Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phượng hoàng cất cánh

Cập nhật: 07:00 ngày 09/02/2019
(BGĐT) - Tôi từng đến Yên Dũng (Bắc Giang) - vùng quê được gọi là đất rồng, đất phượng nằm dưới chân dãy Nham Biền để cảm nhận được phần nào vị ngọt bùi của hạt gạo thơm được kết tinh từ vị phù sa sông Cầu, sông Thương. Một vùng quê xứng đáng để tự hào "địa linh nhân kiệt" từ thời xa xưa đến nay. Một vùng non nước huyền thoại thấp thoáng đàn phượng hoàng bay từ thuở đầu dựng quốc.

Truyền thuyết kể rằng, thời ấy, Vua Hùng muốn dời đô về vùng đồng bằng rộng rãi để tiện cho việc cày cấy của muôn dân. Vua sai người đi theo hướng bay của một trăm con phượng hoàng để tìm đất dựng kinh đô. Đàn chim thiêng bay đến núi Nham Biền, lượn vòng quanh trăm lượt, thấy vùng đất trên Lục Đầu giang tràn dâng linh khí bèn đậu lại. 

{keywords}

Vùng sản xuất lúa thơm xã Thắng Cương (Yên Dũng). Ảnh: Việt Hưng

Chín mươi chín phượng hoàng đậu trên ngần ấy ngọn núi, riêng chim đầu đàn không tìm thấy đỉnh thứ một trăm trong dãy Nham Biền cửu thập cửu phong. Chín mươi chín phượng hoàng đành phải vỗ cánh bay theo chim đầu đàn về Bạch Hạc ở Việt Trì, Phú Thọ để vùng đất này trở thành kinh đô nước Văn Lang. Dù không trở thành đất vua nhưng Yên Dũng địa linh chưa bao giờ vắng bóng nhân kiệt như là sự kết tinh, hun đúc muôn đời của sinh khí sông núi linh thiêng.

Về Yên Dũng bao lần tôi vẫn không quên truyền thuyết ấy như một ghi nhớ cần thiết với mảnh đất này. Cũng muốn lấy đó để so sánh với hiện tại xem thử hậu duệ của những người tài Yên Dũng xưa có xứng tầm với tổ tiên, ông cha của họ (?). Bởi xưa nay, việc tự hào, tôn vinh với giữ gìn và phát huy truyền thống không phải lúc nào, bao giờ cũng ngang tầm, tương xứng. 

Với vùng đất thơm người lành Yên Dũng thì dường như những giá trị truyền thống và thành tựu hiện tại luôn đan quyện vào nhau; trong tươi sáng của đương thời có hồi quang của quá khứ, năng lượng của bây giờ có một phần được truyền tải từ vốn liếng văn hiến cha ông để lại, tiêu biểu nhất là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm- hiện vật lịch sử văn hóa đã được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Cơm mới chuyện cũ. Những người Yên Dũng tôi gặp gỡ dịp cuối năm có điểm chung là niềm tự hào quê hương và dự cảm tốt đẹp về sự phát triển của vùng đất mình đang sống. Qua họ, tôi hình dung được bức tranh Yên Dũng hôm nay và một phác thảo về tương lai. Đấy là Yên Dũng đang trở thành một trong bốn huyện trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh như Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Quang Hải đã nói với chúng tôi. 

Tôi nghĩ, những con số có vẻ khô khan sau đây lại mang ý nghĩa phản ánh kết quả một năm phấn đấu cật lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Yên Dũng: Năm 2018, tổng giá trị sản xuất đạt gần 10,2 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 15,72%. Kinh tế Yên Dũng đã, đang và sẽ phát triển dựa trên bốn “trụ cột” là công nghiệp, du lịch (văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao giải trí); nông nghiệp (áp dụng công nghệ cao); phát triển đô thị.

Vùng đất, theo huyền tích lỡ hẹn với một kinh đô nhưng vẫn hội tụ những mạch huyệt thiêng liêng để hun kết lên miền "địa linh nhân kiệt". Về Yên Dũng, hình như, tôi vẫn nghe trên cao, trong mây núi, gió đồng tiếng vỗ cánh của đàn phượng hoàng huyền thoại.

Cũng như nhiều địa phương khác, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đang được Yên Dũng hết sức chú ý. Trong cuộc trao đổi với anh Trương Quảng Hải, tôi đặt hai câu hỏi về xây dựng NTM, đó là chất lượng và tiến độ thực hiện. Câu trả lời thứ nhất của anh trùng với suy nghĩ của tôi là xây dựng NTM không chỉ hoàn thành các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, quan trọng hơn phải tạo ra được những con người của NTM. 

Làm mới nông thôn đâu chỉ là điện, đường, trường, trạm, chợ cùng các công trình văn hóa mà điều cốt yếu là làm cho mỗi người dân sống trong làng quê của mình được hạnh phúc. Hạnh phúc của người dân được bảo đảm bằng việc làm, miếng ăn, cái mặc, học hành của con cháu họ, sự bình an và niềm vui cuộc sống. Những giá trị tốt đẹp về con người được tôn trọng. Sự biến đổi về chất của nông thôn, không gì khác chính là tạo ra những người nông dân mới vừa mang phẩm chất truyền thống, vừa biết hòa nhập vào đời sống hiện đại, tiến bộ.

