Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chung sức phát triển KT-XH vùng miền núi, dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Nam

Cập nhật: 07:55 ngày 19/08/2019
(BGĐT) - Những năm qua, huyện Lục Nam (Bắc Giang) luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống bà con được cải thiện. 

Vùng dân tộc và miền núi của huyện Lục Nam có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp hàng hóa, mở rộng giao lưu kinh tế, thúc đẩy du lịch và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa DTTS. Từ những chính sách của Đảng và Nhà nước, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp phát triển KT-XH khu vực này.

{keywords}

Phụ nữ bản Khe Nghè, xã Lục Sơn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Đức Quang

Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng

Xác định đây là yếu tố quan trọng, huyện Lục Nam chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, nhà công vụ, trường lớp học, nhà văn hóa... từ các nguồn lực, lồng ghép chương trình, dự án trên cùng địa bàn vùng DTTS, các xã, thôn, bản ĐBKK. 

Chỉ trong 5 năm qua, hơn 530 tỷ đồng đã được bố trí để xây mới, duy tu, bảo dưỡng hơn 100 công trình. Đơn cử Chương trình 135 đã hỗ trợ các thôn, xã ĐBKK số vốn gần 60 tỷ đồng xây mới 81 công trình giao thông, thủy lợi, trường học và nhà văn hóa; duy tu và bảo dưỡng nhiều công trình sau đầu tư. 

Đáng quan tâm là huyện còn có chính sách kích cầu, hỗ trợ riêng vùng DTTS, xã, thôn, bản ĐBKK làm đường giao thông nông thôn ngoài mức chung của tỉnh 100 triệu đồng/km, tạo ra phong trào cứng hóa đường thôn, bản nở rộ. 

Nhiều công trình nước sạch ở các xã Bình Sơn, Lục Sơn được đầu tư theo Quyết định 755/QĐ-TTg, 2085/QĐ-TTg của Chính phủ đã hoàn thành, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân.

Đến nay, cơ bản các tuyến đường thôn, bản ở vùng ĐBKK như Trường Giang, Lục Sơn, Bình Sơn... đã cứng hóa, kết nối với đường liên xã, tỉnh lộ, quốc lộ, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thúc đẩy phát triển KT-XH. 

Năm 2019, riêng xã vùng cao Vô Tranh cứng hóa gần 40 km đường, gần bằng cả huyện thực hiện năm 2017. Hệ thống chợ tại các thị tứ, xã vùng cao như: Chợ Gàng (xã Vô Tranh), Đồng Đỉnh (xã Bình Sơn), Mai Sưu (xã Trường Sơn) được đầu tư xây dựng, góp phần mở rộng cơ hội giao thương. 

Các trường, lớp học được xây dựng mới khang trang, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 98%, giúp con em đồng bào DTTS có thêm điều kiện học tập tốt. Nhiều điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương), đền Thần Nông (xã Cẩm Lý)… được đầu tư hạ tầng kết nối với tuyến du lịch Tây Yên Tử. 

Huyện Lục Nam có 27/27 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi, trong đó 5 xã khu vực III; 80 thôn, bản ĐBKK; 16 thành phần dân tộc cùng chung sống, nhân khẩu DTTS có 34.742 người, chiếm 15,17% dân số.

Hệ thống điện lưới quốc gia đã tới 100% các thôn, bản, bảo đảm nhu cầu điện sinh hoạt và phát triển kinh tế. Các công trình thủy lợi đáp ứng tưới, tiêu cho hơn 80% đất canh tác. Hiện nay, các xã có nhiều người DTTS sinh sống là Đông Hưng, Đông Phú đã đạt chuẩn NTM, dự kiến cuối năm nay có thêm xã Bảo Sơn.

Đời sống người dân từng bước nâng cao

Cùng với cơ sở hạ tầng được quan tâm, đồng bào DTTS, miền núi còn thụ hưởng nhiều chính sách phát triển kinh tế gia đình, đa dạng hóa sinh kế, chăm lo đời sống văn hóa, khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo. 

