Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Doanh nghiệp “bắt tay” với làng nghề: Thuận đầu ra, tăng giá trị sản phẩm

Cập nhật: 14:04 ngày 03/04/2019
(BGĐT) - Các làng nghề Bắc Giang bên cạnh việc bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống cũng đang từng bước bắt nhịp với xu thế hội nhập. Trong đó, doanh nghiệp (DN) liên kết ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác, hỗ trợ các làng nghề phát triển, nhất là trong phân phối sản phẩm. 

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Trên địa bàn tỉnh hiện có 39 làng nghề và làng nghề truyền thống. Sản phẩm của làng nghề được tiêu thụ qua các hình thức: Hộ sản xuất trực tiếp bán sản phẩm tại các chợ làng, chợ huyện (chiếm 67,7%); thông qua khâu trung gian là các DN, hợp tác xã (HTX), cửa hàng… (chiếm 32,3%). 

{keywords}

Sản xuất mỳ gạo tại làng nghề Châu Sơn, xã Ngọc Châu (Tân Yên).

Sản phẩm làng nghề của tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm 9,3% nên giá trị chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, các làng nghề muốn nâng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước cần phải có “cầu nối” là các DN, HTX… phân phối sản phẩm. Muốn thu hút được DN, HTX tham gia vào chuỗi sản xuất, các hộ trong làng nghề cần liên kết với nhau thành lập các HTX, đổi mới trang thiết bị sản xuất, có tiếng nói chung về chất lượng sản phẩm, giá cả. 

Cũng theo ông Cường, sản phẩm làng nghề phải chuẩn hóa chất lượng theo thị trường. Mỗi làng nghề nên xác định lợi thế riêng, tập trung vào sản phẩm mũi nhọn để cạnh tranh, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. 

Thực tế các làng nghề trong tỉnh cơ bản vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chí ông Cường nêu. Làng nghề sản xuất mộc dân dụng Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) là một ví dụ. Giám đốc HTX Mộc Bãi Ổi Nguyễn Đình Thinh chia sẻ, làng nghề chưa có đội ngũ thiết kế mẫu mã sản phẩm chuyên nghiệp đáp ứng đòi hỏi thị trường. 

{keywords}

Sản phẩm làng nghề phải chuẩn hóa chất lượng theo thị trường. Mỗi làng nghề nên xác định lợi thế riêng, tập trung vào sản phẩm mũi nhọn để cạnh tranh, đồng thời phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình”.


Ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương

Thiếu vốn, mặt bằng sản xuất hẹp, thiết bị sản xuất lạc hậu nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Mặc dù thành lập HTX nhưng các thành viên vẫn mạnh ai nấy làm, do vậy chưa có DN nào vào liên kết sản xuất hay phân phối sản phẩm. Ngoài những vấn đề nêu trên, việc xây dựng thương hiệu cũng chưa được các làng nghề quan tâm đúng mức.

Đầu tư hạ tầng, xây dựng thương hiệu

Trước tiềm năng và nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo cầu nối mở rộng thị trường cho sản phẩm làng nghề, năm 2017, 2018, hai công ty: Rượu Vân Bắc Giang và Mỳ Chũ Lục Ngạn đã liên kết với các hộ sản xuất tại hai làng nghề: Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên) và Thủ Dương (Lục Ngạn). 

Các DN này đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất, đóng gói; thiết kế lô gô, in bao bì nhãn mác bắt mắt; giúp các hộ sản xuất đăng ký Bộ hợp quy tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; tự đứng ra kiểm soát quá trình sản xuất và xây dựng mạng lưới phân phối. Theo đại diện hai DN trên, với cách làm này, ngoài tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng cao thì giá trị hàng hóa cũng tăng từ 60% trở lên. 

Chị Nguyễn Thu Hiền, thôn Thủ Dương chia sẻ, khi hợp đồng cung ứng sản phẩm mỳ gạo cho Công ty Mỳ Chũ Lục Ngạn, gia đình chị phải tuân thủ yêu cầu về chất lượng do Công ty đưa ra. Cụ thể, nguyên liệu làm mỳ phải bảo đảm 100% là gạo Khang Dân, không sử dụng chất tẩy trắng, chất bảo quản, bao bì đóng gói do Công ty cung cấp, có truy xuất nguồn gốc, hạn sử dụng… 

Nếu giá mỳ “hàng chợ” chị chỉ bán 20 nghìn đồng/kg thì với loại mỳ này Công ty thu mua với giá 30 nghìn đồng/kg. “Chúng tôi chỉ tập trung sản xuất, đầu ra đã có Công ty lo. Loại mỳ này hiện có mặt trên thị trường toàn quốc, tiềm năng rất lớn”, chị Hiền nói. Còn sản phẩm Rượu Vân Bắc Giang đã được chào hàng tại các nước: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và được nhiều khách hàng đánh giá cao.

Tạo điều kiện khai thác tiềm năng các làng nghề, UBND tỉnh đã có quy hoạch phát triển hệ thống các làng nghề Bắc Giang, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Ngoài bảo tồn và nâng cao hiệu quả hoạt động của làng nghề hiện có, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường ở các làng nghề truyền thống. 

Đồng thời quy hoạch phát triển mới 35 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp: Bãi Ổi, diện tích 10ha (đến nay đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng); cụm chế biến rau, củ, quả tại thôn Tứ, xã Lương Phong và thôn Hoắc, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa), tổng diện tích 10 ha.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản cấp tỉnh của Bắc Giang giai đoạn 2019-2021 (bắt đầu triển khai từ năm 2019), trong đó có một số sản phẩm làng nghề như: Rượu làng Vân, mỳ Chũ... Đây là cơ hội để nhiều làng nghề trong tỉnh xây dựng thương hiệu, thu hút DN liên kết đầu tư, nâng giá trị sản xuất.

Thế Đại

Tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, làng nghề
(BGĐT)- Trước dự báo năm nay tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ gặp khó khăn, các doanh nghiệp (DN), làng nghề trên địa bàn TP Bắc Giang đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định sản xuất, duy trì tăng trưởng.
 
Nghệ nhân làng nghề
Ảnh chụp tại xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang).
 
Tăng sức cạnh tranh của làng nghề
(BGĐT)- TP Bắc Giang hiện có một số làng nghề truyền thống chuyên sản xuất hàng thực phẩm như bánh đa Kế, bún bánh Đa Mai có lịch sử hàng trăm năm. Nhờ làm nghề, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, số hộ làm nghề đang có xu hướng giảm mạnh.
 
Để sản phẩm làng nghề vươn xa
(BGĐT) - Không chỉ tổ chức tốt sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh tiếp thị, đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, tạo thêm việc làm cho người dân.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...