(BGĐT) - Những ngày qua, dọc tuyến sông Thương chảy qua địa bàn các xã Liên Chung, Hợp Đức, Quế Nham (Tân Yên) lại xuất hiện tình trạng một số đối tượng dùng tàu thuyền khai thác cát sỏi trái phép. Nhiều đoạn bờ bãi ven đê bị sạt lở, ăn sâu vào hàng mét đất, đe dọa sự an toàn của người dân khi mùa mưa lũ sắp đến.
Trắng đêm ngăn tàu hút cát
Không giấu nổi vẻ mệt mỏi trên gương mặt sau nhiều đêm trực, ngăn cản tàu thuyền hút cát sỏi dọc sông Thương, ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ giao thông-thủy lợi xã Liên Chung đưa chúng tôi ra hiện trường vụ khai thác khoáng sản trái phép diễn ra gần đây nhất vào đêm 20 và 21-3.
Lách qua những đám cây cối rậm rạp, bờ sông hiện ra trước mắt chúng tôi với một đoạn dài bị sạt lở. Những vết đất còn mới nguyên liên tục bị sóng cuốn xuống sông. Từ mặt nước, chiều cao của đoạn sạt lở lên đến 4-5 m. Tại Km13+300 đê hữu Thương thuộc địa bàn thôn Lãn Tranh 3, xã Liên Chung, nhiều bụi tre to rơi xuống sông, chỉ còn nổi lập lờ phần thân và ngọn. Những vết nứt dọc bờ đê vẫn liên tục xuất hiện khiến nguy cơ xảy ra sạt lở có thể đến bất cứ lúc nào.
Ông Tuấn xót xa nói: “Các đối tượng đỗ tàu ở giữa lòng sông, luồn vòi vào hút rỗng chân đê nên hàng tre trồng lâu năm cũng rơi xuống sông. Mùa mưa lũ này, nhiều đoạn từ Km13 đến Km13+320 sợ không chịu nổi vì đã bị sạt lở đến sát thân đê”.
Được biết, từ khoảng đầu tháng 3, nhiều tàu thuyền khai thác cát sỏi trái phép có dấu hiệu hoạt động trở lại ở xã Liên Chung. Các đối tượng thường lợi dụng lúc các gia đình đang ăn cơm tối hoặc khi đã đi ngủ để khai thác. Mạnh nhất từ 22 đến 0 giờ, tuy vậy cũng có ngày chúng “đánh quả” chớp nhoáng vào thời điểm chập tối và sáng sớm.
Đoạn bờ sông sạt lở ở thôn Lãn Tranh 3, xã Liên Chung (Tân Yên) do hút cát trái phép.
Ông Nguyễn Tiến Khương, Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết, đỉnh điểm là vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 20-3, tổ tuần tra của xã gồm cán bộ lãnh đạo UBND, công an, dân quân và thôn đang làm nhiệm vụ thì phát hiện 3 tàu có dấu hiệu khai thác cát, trong đó có 1 thuyền đã cắm vòi và hút cát từ lòng sông lên. Các thành viên tổ tuần tra yêu cầu dừng lại nhưng các đối tượng lớn tiếng thách thức, chửi bới, ném gạch đá về phía lực lượng chức năng. Do vậy, tổ công tác cũng buộc phải dùng các biện pháp đẩy đuổi, tuy nhiên trong lúc diễn ra sự việc, nhiều cán bộ của xã Liên Chung nghe thấy những tiếng nổ như súng tự chế nên rất lo ngại bởi sự liều lĩnh, manh động của nhóm “cát tặc”.
Ngay sau đó, từ 0 đến 2 giờ sáng 21-3, các tàu lại tiếp tục hút cát trên đoạn sông này. Nhiều người dân quá bức xúc đã dùng gạch đá ném nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên hút đầy khoang rồi mới chịu rời đi.
Phối hợp giải quyết triệt để
Theo nhiều người ở xã Liên Chung sống ven sông Thương, đoạn sông này có một số điểm được coi là “mỏ cát”, chất lượng tốt nên các đối tượng luôn nhòm ngó. Chủ những tàu thuyền khai thác cát sỏi đó không xa lạ gì, hầu hết là công dân của xã Dương Đức (Lạng Giang) phía bên kia sông. Hiện nay, họ dùng thủ đoạn neo đậu tàu ở giữa dòng, đưa vòi vào sát chân đê và dùng máy công suất lớn để hút, chỉ trong thời gian ngắn đã thu được hàng chục mét khối cát sỏi. Ban ngày thì nằm im phía bờ sông xã Dương Đức, tổng số có khoảng 10 chiếc, đa số là tàu xi măng, số ít đóng vỏ sắt, có khả năng khai thác từ 20-30 m3 trở lên mỗi lần, cá biệt có một chiếc rất lớn mới hạ thủy, khoang có thể chứa đến 120 m3.