5 năm qua, ngành chức năng và các xã đã thực hiện 50 dự án hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 6 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ hộ nghèo vùng khó khăn tiền mặt và vật tư với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. 

Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện còn cho vay 560 tỷ đồng vốn ưu đãi giúp bà con cải thiện nhà ở, học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Toàn huyện đã có hàng nghìn lao động DTTS có việc làm mới, gần 600 người xuất khẩu lao động...

{keywords}

Mô hình trồng na kết hợp cây lâm nghiệp ở thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Ngọc

Với phương châm giúp bà con sinh kế nhờ chính sách phù hợp, đồng bào DTTS đã có thêm điều kiện phát triển nông – lâm nghiệp, mở dịch vụ, ứng dụng KHKT vào sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững. Người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm và chủ động tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo. 

Khắp các địa phương đã xuất hiện những gương nông dân là người DTTS biết khai thác tiềm năng đất đai, sức lao động, nhanh nhạy với thị trường vươn lên làm giàu. 

Điển hình như gia đình các ông, bà: Trương Thị Hậu, dân tộc Dao (xã Lục Sơn) chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm dịch vụ; Hoàng Tài Định, dân tộc Tày (xã Nghĩa Phương) có mô hình VACR và nuôi ong; Lục Văn Trung, dân tộc Tày (xã Đông Hưng); Lục Văn Sáng, dân tộc Sán Dìu (xã Trường Giang) trồng cây ăn quả… thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. 

Lục Nam đã hình thành một số vùng nông nghiệp hàng hóa mà thương hiệu gắn với địa danh như: Na dai Nghĩa Phương, Huyền Sơn; dứa Bảo Sơn; hạt dẻ Lục Sơn. Ở các xã vùng ĐBKK hoặc có nhiều đồng bào DTTS, phong trào phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi cho thu nhập cao lan tỏa mạnh. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực này giảm từ 7 đến 8%.

Đời sống của người dân từng bước được cải thiện, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào DTTS được coi trọng bảo tồn và phát huy. 

Nhiều lễ hội, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, lễ cấp sắc cho người trưởng thành của dân tộc Dao (xã Trường Sơn)… được khôi phục. Bà con dân tộc Cao Lan ở thôn Khe Nghè (xã Lục Sơn) duy trì nghề dệt truyền thống. Nhiều câu lạc bộ hát dân ca DTTS thành lập, hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều thành viên các lứa tuổi tham gia. 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo chuyển biến rõ nét trong từng khu dân cư cũng như cả cộng đồng. Đây là tiền đề quan trọng để đồng bào DTTS, vùng ĐBKK của Lục Nam tiếp tục vươn lên, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống, hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội giữa các vùng miền, phấn đấu xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Lục Nam nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo
(BGĐT) - Ngày 14 và 15-8, UBND huyện Lục Nam tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo năm 2019.
Lục Nam: Gần 1,2 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
(BGĐT) - Ngày 13-8, UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2010-2020.
Lục Nam (Bắc Giang) kích cầu làm đường ở vùng khó khăn
(BGĐT) - Những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, các tuyến đường liên xã, liên thôn ở các xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang được nâng cấp, cứng hóa nhanh, góp phần đổi thay cuộc sống người dân.
Bắc Giang: HTX Na dai xã Nghĩa Phương (Lục Nam) được cấp Giấy chứng nhận sản xuất na dai theo tiêu chuẩn VietGAP
(BGĐT)- Sản phẩm na dai của Hợp tác xã (HTX) Na dai Nghĩa Phương, thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) vừa được Công ty cổ phần Chứng nhận và giám định IQC cấp Giấy chứng nhận VietGAP số: 2086/QĐCN-IQC-VIETGAP ngày 2-8-2019. 
Lục Nam vui mùa na chín
(BGĐT) - Hiện nay, na Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang cho thu hoạch. Khác với những năm trước, giờ đây na đang được điều chỉnh rải vụ, có lịch thu hái theo từng ngày mà không tập trung vào cùng thời điểm. Nhờ vậy, người trồng na có lợi nhuận lớn, không bị ép giá.

Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...