Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xử lý rác thải nông thôn: Nhiều nơi vẫn thờ ơ

Cập nhật: 07:00 ngày 04/05/2019
(BGĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa tổ chức đoàn công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 43 ngày 11-5-2017 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về một số chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn tại các địa phương. Qua kiểm tra, nhiều nơi vẫn tái diễn rác tồn lưu gây ô nhiễm môi trường.

Chưa tập trung giải tỏa điểm tồn lưu

Một trong những nội dung được đề cập tại Kết luận số 43 của BTV Tỉnh ủy là các huyện, TP tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn. 

{keywords}

Rác phế liệu tại thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) lấn đường làng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra của Sở TN&MT cho thấy, công tác chỉ đạo ở hầu hết các địa phương đang có dấu hiệu chững lại. Thậm chí có nơi, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã còn sao nhãng trong chỉ đạo thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; chậm quy hoạch, xây dựng điểm tập kết; chưa làm tốt công tác thu giá dịch vụ xử lý rác theo quy định của UBND tỉnh nên thiếu kinh phí duy trì hoạt động của tổ vệ sinh môi trường. 

Đến nay, tỷ lệ thu giá dịch vụ này toàn tỉnh mới đạt 55% tổng số hộ toàn tỉnh. Đây là nguyên nhân khiến rác tái diễn, tồn lưu với lượng lớn nhưng không được thu gom, xử lý gây ô nhiễm môi trường.

Qua kiểm tra, Sở TN&MT phát hiện toàn tỉnh có hơn 60 điểm tồn lưu rác thải, tập trung ở hầu hết các huyện, TP. Trong đó 2/3 số điểm tái diễn, còn lại là phát sinh mới. Đơn cử như ở các xã Hợp Thịnh, Đông Lỗ, Lương Phong, Mai Trung (Hiệp Hòa) có hàng chục điểm tồn đọng rác với khối lượng khá lớn. 

Ông Ngô Quang Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT) cho biết, cách đây gần một năm, Sở đã kiểm tra điểm tồn lưu rác lượng ở thôn Gò Pháo, gần Cụm công nghiệp xã Hợp Thịnh và đề nghị xã tập trung giải tỏa. Thế nhưng đến nay lượng rác tại đây không giảm mà còn gia tăng, lấn cả ao bèo, bốc mùi hôi thối.

Tương tự, tại thôn Đồng Đạo (cùng xã Hợp Thịnh) cũng xảy ra tình trạng nhiều hộ dân tập kết rác phế liệu thành đống nằm dọc hai bên đường thôn để tái chế nhựa. Có hộ còn đổ toàn bộ chất thải phế liệu không sử dụng ra ven ngòi dẫn nước thành đống lớn lâu ngày không được xử lý. 

Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Các điểm tồn lưu rác trong xã hình thành từ khá lâu. Chất thải chủ yếu là do người dân ở các thôn đổ ra. Mặc dù biết rác gây ô nhiễm môi trường song địa phương chưa có cách nào giải tỏa vì chưa quy hoạch được điểm tập kết”.

Kiểm tra tại huyện Tân Yên, đoàn chỉ rõ trên địa bàn có hàng chục điểm tập kết rác gây ô nhiễm. Đặc biệt, tại thị trấn Cao Thượng do bãi rác cũ đã quá tải trong khi đó huyện chậm quy hoạch, xây dựng điểm tập kết mới nên rác ùn ứ. Ở huyện Lục Ngạn có nhiều điểm rác thải phát sinh bừa bãi do thiếu chỗ tập kết. 

Tại Yên Dũng, các xã Tiền Phong, Nội Hoàng chưa thường xuyên tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý để rác phát sinh, tồn đọng nhiều ven tỉnh lộ 398 qua địa phận các xã, gây mất mỹ quan. Tình trạng này còn xảy ra tại xã Hồng Thái, Quang Châu (Việt Yên)…

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Trước những bất cập nêu trên, để thực hiện tốt Kết luận số 43 của BTV Tỉnh ủy về giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn, qua làm việc với các huyện, TP, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT đề nghị các địa phương cần tập trung chỉ đạo phòng chức năng, các xã, thị trấn bố trí lực lượng, kinh phí giải tỏa xong các điểm tồn lưu rác trong đầu quý II tới. Địa phương nào chậm xử lý, giải tỏa điểm tồn lưu, Sở tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh có công văn yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn và lực lượng công an tại địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát để kịp thời xử lý theo thẩm quyền và đề xuất với cơ quan chức năng xử lý các hành vi xả rác không đúng nơi quy định.

Đi liền với các giải pháp trên, Sở đề nghị các huyện, TP thành lập mới, kiện toàn tổ vệ sinh môi trường để tăng cường hoạt động thu gom. Đặc biệt là sớm bố trí khu tập kết, xử lý theo quy định mỗi xã, thị trấn có một điểm tập kết rác. Đặc biệt, huyện Tân Yên cần quy hoạch, xây dựng bãi tập kết rác mới tại thị trấn Cao Thượng; huyện Lục Ngạn xây dựng bãi rác tập trung của toàn huyện để thay thế bãi rác cũ đã quá tải, tránh để tồn lưu rác như hiện nay. 

Sở cũng đề nghị các huyện tập trung cao thu giá dịch vụ thu gom xử lý rác thải để bảo đảm kinh phí cho công tác thu gom, vận hành các lò đốt rác, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Trước thực trạng chỉ có duy nhất huyện Yên Dũng chưa phê duyệt phương án thu giá dịch vụ rác thải, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết trong tháng 5 năm nay, huyện phê duyệt nội dung này để các xã, thị trấn có căn cứ thực hiện. 

Còn tại huyện Hiệp Hòa, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo Phòng TN&MT đôn đốc 13 xã còn lại khẩn trương xây dựng bãi tập kết rác. Trong khi nhiều xã chưa có bãi tập kết, phòng chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác tại nhà để giảm thiểu chất thải phát sinh.

Rác thải dồn ứ tại khu vực đầu thôn My Điền 1
(BGĐT) - Tại đoạn đường từ Khu công nghiệp Đình Trám rẽ vào thôn My Điền 1, xã Hoàng Ninh (Việt Yên), những ngày này rác thải sinh hoạt đổ tràn lan, lấn đường, mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bay khắp nơi.
 
Khó thu tiền dịch vụ rác thải theo đơn giá mới
(BGĐT) - Quyết định số 43/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang (Quyết định số 43) ban hành cuối năm 2017 quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt có hiệu lực từ ngày 10-1-2018. Đến nay, sau hơn một năm thực hiện, kết quả thu tại nhiều địa phương đạt rất thấp, thậm chí không thu được theo giá mới khiến hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác gặp nhiều khó khăn.
 
Rác thải vẫn lấn đường, kênh mương
(BGĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 139 ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020, sau một thời gian các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân tích cực vào cuộc, rác thải khu vực nông thôn giảm đáng kể. Tuy vậy, thời gian gần đây, việc đổ rác tùy tiện ra lề đường, xuống kênh mương lại tái diễn khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. 
 
Minh Linh
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...