Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi: Kỳ 1- Lúng túng, không đúng quy định

Cập nhật: 10:06 ngày 13/05/2019
(BGĐT) - Chưa bao giờ dịch bệnh ở đàn lợn lại bùng phát mạnh và gây thiệt hại nặng như năm nay. Thế nhưng ở nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang, công tác phòng, chống dịch bệnh còn bị động, lúng túng.

Nhà nào cũng có lợn chết

Mưa bay lất phất trong tiết trời se lạnh bất thường của tháng 5 khiến không khí ở thôn Lam Sơn, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) thêm ảm đạm. Ở đây, nhà nào cũng có lợn chết do mắc dịch, nặng nhất là hộ chị Nguyễn Thị Phụ. Dáng người gầy yếu vì đang bị bệnh nặng nhưng chị Phụ vẫn cố đứng dậy với những bước đi tập tễnh để mời khách vào nhà.

{keywords}

Xác lợn chết thối rữa trên kênh chính, đoạn chảy qua xã Nghĩa Trung (Việt Yên).

Qua câu chuyện, được biết, gia đình chị Phụ nuôi lợn từ nhiều năm nay song khoảng tháng 10-2018 mới bắt đầu vay mượn hơn 400 triệu đồng để làm chuồng trại, vào đàn quy mô lớn. 

Hằng ngày, vợ chồng chị dành thời gian chăm sóc lợn với mong muốn có thêm khoản thu nhập để chữa bệnh, nuôi con. Ai dè, lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), hơn 100 con nái và thương phẩm bị chết, hy vọng có cuộc sống khấm khá hơn của anh chị bị dập tắt, gánh thêm khoản nợ ngân hàng, người thân không biết đến bao giờ mới trả được. Chị Phụ bộc bạch: “Nhìn những con lợn nặng cả tạ bỏ ăn rồi lăn ra chết, vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ”.

Gia đình chị Phụ không phải hộ cá biệt. Bệnh DTLCP như một “cơn bão” càn quét, làm xơ xác nhiều làng quê. Không chỉ ở Lam Sơn, nhiều thôn ở các xã: Tân Lập (Lục Ngạn), Yên Lư (Yên Dũng), Hoàng Thanh, Xuân Cẩm (Hiệp Hòa), Nghĩa Trung (Việt Yên), Hương Lạc (Lạng Giang)… lợn cũng chết sạch. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến ngày 12-5, toàn tỉnh có khoảng 70 nghìn con lợn bị chết do bệnh dịch.

Nhiều hệ lụy phát sinh

Dịch bệnh xảy ra đã phát sinh những hệ lụy. Trước tiên, người chăn nuôi bị thiệt hại. Không chỉ vậy, việc không xử lý tiêu hủy lợn đúng cách đã gây ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước. 

{keywords}

Người dân xã Yên Lư (Yên Dũng) chở lợn mắc bệnh DTLCP đi chôn hủy trên phương tiện không được che kín và phun thuốc sát trùng.

Gần chục ngày qua, xã Tân Liễu, thị trấn Neo (Yên Dũng) phải huy động lực lượng vớt xác lợn ở sông Thương để chôn hủy. Anh Vi Văn Ngọc, khu Đình, thị trấn An Châu (Sơn Động) cùng nhóm bạn tự nguyện vớt xác lợn trên sông, gom ở vệ đường khu vực đèo Chinh rồi chôn lấp.

Dịch bệnh ở đàn lợn cũng tác động lớn đến thị trường thực phẩm. Một bộ phận người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn khiến giá lợn hơi trong những ngày qua liên tiếp giảm mạnh, dao động từ 25- 32 nghìn đồng/kg. 

Cụ thể, tại huyện Yên Dũng, giá lợn hơi chỉ ở mức 25 nghìn đồng/kg, Lục Nam 28 nghìn đồng/kg; Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa 33 nghìn đồng/kg. Lợn nuôi ở các trang trại quy mô tập trung có giá cao hơn khu vực chăn nuôi nông hộ từ 3-4 nghìn đồng/kg.

Lợn ốm, chết xảy ra ở nhiều nơi nên trong thời điểm hiện nay nếu không kiểm soát tốt thì rất có thể người tiêu dùng sẽ ăn phải thịt lợn không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Thực tế, một số hộ chăn nuôi thẳng thắn chia sẻ, khi thấy lợn bỏ ăn, ốm đã bán chạy cho thương nhân với giá rất “bèo” để vớt vát lại đồng nào hay đồng ấy. Và những con lợn ốm này đều tiêu thụ trót lọt đến với người tiêu dùng mà chưa bị phát hiện, xử lý.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến ngày 12-5, toàn tỉnh có hơn 70 nghìn con lợn chết do bệnh dịch ở 201/230 xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, dù muốn hay không thì sử dụng thịt lợn trong bữa ăn hằng ngày vẫn là nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, dịch bệnh ở lợn sẽ tác động mạnh đến những thực phẩm khác. 

Chưa kể các dịch vụ ăn uống, chế biến thức ăn sẵn, đồng thời tạo phản ứng dây chuyền tới thị trường thức ăn chăn nuôi. Hơn nữa, khi lợn bị bệnh DTLCP thì rất khó tái đàn, nguồn thực phẩm khan hiếm, tác động xấu đến đời sống người dân và phát triển KT-XH.

