong đợi để được đoàn tụ với gia đình. Nhưng với những công nhân rời quê hương để đến các khu, cụm công nghiệp tìm kế mưu sinh, trong niềm vui đoàn viên ấy, họ luôn canh cánh nỗi lo.

Băn khoăn trước kỳ nghỉ Tết

Vừa dứt cuộc điện thoại, anh Lê Văn Huyên (SN 1989), quê huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, ở trọ thôn My Điền 1, xã Hoàng Ninh (Việt Yên-Bắc Giang) quay sang tâm sự: “Mẹ tôi vừa gọi điện lên hỏi Tết này có về quê không? Thế nhưng tôi chưa biết trả lời ra sao bởi thời điểm này công ty ít đơn hàng, không tăng ca nên thu nhập chỉ vừa đủ trang trải tiền thuê phòng trọ, chi phí sinh hoạt, số tiền tiết kiệm được chẳng đáng là bao”. Nếu về thì với quãng đường hơn 300km, cả tiền sắm quà bánh, quần áo mới cho con, tiết kiệm lắm, anh Huyên cũng tốn gần chục triệu đồng. Cũng vì thế, mùa xuân trước, anh ở lại đón tết tại xóm công nhân. “Giờ tôi chưa quyết định nhưng về hay ở thì đều ngổn ngang nỗi lo. Không được đón Tết bên gia đình thì buồn lắm chứ nhưng thay vào đó có thêm tiền gửi về cho ông bà và bọn nhỏ lo cái Tết đủ đầy hơn”, anh Huyên chia sẻ.

{keywords}

Những chuyến xe được các cấp công đoàn trong tỉnh Bắc Giang tổ chức đưa công nhân về nghỉ Tết đã chia sẻ phần nào khó khăn với nhiều lao động quê xa.

Quê tận tỉnh Trà Vinh, chị Phạm Thúy Hằng (SN 1985) đến Bắc Giang làm việc trong khu công nghiệp (KCN). 8 năm bén duyên với chàng trai quê Nghệ An, hiện cùng là công nhân Công ty TNHH EMW Việt Nam (KCN Vân Trung) cũng là chừng ấy thời gian chị Hằng không về quê ngoại đón Tết. Trước đây, lương cơ bản, cộng với các khoản phụ cấp của cả hai vợ chồng chị vừa đủ chi tiêu, tiết kiệm được chút ít. Nhưng từ ngày có hai con nhỏ, mọi chi phí sinh hoạt tăng lên nhiều nên tháng nào không tăng ca là rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Chị Hằng trầm tư: “Vì không có điều kiện kinh tế nên năm nào vợ chồng tôi cũng thống nhất ăn Tết ở quê nội”.

Khác với anh Huyên, chị Hằng, nhiều công nhân thu xếp để về quê đón Tết cổ truyền bên người thân. Tuy vậy, để có những phút giây đoàn viên ấm cúng ấy, trong lòng không ít người vẫn có những nỗi niềm. Đến sạp quần áo treo biển “giảm giá 50%”, chị Hoàng Thị Luyến (SN 1982), công nhân Công ty TNHH Điện tử Taeyang Việt Nam đang chọn từng chiếc áo cho hai con trai đang ở quê Thanh Hóa cùng ông bà nội. Tết năm nay, công ty chưa có thông báo chính thức nhưng dự kiến công nhân làm tăng ca đến chiều muộn 28 Tết mới nghỉ. Vì thế, như mọi năm, để kịp về vào sáng sớm hôm sau, chị phải tranh thủ sắm sửa từ những ngày này.

Động viên người lao động kịp thời

{keywords}

Mỗi dịp Tết cận kề là chúng tôi lại bộn bề nỗi lo khi thu nhập thấp, gia đình ở xa... Năm nay cũng vậy, dù Công đoàn công ty tạo điều kiện đăng ký vé xe miễn phí nhưng chẳng lẽ lại về tay không. Người lớn không mua đồ mới cũng được nhưng trẻ nhỏ nhất định phải có”


Chị Hoàng Thị Luyến

Trở về cùng gia đình đoàn tụ dịp Tết đến xuân về luôn là mong ước của mọi người. Vì cuộc sống khó khăn, nhiều công nhân xa quê chấp nhận ở lại nơi xóm trọ. Với những người có việc làm thêm trong những ngày Tết, khoản thu nhập gấp đôi, gấp ba ngày thường trở thành niềm động viên lớn để họ vượt qua khó khăn, vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Tìm hiểu những năm trước, lao động làm việc trong những ngày Tết sẽ được doanh nghiệp trả mức lương cao hơn, dao động từ 200%-300% so với ngày thường. Với 9 ngày Tết ở lại, công nhân có thể kiếm thêm từ 3-5 triệu đồng, số tiền này gần bằng thu nhập 1 tháng trong năm. Anh Trịnh Văn Dũng (SN 1993), quê huyện Ninh Giang (Hải Dương) chia sẻ: “Năm tới mình muốn mua chiếc xe máy làm phương tiện đi lại nên Tết này đăng ký làm thêm ở công ty”.

Trước những khó khăn của công nhân, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động chăm lo, giúp người lao động dù về quê hay ở lại đều thêm ấm lòng dịp Tết. Ông Trần Hữu Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SIFLEX Việt Nam (KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, sau Tết Nguyên đán, Công ty thường có đơn hàng phải giao ngay nên lãnh đạo doanh nghiệp khuyến khích công nhân ở lại làm thêm. Những ngày công này sẽ được khuyến khích tới 390%. Thêm nữa, doanh nghiệp bố trí những bữa ăn với đầy đủ các món ăn truyền thống giúp người lao động vơi bớt nỗi nhớ nhà. Với phần đông công nhân nghỉ Tết, đơn vị kịp thời trả lương, thưởng.

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết, giữa bộn bề cuộc sống, mỗi người đều giữ trong mình những nỗi niềm riêng. Với công nhân lao động, dù về quê hay ở lại xóm trọ đón Xuân, nếu nhận được sự quan tâm động viên của doanh nghiệp và công đoàn thì ngày Tết vẫn thực sự ấm áp.

Vận tải hành khách dịp Tết: Tăng phương tiện, bảo đảm an toàn, thông suốt
(BGĐT) - Tết Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019 đang đến gần, ngành Giao thông-Vận tải (GTVT), các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách trên địa bàn Bắc Giang tập trung nâng cao năng lực phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
 
Bảo đảm an ninh trật tự quanh khu, cụm công nghiệp: Tập trung trấn áp tội phạm trộm cắp tài sản
(BGĐT) - Nhờ cho thuê nhà và buôn bán hàng hóa phục vụ người lao động, nhiều hộ dân ven các khu công nghiệp (CN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trở nên khá giả. Kéo theo đó, tình hình an ninh trật tự (ANTT) quanh các khu, cụm CN diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm gần đến Tết Nguyên đán. 
 
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư dự "Tết sum vầy" với công nhân Bắc Giang
(BGĐT)- Ngày 6-1, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã đến thăm, tặng quà công nhân tại tỉnh Bắc Giang. 
 

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...