Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phấn đấu đưa nông nghiệp Bắc Giang đứng đầu miền Bắc vào năm 2030

Cập nhật: 14:14 ngày 22/04/2019
(BGĐT) - Từ khi tái lập tỉnh Bắc Giang đến nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Giang đã phỏng vấn đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong hơn 20 năm qua?

{keywords}

Đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Sau 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn song do có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể, xã hội, doanh nghiệp (DN) và bà con nông dân nên sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh phát triển khá toàn diện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 7%/năm, cao hơn so với bình quân chung của cả nước và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1 lần so với năm 1997 và tăng 1,6 lần so với năm 2008.

Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 32,4% (năm 1997) lên 46% (năm 2018), cao hơn bình quân chung cả nước. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác năm 2018 đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 7,9 lần so với năm 1997.

Việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống mới và đưa cơ giới hóa vào sản xuất được đẩy mạnh; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng qua các năm. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao phát huy lợi thế của từng địa phương, nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu được nhiều thị trường trong và ngoài nước biết đến, điển hình như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ...; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp được củng cố và ngày càng phát triển.

Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản được quan tâm. Nhận thức và trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa của người nông dân được nâng lên, đặc biệt là thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt khá, có huyện Việt Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới và có 89/203 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 43,8%), vượt mục tiêu Đại hội đề ra đến năm 2020.

Bên cạnh kết quả đạt được thì sản xuất nông nghiệp Bắc Giang còn những tồn tại, hạn chế gì, thưa đồng chí?

Những kết quả mà nông nghiệp Bắc Giang đã đạt được rất lớn song vẫn còn không ít hạn chế.

Sản xuất không ổn định phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu, thị trường tiêu thụ; phát triển kém bền vững và chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Công tác hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp đôi khi chưa sát với thực tiễn sản xuất. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là kinh tế hộ.

Năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị chưa nhiều. Sự quan tâm đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; công tác thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn hạn chế, nhất là khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Đây là nguyên nhân khiến nông sản của Bắc Giang vẫn chủ yếu là bán thô, giá trị thấp.

{keywords}

Đồng chí Dương Văn Thái thăm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại Lục Nam.

Vậy tỉnh đã rút ra bài học kinh nghiệm gì trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, thưa đồng chí?

Muốn sản xuất nông nghiệp thành công trước hết là phải có sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, đề ra các chủ trương, đường lối; kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp.

Tiếp đến là tập trung phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh với các vùng, miền khác; phải tạo thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ.

Phải đầu tư sản xuất thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, có tính cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm sản xuất ra phải qua khâu bảo quản, chế biến; phải có thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác hàng hóa truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát huy vai trò của Nhà nước trong việc hoạch định, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp làm đầu tàu trong việc liên kết sản xuất, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm các kênh tiêu thụ những sản phẩm nông sản trên địa bàn.

Được biết, Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia và dẫn đầu miền Bắc vào năm 2030, vậy xin đồng chí cho biết tỉnh có những giải pháp gì để khắc phục hạn chế cũng như đạt mục tiêu đề ra?

Cùng với quan điểm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch; mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang là tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc, tỉnh tập trung phát triển theo hai trục sản phẩm. Một là nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh, quy hoạch và xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến. Hai là nhóm các sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ theo mô hình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Rà soát, định hướng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng, theo lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường hỗ trợ đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, ưu tiên hình thành các DN, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, đủ sức tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn.

Đi đôi với giải pháp trên, tỉnh cũng chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đa dạng cho phát triển nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với chất lượng và quy mô ngày càng cao. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền, huy động sự tham gia của các đoàn thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Xây dựng đề án khả thi về sản xuất nông nghiệp hữu cơ
(BGĐT)-Ngày 25-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn  Thái chủ trì buổi làm việc với Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ.
 
Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn
(BGĐT) - Ngày 18-3, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
Tôn vinh 153 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
Ngày 17-1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Chương trình "Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017" và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 – 2023) thành công tốt đẹp.
 

Trịnh Lan (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...