Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang cơ cấu lại sản xuất, bảo đảm tăng trưởng ngành nông nghiệp

Cập nhật: 09:01 ngày 07/08/2019
(BGĐT) - Nửa đầu năm nay, cùng với cả nước, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cây trồng gia tăng khiến tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 4% so với cùng kỳ. Trước thực tế này, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm tăng trưởng.

Nhạy bén chuyển hướng

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ảnh hưởng đến đàn lợn, gây thiệt hại nặng, để bảo đảm sản xuất, không bỏ trống chuồng, nhiều hộ dân trong tỉnh đã năng động chuyển hướng chăn nuôi. 

{keywords}

Sản xuất cây giống trong nhà màng tại xã Tiến Dũng (Yên Dũng).

Hộ ông Đỗ Văn Quang, thôn Am, xã Xuân Hương (Lạng Giang) vốn chăn nuôi lợn. Khi bệnh trên đàn lợn lây lan mạnh, ông đã chuyển sang nuôi vỗ béo bò. Ông đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình ở trong và ngoài tỉnh trước khi áp dụng tại gia đình. 

Hiện trong chuồng nhà ông có hơn 100 con bò lai thương phẩm, dự kiến khi xuất chuồng sẽ thu về hàng trăm triệu đồng. Với số lượng bò lớn, ông Quang trồng cỏ voi để bổ sung thức ăn thô. Công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng được chú trọng nên đàn bò luôn khỏe mạnh.

Hộ ông Đặng Hồng Đăng, thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) có hơn 220 con bị tiêu hủy do dịch bệnh. Không thể tái đàn lợn, tận dụng mặt nước ao, chuồng trại sẵn có ông nuôi hơn 7 nghìn con vịt. 

Theo ông Đăng, nuôi vịt thương phẩm thời gian không dài do đó thu hồi vốn nhanh. Có kinh nghiệm chăn nuôi lợn nhiều năm, ông Đăng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc an toàn sinh học cho đàn vịt. Nơi nuôi, nhốt vịt được vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm tiêm phòng đúng định kỳ.

{keywords}

Với diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP như hiện nay, dự báo, thời điểm cuối năm, nhiều khả năng nguồn cung thịt lợn sẽ không dồi dào. Do đó, ngành nông nghiệp chỉ đạo những trang trại chăn nuôi an toàn, khép kín tiếp tục tái đàn; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh”.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đa phần các hộ sau khi có lợn bị tiêu hủy đã chuyển sang nuôi đối tượng vật nuôi khác, qua đó góp phần ổn định nguồn cung thực phẩm trên địa bàn tỉnh. 

Các mặt hàng thịt đều không có sự biến động mạnh về giá. Điều này cho thấy, bản thân các chủ hộ chăn nuôi đã nhạy bén, chủ động trong kế hoạch sản xuất của mình.

Khai thác lợi thế, phát triển các lĩnh vực

Trao đổi với ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT được biết, nguyên nhân chính dẫn tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm là do ảnh hưởng của bệnh DTLCP và sản lượng vải thiều chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. 

Riêng DTLCP toàn tỉnh đã phải tiêu hủy hơn 200 nghìn con lợn, thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của hệ thống thú y, bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông tuyến huyện, xã cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Những tháng cuối năm, dự báo sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều khó khăn như bão lụt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; bệnh DTLCP diễn biến phức tạp dẫn đến khả năng khôi phục đàn lợn thấp. Để bảo đảm tăng trưởng đạt 1%, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp tăng sản lượng tất cả các nhóm trong ngành. 

Đó là theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, sâu bệnh hại trên các loại cây trồng, nhất là lúa mùa; nâng năng suất nhóm cây ăn quả. Năm nay sản lượng nhãn, na đều đạt khá, tiêu thụ thuận lợi. Cây có múi cũng được mùa. Để tăng giá trị, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào dịp thu hoạch cuối năm. Cùng đó chỉ đạo nông dân chăm sóc tốt rau màu vụ mùa, mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao.

{keywords}

Hộ dân xã Xuân Hương (Lạng Giang) chăn nuôi bò thương phẩm sau khi lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy.

Trong điều kiện chưa có vắc xin phòng bệnh DTLCP nên việc tái đàn lợn gặp khó khăn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành vẫn khuyến khích tái đàn lợn tại những trang trại chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học. 

Bởi lẽ những cơ sở này kiểm soát tốt dịch bệnh và đều nuôi lợn nái, lợn giống sinh ra cần được chăm sóc, không thể bỏ đi. Hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh DTLCP chuyển đổi cơ cấu sang nuôi vật nuôi khác như: Trâu, bò, vịt, gà, dê… Trên thực tế, nhiều hộ đã chuyển hướng và thu được kết quả tốt.

Căn cứ chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện, TP cũng khai thác lợi thế, phát triển mô hình nông nghiệp của địa phương. Tại Lục Ngạn, nơi có diện tích cây có múi hơn 6 nghìn ha, thời điểm này bà con tập trung chăm sóc. Cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi đều sai quả. Qua điều tra bảo vệ thực vật cho thấy, cây có múi đang bị nhện đỏ, sâu vẽ bùa, bệnh ghẻ sẹo gây hại. 

Ông Bùi Cao Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Giang cho biết: “Xã có hơn 200 ha cam, bưởi. Ngoài các đối tượng gây hại như trên, cây trồng trong xã có biểu hiện bị vàng lá, thối rễ. Chúng tôi khuyến cáo người dân phun bổ sung chế phẩm sinh học; khơi thông vườn, rãnh thoát nước, không để xảy ra tình trạng cây bị úng ngập, yếm khí.

Tại huyện Yên Thế, người dân duy trì ổn định tổng đàn gà hơn 3,2 triệu con. Việc tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá bình quân 55- 60 nghìn đồng/kg. Ông Nguyễn Xuân Hiếu, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm nói: “Gia đình tôi vừa xuất hơn 2 nghìn con gà thương phẩm, lãi khoảng 30 triệu đồng. Tôi vừa vào đàn hơn 7 nghìn con, cao hơn so với trước”. 

Đi đôi với biện pháp trên, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn hộ nuôi trồng thuỷ sản áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị ngành thủy sản.

Đổi mới mô hình phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng
(BGĐT)- Năm 2019 là năm bứt phá, quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2016-2020. Với ý nghĩa quan trọng đó, UBND tỉnh đã xác định mục tiêu “Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng”.
Doanh nghiệp xuất khẩu Bắc Giang: Vững đà tăng trưởng
(BGĐT)-Nắm bắt cơ hội, vào những tháng cuối năm, lượng đơn hàng xuất khẩu thường tăng mạnh nên thời gian gần đây các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành đủ sản phẩm theo hợp đồng đã ký với đối tác. Hoạt động này tạo đà bứt phá, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang.
Nông nghiệp đạt tăng trưởng cao nhất trong vòng một thập kỷ
Ngày 28-6, Bộ Nông nghiệp và PTNT (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018. 
Tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đi sâu vào chuỗi sản xuất ở tất cả các khâu
(BGĐT)-Sáng 29-5, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản năm 2019. Tại đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu, gợi mở nhiều giải pháp để việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...