Không phải cứ nói là làm được. Đạt được tất cả các tiêu chí đâu dễ dàng. Đến nay, Yên Dũng mới có 9 xã đạt chuẩn NTM; có 2 xã đang đề nghị tỉnh thẩm định. Ngoài ra có 4 xã đạt từ 12 đến 14 tiêu chí; 4 xã đạt từ 10 đến 11 tiêu chí. Có sự thú vị không nhỏ là người dẫn tôi về thị trấn Neo và xã Xuân Phú là Trung tá Trần Văn Hoàn, Phó Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện. Thị trấn mang cái tên quá mộc mạc đang trong quá trình bung nở để xứng tầm với trung tâm của vùng quê địa linh nhân kiệt Yên Dũng. 

Ở đây, khoảng 1.000 công nhân đang làm việc trong ba công ty có vốn đầu tư nước ngoài của Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc. Theo anh Vũ Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND thị trấn Neo thì sản xuất nông nghiệp đang chiếm 30%; hộ nghèo chỉ còn 0,3% cũng là một tín hiệu vui của thị trấn. Ngoài sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, xuất khẩu lao động, thị trấn Neo chú trọng hướng du lịch tâm linh với con đường nối các điểm Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, núi Vua, chùa Vĩnh Nghiêm.

Nắng đầu đông ấm áp càng tô sáng thêm chặng đường đến xã Xuân Phú, một điển hình NTM của huyện. Xuân Phú đạt NTM từ năm 2015. Vốn là xã miền núi, thuần nông, Xuân Phú đã làm tốt việc dồn điền đổi thửa, hiện có những cánh đồng mẫu lớn chuyên canh khoai tây, bí xanh, dưa hấu ở thôn Đình Phú, Nam Phú, Xuân Đông hay khu nuôi trồng thủy sản tập trung ở vùng Xuân Đông, Xuân Trung, Xuân Thượng. 

Xuân Phú thực sự là một điểm sáng NTM với toàn bộ đường sá ở xã được bê tông hóa, nhựa hóa. Những hàng cây xòe tán, những luống hoa khoe sắc làm đẹp thêm các con đường làng. Các biển báo giao thông ở những điểm giao nhau trên đường xã, đường thôn cũng là điều đáng nói. Lẽ nào không nói đến 3/3 ngôi trường đạt chuẩn; xã và thôn đều có trung tâm văn hóa, nhà văn hóa khang trang cùng hai bể bơi dành cho các cháu. Tình làng nghĩa xóm nơi đây luôn ấm áp, vui tươi.

Chúng tôi leo hết 317 bậc cấp để lên Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng. Ngày trời đẹp, từ cửa Thiền viện nhìn ra thấy một vùng non nước hữu tình, sáng láng. Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, ruộng xen làng, khu công nghiệp nằm cạnh đô thị. Cuộc sống có muôn vàn đổi thay nhưng dường như linh khí núi sông, đất trời vẫn nguyên vẹn. Những giá trị tốt đẹp ngàn xưa vẫn được lưu giữ kỹ càng và điều đáng mừng hơn là được con cháu biết cách tô thắm trên vùng đất này.

Vùng đất, theo huyền tích lỡ hẹn với một kinh đô nhưng vẫn hội tụ những mạch huyệt thiêng liêng để hun kết lên miền "địa linh nhân kiệt". Yên Dũng - Anh hùng trong giữ nước. Yên Dũng - Năng động trong dựng xây. Thời nào cũng sinh những tuấn kiệt, cũng đông đảo những công dân yêu nước, chăm chỉ làm ăn lúc thái bình, dũng mãnh xả thân khi có giặc. Hình như, tôi vẫn nghe trên cao, trong mây núi, gió đồng tiếng vỗ cánh của đàn phượng hoàng huyền thoại. Hay là đàn chim thiêng vẫn thường lui tới mảnh đất này như mang điều tốt lành đến với muôn dân.

Bút ký của Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Yên Dũng: Tạo đòn bẩy thực hiện mục tiêu giảm nghèo
(BGĐT) - Xác định việc nâng tiêu chí thu nhập là yếu tố quyết định hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm. Cách làm này đã giúp người dân tiếp cận phương thức sản xuất mới, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước thoát nghèo bền vững.
 
Cua Da - đặc sản miền quê Yên Dũng
(BGĐT)-Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh như chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, nơi đây còn có đặc sản nức tiếng  khiến ai một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi, đó là cua Da.
 
"Chủ nhật xanh" của thanh niên Yên Dũng
(BGĐT) - Phát động từ năm 2012, phong trào “Chủ nhật xanh” trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ sở đoàn huyện Yên Dũng (Bắc Giang), góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...