Những tàu hút cát neo đậu phía bờ xã Dương Đức (Lạng Giang).
Mỗi khi xã Liên Chung phát hiện khai thác cát trái phép thì các chủ phương tiện lại cho dạt sang bờ bên kia và ngược lại. Ông Lương Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Dương Đức trao đổi: “UBND xã giao cho Công an xã tổ chức ký cam kết với các gia đình có phương tiện thủy. Nội dung các chủ tàu thuyền đều khẳng định chỉ dùng để chở hàng hóa, không thực hiện những hành vi trái với quy định của pháp luật”. Cam kết là vậy nhưng việc những chủ tàu có nghiêm túc chấp hành hay không lại là chuyện khác.
Khó khăn lớn nhất để ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép là chính quyền, lực lượng công an các xã và huyện đều không có phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ chuyên dụng. Thượng tá Vũ Mạnh Tùng, Phó trưởng Công an huyện Tân Yên cho biết, dù thường xuyên bố trí lực lượng ứng trực nhưng do không có ca-nô tốc độ cao, các chiến sĩ chỉ có thể thuê thuyền nan hoặc đò ngang của người dân nên không đủ khả năng bắt quả tang các tàu thuyền khai thác cát sỏi trái phép. Các đối tượng thậm chí còn cho người cảnh giới từ xa, chỉ cần nghi ngờ bị mật phục là rút chạy nhanh chóng.
Xã Liên Chung đã thành lập Tổ công tác xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Thương gồm 25 thành viên, phân công thành từng tổ, tuần tra liên tục 24/24 giờ nhưng khi phát hiện cũng chỉ biết đứng trên bờ xua đuổi vì không ai dám bơi thuyền ra trước sự hung hãn, chống đối quyết liệt, liều lĩnh của các đối tượng.
Được biết, sau khi nắm bắt được thông tin, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ như cảnh sát giao thông, phòng chống tội phạm về môi trường, kinh tế… ngăn chặn, xử lý. Thiếu tá Nguyễn Công Điệp, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) nói: “Từ ngày 21-3, Phòng đã triển khai lực lượng tuần tra dọc sông Thương, phát hiện một số tàu neo đậu ở xã Dương Đức, qua kiểm tra đã xử phạt các chủ phương tiện vì lỗi không có đăng ký, đăng kiểm, tuy vậy mức phạt cao nhất theo quy định chỉ 3 triệu đồng/phương tiện. Việc bắt quả tang rất khó khăn vì từ Trạm cảnh sát giao thông đường thủy đóng ở xã Đồng Việt (Yên Dũng), ca – nô có cơ động với tốc độ cao nhất để đến được xã Liên Chung cũng mất khoảng 3 giờ, khi ấy, các đối tượng đã trốn chạy rồi”.
Theo phản ánh của người dân, những tàu hút cát của công dân xã Dương Đức hầu hết đều không đăng ký, đăng kiểm.
Để giải quyết triệt để nạn khai thác cát sỏi trên sông Thương cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ chính quyền các huyện, xã hai bên bờ đến những lực lượng chức năng, nhất là công an huyện Tân Yên và Lạng Giang. Không để tình trạng bên này đuổi bắt, chúng lại dạt sang bên kia hoặc nhởn nhơ ở giữa dòng, khu vực giáp ranh. Xem xét trách nhiệm quản lý của các xã có chủ phương tiện sinh sống, hoạt động, vi phạm kéo dài vì hơn ai hết, người đứng đầu ở các xã, thôn đó nắm rõ phương thức, thủ đoạn, hành vi của các đối tượng. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) bố trí lực lượng, tăng cường tuần tra, bắt giữ và xử lý phương tiện vi phạm. Đề xuất những biện pháp kiên quyết hơn, thậm chí tịch thu tàu thuyền, máy móc phục vụ việc khai thác cát sỏi trái phép.
(BGĐT) - Ngày 31-1, Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thông tin, đơn vị đang tạm giữ hai tàu khai thác cát trái phép, đồng thời khẩn trương củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
(BGĐT) - Ngày 22-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thông tin, đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một trường hợp khai thác cát trái phép.
(BGĐT) - Lo lắng doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến bờ bãi, đất canh tác ven sông, người dân thôn Hữu Nghi, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã ngăn cản, không cho phương tiện hút cát, sỏi. Xung quanh nội dung này, nhóm phóng viên Báo Bắc Giang đã tìm hiểu, thông tin đến bạn đọc.