Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019.

Cập nhật: 19:32 ngày 04/07/2019
(BGĐT) - Ngày 4-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019.
{keywords}

Các đồng chí: Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự tại điểm cầu Bắc Giang có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ngành.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhìn lại 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Một số sự kiện đối ngoại nổi bật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: Chính thức ký Hiệp định EVFTA, IPA với EU; trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu rất cao… qua đó thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển và có trách nhiệm.

Để có được kết quả đó, Chính phủ đã nỗ lực không ngừng trong chỉ đạo, điều hành, bao gồm: Xây dựng kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hằng tháng, hằng quý, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, phát triển bền vững các vùng kinh tế trọng điểm, du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử…

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ tình trạng nói hay làm dở, làm chậm, trách nhiệm thấp, kể cả chuyển lòng vòng, cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi vẫn còn; đề nghị tập trung bàn kỹ để đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Đáng chú ý, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018.

Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức hàng tỷ USD, bù đắp thiệt hại do dịch bệnh trong chăn nuôi gây ra.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2019 giảm 0,09% so với tháng trước, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018. Lạm phát tháng 6 tăng 0,16% so với tháng trước. Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng.

Xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67 nghìn doanh nghiệp (DN) được thành lập mới, tăng 3,8% về số DN và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21,617 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại phiên họp, các đại biểu nêu thực trạng tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, có 60/63 tỉnh, TP xảy ra dịch, tiêu hủy hơn 2,82 triệu con lợn, chiếm 10% tổng đàn. Nắng nóng kéo dài trên diện rộng làm giảm năng suất lúa, cây trồng, vật nuôi; nguy cơ hạn hán, thiếu nước trầm trọng ở một số khu vực có thể diễn ra. Diện tích trồng rừng tập trung giảm 5%, nhiều khu vực xảy ra cháy rừng… Một số dự án trọng điểm về năng lượng, giao thông, hạ tầng chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng. 

Nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự cần quan tâm nhiều hơn như gian lận thi cử, đạo đức văn hóa ứng xử, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, đuối nước, rác thải nhựa, xảy ra nhiều vụ trọng án, đánh bạc trên mạng quy mô lớn, buôn bán ma túy, tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn còn nhiều vụ nghiêm trọng...

Qua thảo luận, Thủ tướng đề nghị trong những tháng cuối năm, các bộ, ngành, tỉnh, TP tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nhiệm vụ: Khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế; tiếp tục năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, phấn đấu với quyết tâm cao nhất thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 đã đề ra, nhất là 4 nhóm trọng tâm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ; Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới và khu vực. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận tín dụng của nền kinh tế, giảm tệ nạn tín dụng đen. 

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm phát triển sản xuất kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Tập trung nguồn lực để khống chế dịch tả lợn châu Phi; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại; tăng cường phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô lớn; khuyến khích tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. 

Phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước thực hiện các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản; công nghiệp chế tạo; công nghiệp phụ trợ; tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu theo hướng tập trung vào một số ngành dịch vụ tiềm năng, ứng dụng công nghệ cao như du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, logistics; xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm du lịch Việt Nam. 

Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Đơn giản hóa hoặc giảm bớt quy định về điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường. Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp để thực hiện đồng bộ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; có sự chuẩn bị tốt về vốn, công nghệ, thị trường và khả năng kết nối với DN FDI để đón đầu các hiệp định thương mại mới.

Tăng cường quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án; đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm giải ngân, bảo đảm tiến độ thi công công trình.

Chủ động truyền thông về các giải pháp điều hành của Chính phủ; phổ biến, giải thích chính sách pháp luật; thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm để DN, người dân hiểu và chia sẻ, tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách, pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Công tác thông tin đối ngoại nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Ngày 7-6, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018.
Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"
Ngày 26-6, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Công an 6 tháng đầu năm 2019; triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2019 để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân năm 2019.
Chính phủ dành 45.000 tỷ đồng phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Số tiền tương đương 2 tỷ USD dành để tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, giao thông và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử
(BGĐT)-Ngày 30-5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Tại đây, đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) đã phát biểu ý kiến về việc thực hiện Chính phủ điện tử.
Báo Bắc Giang điện tử giới thiệu nội dung bài phát biểu.
Quốc Phương


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...