Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngăn chặn tham nhũng vặt, điểm nóng an ninh trật tự và buôn lậu

Cập nhật: 18:36 ngày 21/01/2019
(BGĐT) - Ngày 21-1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của các ban chỉ đạo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Báo cáo tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2018, cả nước xảy ra hơn 53,2 nghìn vụ phạm pháp hình sự, giảm 0,61% so với năm 2017. Tội phạm hình sự tuy được kiềm chế nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng; qua rà soát, toàn quốc có 755 băng nhóm tội phạm, 5.773 đối tượng hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, “núp bóng doanh nghiệp”, hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Bên cạnh đó, tội phạm do nguyên nhân xã hội gia tăng, nhiều vụ do các đối tượng “ngáo đá” gây ra khiến người dân lo lắng.

{keywords}

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

“Trước tình trạng trên, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng công an cùng các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính) triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra, xử lý. Theo đó, trong năm đã điều tra, khám phá hơn 43,8 nghìn vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý gần 87,8 nghìn đối tượng, đạt tỷ lệ 82,32% (cao hơn 1,9% so với năm trước)”-Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự và buôn lậu, sản xuất hàng giả. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Công Thương sớm kiện toàn bộ máy Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh, TP góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý các đối tượng buôn lậu. Bổ sung điều tra viên, kịp thời làm rõ các vụ án nghiêm trọng, nhất là tội phạm liên quan đến cướp giật trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP. 

Hiện, hoạt động tín dụng đen rất phức tạp trên toàn quốc nhưng khó khăn nhất là nhiều bị hại vay vốn có liên quan đến đánh bạc, cá độ bóng đá nên không trình báo, hợp tác điều tra. Để kịp thời xử lý, chấn chỉnh loại tội phạm này, Ban Chỉ đạo 138/CP tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét tăng hình phạt đối với tội phạm cho vay nặng lãi, xử lý hình sự các hành vi ném chất bẩn vào nhà dân. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vào cuộc xử lý các băng nhóm nổi cộm hoạt động tín dụng đen tại nhiều địa phương trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu và gian lận thương mại thời gian qua. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại như công tác tham mưu, dự báo tình hình chưa sát thực tế dẫn đến các vụ việc tụ tập đông người; tình trạng đánh bạc trên mạng, tín dụng đen, đòi nợ thuê diễn biến phức tạp. Công tác chống buôn lậu chưa đáp ứng thực tế, các đơn vị mới chỉ xử lý phần ngọn, đối tượng vận chuyển mà chưa điều tra, xử lý các đường dây, tụ điểm buôn lậu lớn. Nguyên nhân là do một bộ phận công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, còn biểu hiện bảo kê, bỏ qua vi phạm. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chưa được thực hiện nghiêm...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, coi trọng công tác phòng, chống tội phạm và buôn lậu, gian lận thương mại; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết xử lý, luân chuyển cán bộ để xảy ra điểm nóng phức tạp. 

Tăng cường thanh, kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng vặt trong cán bộ, công chức. Xác lập các chuyên án, mở rộng điều tra các băng nhóm để xử lý đối tượng cầm đầu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Các Bộ Công an, Tài chính tiếp tục làm tốt vai trò thường trực các Ban Chỉ đạo 138, 389; chỉ đạo các lực lượng liên quan đấu tranh, nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý vi phạm. Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh đúng quy định. UBND các tỉnh, TP cùng bộ, ngành tăng cường phối hợp quản lý, bảo đảm ANTT, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.

Văn Thương


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...