Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Doanh nghiệp nhỏ "khát" lao động phổ thông

Cập nhật: 07:00 ngày 15/06/2019
(BGĐT) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tình trạng cạnh tranh lao động diễn ra khá gay gắt, không chỉ giữa các doanh nghiệp (DN) lớn mà với ngay cả các DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Nhiều DN, cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng do thiếu hụt lao động.

"Đỏ mắt" tìm công nhân

Cùng với tốp thợ bắt xe bus từ xã Lục Sơn (Lục Nam) theo đường tỉnh 293 lên khu vực thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động) làm thuê, anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1988) nhìn có vẻ già dặn, ra dáng “trưởng nhóm” hơn cả nói với tôi: “Chúng em nghỉ học sớm, không nghề nghiệp gì. Dịp này ít việc nên khi có người gọi đi làm bóc ván gỗ ở Sơn Động, em rủ thêm mấy anh em tranh thủ kiếm thêm chút tiền giúp vợ con”. 

{keywords}

Các cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn, miền núi đang phải cạnh tranh gay gắt với DN ở khu, cụm công nghiệp về thu hút lao động.

Theo anh Hưng, có hai hình thức hợp đồng để người lao động lựa chọn, đó là trả theo ngày công làm việc hoặc khoán sản phẩm tính bằng mét vuông ván bóc trong ngày. Vì chưa rõ công việc ra sao, có đáp ứng được yêu cầu hay không nên nhóm anh Hưng nhận mức 250 nghìn đồng/ngày, ăn ngủ tại xưởng làm việc luôn.

Ngay khi đặt chân đến đầu thị trấn Thanh Sơn, lập tức có vài người đi xe máy đến đón, một người đàn ông đứng tuổi “tiếp thị” với nhóm anh Hưng: “Chỗ chúng tôi trả công 270 nghìn đồng/ngày, xưởng to, máy móc mới hơn. Nếu muốn khoán theo sản phẩm cũng được, chịu khó làm thêm giờ, trung bình thu nhập có thể được 300 nghìn đồng/ngày”. Nhưng vì đã nhận lời với chủ xưởng trước nên anh Hưng và 4 người đi cùng đành từ chối chỗ làm này.

Bắt chuyện với người đàn ông kia, được biết ông là Phạm Đức Chiến, quê ở xã Tân Liễu (Yên Dũng) chung vốn mở xưởng bóc ván gỗ ở huyện Sơn Động. Ông Chiến chia sẻ: “Gần đây rất khó tuyển lao động, chúng tôi không cần yêu cầu tay nghề quá cao, chỉ là lao động phổ thông, có sức khỏe tốt, kể cả chưa biết nghề thì chỉ học vài tuần là có thể đứng máy được. 

Nếu không làm tại xưởng, chúng tôi sẵn sàng bố trí đi khai thác rừng trồng để lấy nguyên liệu nhưng mấy ngày qua tôi không gọi được người nào. Hơn nữa, người lao động hiện nay cũng đòi hỏi mức lương khá cao, nếu không được đáp ứng là họ nghỉ làm, tìm chỗ khác để có thu nhập tốt hơn”.

Tìm hiểu ở nhiều cơ sở sản xuất khác cũng có tình trạng tương tự. Ông Đinh Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Thảo (Lục Ngạn) cho biết, Công ty chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông sản, hiện đang vào vụ sản xuất cao điểm nhưng cũng gặp khó khăn về lao động. Yêu cầu của khách hàng, đối tác ngày càng cao, trong khi tìm được người có tay nghề, làm việc năng suất, hiệu quả không dễ dàng. 

Đơn cử như việc sơ chế vải thiều theo tiêu chuẩn năm nay là không được lẫn nhiều lá, cuống, phải được buộc túm hoặc đóng thùng đúng trọng lượng, trong khi khối lượng lớn, dự kiến cả vụ, Công ty sẽ xuất khẩu 10 nghìn tấn nên DN cũng như các cơ sở khác tranh giành nhau những người thạo việc, nhanh nhẹn.

Cải thiện điều kiện làm việc, thu hút lao động

Các cán bộ làm công tác lao động việc làm cho rằng, nguyên nhân thiếu lao động phổ thông hiện nay một phần là bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Bắc Giang tuyển dụng lao động phổ thông giá rẻ, các DN đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực lắp ráp, may mặc, gia công cần nhiều lao động và có giá trị gia tăng thấp. 

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhiều DN trước đây chỉ tuyển lao động có trình độ THPT trở lên và giới hạn độ tuổi từ 18 - 35, thì nay chỉ cần trình độ tốt nghiệp THCS và yêu cầu độ tuổi từ 18 trở lên. Điều này dẫn đến cạnh tranh gay gắt trong thị trường lao động, các DN ở khu, cụm công nghiệp hút lao động ở vùng nông thôn, tạo áp lực lên các DN quy mô nhỏ nói riêng và nền sản xuất công nghiệp, dịch vụ địa phương nói chung.

Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhu cầu sử dụng lao động phổ thông lớn như hiện nay tại các DN, khu, cụm công nghiệp là xu hướng tất yếu. Để cạnh tranh, các DN phải đưa ra các giải pháp để thu hút lao động. 

Nhiều DN giữ chân lao động bằng việc cải thiện điều kiện làm việc như lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ, bố trí phương tiện đưa đón người lao động, tăng lương, thưởng, thực hiện các chế độ bảo hiểm… Thậm chí nhiều DN chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để xây dựng nhà ở công nhân cho những lao động địa phương khác.

Trong khi đó những DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn, miền núi từ trước đến nay ít chú ý đến vấn đề này khiến sức cạnh tranh, hấp dẫn lao động thấp. Người lao động trẻ tuổi, có trình độ văn hóa, chuyên môn không muốn gắn bó với những DN này. 

Do đó, trong thời gian tới, các DN địa phương phải cải thiện mạnh mẽ điều kiện làm việc, chấp hành tốt quy định của pháp luật về lao động, việc làm, bảo đảm quyền lợi, chế độ cho người lao động. Cơ quan nhà nước và ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. 

Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, trong đó ưu tiên tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động. Nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật và hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.

Lao động phổ thông, thời vụ: Cầu tăng, cung hiếm
(BGĐT) - Do doanh nghiệp (DN) tăng tốc sản xuất, hoàn thiện đơn hàng phát sinh hay nhiều công sở, gia đình có nhu cầu thuê người dọn dẹp nên dịp cuối năm thường là thời điểm khan hiếm lao động phổ thông, thời vụ. Đây cũng là dịp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp. 
Lao động giỏi, nhiều sáng kiến
(BGĐT) - Từ phong trào thi đua trên các lĩnh vực KT-XH, tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động giỏi, sáng tạo. Những đóng góp của các cá nhân điển hình đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác, sản xuất, kinh doanh cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; xây dựng hình ảnh đẹp về đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong thời kỳ mới.
Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trong quan hệ lao động
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 29-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Doanh nghiệp quan tâm chăm lo cho người lao động
(BGĐT) - Thời gian gần đây, nhiều chủ doanh nghiệp ở các KCN tỉnh quan tâm đến quyền lợi vật chất, tinh thần của người lao động. Qua đó nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và để người lao động thêm gắn bó với doanh nghiệp.
Quốc Phương
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...