Tiêu hủy không đúng cách

Có thể thấy, số địa phương có bệnh DTLCP tăng lên nhanh chóng. Từ một xã ban đầu phát hiện ổ bệnh vào tháng 3, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 200 xã, phường, thị trấn có lợn ốm, chết. 

Do lợn chết vào cùng một thời điểm với số lượng lớn, không ít chủ nuôi đã vứt xác lợn tràn lan ra môi trường. Dọc sông Thương, trên các tuyến kênh mương, vệ đường, bãi đất trống… đều có xác lợn đang trong quá trình phân hủy, ruồi nhặng bu kín, bốc mùi hôi thối.

{keywords}

Hố tiêu hủy lợn tại thôn Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh (Việt Yên) không được lấp kín đất.

Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) nói: “Gia đình tôi ở cạnh kênh tưới 1A nên nhiều ngày phải chịu mùi hôi hám do lợn chết vứt xuống lòng kênh. Có ngày, dòng kênh xuất hiện cả chục xác lợn, chúng tôi phải cùng nhau vớt lên chôn hủy”.

Thất vọng, thẫn thờ là tâm trạng của nhiều chủ nuôi khi có lợn chết, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của đoàn thể, chính quyền. Vậy mà trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh không hay về cách phòng, chống dịch ở địa phương. 

Người dân thôn Lại Tân, xã Tân Lập (Lục Ngạn) phản ánh, khi có lợn chết chờ mãi chẳng thấy cán bộ thú y và cơ quan chức năng đến lấy mẫu bệnh phẩm mang đi phân tích. Ông Phạm Đăng Thơ, thôn Lại Tân cho biết: “Chúng tôi rất hoang mang khi trong chuồng có gần 70 con lợn chết. Tôi mong cơ quan chức năng đến lấy mẫu xét nghiệm, kết luận chính xác về bệnh để có kế hoạch chăn nuôi song đến nay vẫn chưa có thông tin hồi đáp nào từ cơ quan chuyên môn”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sen, thôn Tân Sơn 2, xã Yên Lư (Yên Dũng) khi trao đổi với phóng viên cũng bày tỏ bức xúc. Nhà ông có hơn chục con lợn bị chết, trong đó có một lợn nái nặng gần 3,5 tạ và đàn lợn con. Gọi điện báo thôn, xã, cán bộ thú y, vậy mà mãi sau mới có người đến.

“Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng, không thể khiêng được con lợn nặng từng ấy. Tôi phải thuê một chiếc xe trong làng chở ra khu lò gạch cũ chôn”. Theo lời ông Sen, xe chở lợn đến nơi chôn hủy không được phun thuốc khử trùng, che bạt.

Ngoài ra, việc thực hiện chôn hủy lợn không đúng kỹ thuật cũng phổ biến, tập trung ở các xã: Xuân Cẩm (Hiệp Hòa), Hoàng Ninh (Việt Yên), Yên Lư (Yên Dũng)… Ngày 12-5, hố chôn lấp tại thôn Khả Lý Hạ, xã Quảng Minh (Việt Yên) có hàng trăm con lợn trương phình, bốc mùi hôi thối nhưng không được lấp kín.

Hay như, đáng lý phải xác minh, thống kê lợn chết tại hộ mới đem đi chôn thì ở xã Nội Hoàng (Yên Dũng) lại yêu cầu người dân tự chở lợn ra địa điểm chôn mới làm việc này. Bởi thế, các hộ có lợn chết phải tự tìm cách chở ra nơi đào hố, dẫn đến việc chôn lấp bị chậm trễ, không bảo đảm vệ sinh.

Rõ ràng, công tác phòng, chống DTLCP trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập cần khẩn trương có giải pháp khắc phục, sớm ổn định tình hình chăn nuôi.

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi: Kỳ 2- Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
(BGĐT) - Chỉ từ một ổ bệnh ban đầu, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã nhanh chóng lan ra toàn tỉnh Bắc Giang. Trước thực tế này, chính quyền các cấp, cơ quan liên quan, người chăn nuôi cần nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, bất cập để có biện pháp khắc phục, từ đó phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn.
 
Dịch tả lợn châu Phi: Đã tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, dịch vẫn lan rộng
Đến ngày 12-5-2019, dịch tả lợn châu Phi đã khiến 1,22 triệu con lợn bị bệnh và tiêu hủy. Nhiều địa phương có số lợn chết quá nhiều, không có đất để chôn.
 
Chuẩn bị tốt phương án tiêu thụ vải thiều, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
(BGĐT) - Ngày 9-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái có buổi kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2019 và phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Lục Ngạn. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở: Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý thị trường tỉnh.
 
Cần khắc phục ngay tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
(BGĐT)- Ngày 7-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại huyện Lục Nam và Yên Dũng. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT.
 
Xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa): Chôn hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi không đúng quy trình
(BGĐT)- Những ngày qua, tại xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) liên tục có lợn chết nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tai xanh, lở mồm long móng (LMLM). Cùng thời gian, trên tuyến kênh tưới A1, đoạn chảy qua thôn Cẩm Bào cũng xuất hiện nhiều xác lợn chết. Việc chôn hủy số lợn này không được chính quyền địa phương thực hiện kịp thời khiến người dân bất bình.
 
Nhóm PVKT
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...