Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhà điều hành thành biệt thự

Cập nhật: 13:56 ngày 22/03/2019
(BGĐT) - Được thành lập, xây dựng với nhiều ưu đãi nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã lợi dụng dự án được cấp, biến trụ sở, văn phòng thành nhà ở, điểm kinh doanh tại các cụm công nghiệp (CCN).  

Xây nhà ở trong CCN

Những năm gần đây, người dân thôn Lò, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) không khỏi ngạc nhiên khi Công ty TNHH Nhựa Sáng Nghĩa (CCN Tân Mỹ) xây dựng ngôi nhà 4 tầng, 1 mái khang trang. 

{keywords}

Văn phòng điều hành kết hợp nhà ở của Công ty TNHH Nhựa Sáng Nghĩa, CCN Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

Chị Đỗ Thị H, một người dân trong thôn chia sẻ, nghe giới thiệu đây là công trình nhà điều hành của DN nhưng chúng tôi thấy gia đình ông Phạm Đình Sáng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty và người thân thường xuyên ở lại. Ngôi nhà được thiết kế với kiến trúc hiện đại, có hồ điều hòa, bể bơi cùng nhiều thiết bị tiện nghi hiện đại phục vụ cuộc sống. 

Xác nhận thông tin trên, lãnh đạo Công ty giải thích, công trình trên là nhà điều hành, hội họp. Ngoài ra, với đặc thù sản xuất 24/24 giờ, từ thứ 2 đến thứ 7, Công ty phải bố trí phòng ở cho lãnh đạo để tiện điều hành (!?)

Tương tự, năm 2008, Công ty TNHH một thành viên Đào Loan được chấp thuận dự án xây dựng cây xăng với diện tích gần 4 nghìn m2 đất tại CCN Xương Giang II. Với lợi thế bám mặt đường tỉnh 295B, Công ty còn xây dựng xưởng cho thuê và 5 ngôi nhà 3 tầng khang trang, tổng diện tích hàng nghìn m2. 

Ông Dương Hồng Đào, Phó Giám đốc Công ty khẳng định: “Những ngôi nhà trên được xây dựng từ ba năm trước để làm trụ sở, văn phòng kết hợp nhà ở của gia đình. Tuy nhiên, do quá rộng nên đều bỏ không, Công ty đang chờ sự thay đổi của chính sách để bán lại công trình trên làm nhà ở. Do không có dự án sản xuất, năm 2015, Công ty đã được UBND tỉnh quyết định đưa ra khỏi danh sách các đơn vị đầu tư tại CCN”.

Không chỉ xây dựng nhà ở, một số đơn vị còn biến trụ sở thành nhà hàng, điểm kinh doanh trong CCN. Đơn cử, HTX Mộc Tiến Hưng (CCN Thọ Xương) vừa cải tạo xưởng chế biến gỗ và nhà ở trên đường Trần Nguyên Hãn, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) thành nhà hàng phục vụ ăn uống. 

Cạnh đó, HTX Mộc Hồng Hà cũng chia diện tích đất được thuê thành quán bia, ki ốt bán hàng kết hợp nhà ở. Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có hàng chục DN sử dụng đất tại CCN sai mục đích đầu tư, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường, công tác phòng cháy, chữa cháy và ý nghĩa thành lập, phát triển của CCN.

Sai mục tiêu đầu tư

Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chính sách miễn giảm thuế trong đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho DN đầu tư đang bị lợi dụng. 

Nghị định 68/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN quy định: Các dự án đầu tư vào CCN được miễn tiền thuê đất 7 năm, miễn 11 năm khi đầu tư vào CCN làng nghề. Riêng dự án kinh doanh hạ tầng CCN được miễn tiền thuê đất 11 năm, miễn 15 năm khi kinh doanh hạ tầng CCN làng nghề; đồng thời được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư từ nhà nước, mức vay đến 70% tổng mức đầu tư.

Toàn tỉnh hiện có 40 CCN được thành lập, trong đó có 28 CCN và khoảng 230 DN đang hoạt động; tỷ lệ lấp đầy là 51%. Theo quy định, từ cuối năm 2017 đến nay, các công trình xây dựng tại các CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đã thẩm định thiết kế sẽ được miễn giấy phép xây dựng.

 

Giá thuê đất của các DN tại CCN hiện nay cũng thấp hơn nhiều lần so với đất ở cùng khu vực. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hòa Loan thông tin: Mặc dù UBND tỉnh đã điều chỉnh, đưa Công ty ra khỏi CCN để tính tiền thuê đất theo dự án thương mại nhưng mỗi tháng Công ty chỉ phải trả khoảng 3 triệu đồng tiền thuê gần 3 nghìn m2 đất. Trên diện tích này, DN đã xây các công trình nhà kho, xưởng sản xuất, nhà ăn, cửa hàng, văn phòng và nhà ở.

Bên cạnh đó, nhiều DN quan niệm, sản xuất, kinh doanh thì phải xây “nhà cao, cửa rộng” để khẳng định đẳng cấp, uy tín với bạn hàng, đối tác. Ngoài ra, do dự án chỉ được thuê đất, thu tiền hàng năm nên nhiều DN phải xây dựng công trình hoành tráng nhằm sử dụng tài sản này để thế chấp, vay vốn ngân hàng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân nữa là do một số cơ quan, đơn vị còn buông lỏng trong quản lý, cấp phép dẫn đến tình trạng xây dựng, hình thành các công trình trên tại các CCN.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đô, Phó Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: “Qua kiểm tra sơ bộ của Sở cho thấy, nhiều DN xây dựng trụ sở, nhà điều hành nhưng sử dụng làm nhà ở tại CCN. Điều này là sai với mục tiêu đầu tư đã được cấp phép”.

Dư luận đang đặt câu hỏi, trước hết cơ quan chức năng cần làm rõ các công trình trên có giấy phép xây dựng và xây đúng với giấy phép hay không? Giấy phép đã cấp có phù hợp quy định hiện hành?… Qua đó, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan để xảy ra tình trạng trên. Có như vậy mới góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn tỉnh.

Hồng Giang

Tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, làng nghề
(BGĐT)- Trước dự báo năm nay tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ gặp khó khăn, các doanh nghiệp (DN), làng nghề trên địa bàn TP Bắc Giang đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định sản xuất, duy trì tăng trưởng.
 
Đánh giá thái độ phục vụ của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh: Góc nhìn từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp
(BGĐT)- Sau gần một  năm tiến hành lấy phiếu khảo sát và phân tích đánh giá, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra những thông tin khá toàn diện về ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và trách nhiệm phục vụ của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...