Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng: Mạnh ai nấy làm

Cập nhật: 07:00 ngày 24/08/2019
(BGĐT) - Những năm gần đây, phong trào trồng rừng sản xuất và chế biến gỗ của Bắc Giang phát triển mạnh. Xuất khẩu gỗ đạt giá trị hàng nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến gỗ của tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, rất cần có sự quy hoạch, quản lý để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững. 

Mạnh ai nấy làm

Bắc Giang hiện có vùng trồng rừng nguyên liệu ổn định khoảng 80 nghìn ha. Trong đó, diện tích trồng keo khoảng 60 nghìn ha, bạch đàn 18 nghìn ha, diện tích còn lại là các loại cây khác. 3 năm gần đây, lượng gỗ khai thác trung bình toàn tỉnh đạt hơn 500 nghìn m3/năm.

{keywords}

Ông Triệu Đình Yên (giữa) hướng dẫn công nhân ghép ván gỗ ép.

Do sản lượng gỗ khai thác nhiều nên chỉ trong thời gian ngắn, Bắc Giang trở thành vùng kinh doanh, chế biến nguyên liệu và sản phẩm gỗ lớn với 771 cơ sở. Sự phát triển “nóng” này đã dẫn đến việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu và bán sản phẩm gỗ thiếu lành mạnh. 

Ông Triệu Đình Yên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên TĐY Lộc Phát, thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa trung (Việt Yên) hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ hơn 10 năm nay chia sẻ, sản phẩm gỗ trên thị trường có rất nhiều chủng loại, chủ yếu phục vụ trang trí nội thất, xây dựng, đồ gia dụng. Chất lượng, giá thành sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào khách đặt hàng. 

Chính vì vậy các cơ sở sản xuất đều “chạy” theo khách hàng dẫn tới chất lượng, giá cả sản phẩm bị xáo trộn. Cùng đó, nhiều cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ do nguồn vốn hạn hẹp nên gặp lúc ế hàng họ đã phải bán các sản phẩm như: Gỗ ép, gỗ dán, gỗ phủ phin… bằng cách phá giá để quay vòng vốn. 

Thậm chí, nhiều cơ sở còn sử dụng nguyên liệu kém chất lượng để hạ giá thành. Trong khi các sản phẩm gỗ hiện nay cơ bản không được kiểm định chất lượng, còn khách hàng thường thấy rẻ là mua, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây thiệt hại cho các DN lớn.

Bên cạnh đó, mặc dù có sản lượng gỗ rừng trồng được khai thác lớn song các DN sản xuất gỗ rất khó ký hợp đồng thu mua bởi các cơ sở chế biến gỗ nguyên liệu thường bán hàng trôi nổi, đâu trả giá cao thì bán. 

Ông Nghiêm Văn Mười, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Mười, thôn Bến Huyện, xã Nam Dương (Lục Ngạn) cho hay: “Sản phẩm của chúng tôi là nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gỗ trong và ngoài nước, đâu trả giá cao thì tôi bán. Gần 10 năm hoạt động, chúng tôi chưa ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho cơ sở sản xuất gỗ nào. Bản thân DN cũng chưa hề ký hợp đồng thu mua gỗ với bất kỳ chủ rừng nào, bởi các chủ rừng thường tính giá gỗ theo thời điểm bán”. Cũng vì lý do trên, hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ tại Bắc Giang đều mạnh ai nấy làm.

Bắc Giang hiện có 771 cơ sở chế biến gỗ. Trong đó có 61 cơ sở chế biến, sản xuất các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu. Một số DN đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ… Dự kiến năm 2019 gỗ xuất khẩu của tỉnh đạt giá trị khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, ngành chế biến gỗ tại Bắc Giang cũng như trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với các thương lái, DN chế biến gỗ từ Trung Quốc. Được biết, cứ khi nào phía Trung Quốc có nhu cầu thu mua thì lại tạo biến động lớn cho thị trường gỗ của Việt Nam và Bắc Giang. Đơn cử, cách đây một tháng gỗ bóc tại Bắc Giang có giá khoảng 3 triệu đồng/m3, nhưng nay lên tới 3,3 đến 3,6 triệu đồng/m3.

Cần có “tiếng nói” chung

Ông Hà Minh Qúy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, sở dĩ có tình trạng trên là do các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh cơ bản hình thành mang tính tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; không gắn kết để cùng nhau phát triển.

Ngoài ra, các cơ sở chế biến không có diện tích rừng trồng nguyên liệu ổn định mà phải phụ thuộc qua trung gian, do đó không chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Mỗi năm, Bắc Giang vẫn phải nhập khẩu từ 7 nghìn đến 10 nghìn m3 gỗ và thu mua khoảng 200 nghìn m3 gỗ từ các tỉnh bạn (bao gồm cả ván bóc) để làm nguyên liệu sản xuất.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho các DN, cơ sở chế biến gỗ, thời gian qua Chính phủ, tỉnh đã tạo nhiều cơ chế thông thoáng trong công tác trồng, khai thác, mua, bán, vận chuyển gỗ rừng trồng. Cơ bản là chủ rừng tự quyết định từ trồng, khai thác, mua bán gỗ rừng trồng. Chính sách về thuế khi xuất khẩu sản phẩm chế biến từ gỗ được ưu đãi (thuế xuất bằng không)... 

{keywords}

Vùng trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế tại xã Đồng Vương (Yên Thế).

Cùng đó, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản với Liên minh châu Âu (EU). Đây là cơ hội rất lớn cho DN chế biến gỗ Việt Nam và DN trên địa bàn Bắc Giang có thể mở rộng, ổn định thị trường xuất khẩu; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của DN...

Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là thời điểm tốt để DN, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh chế biến lâm sản thành lập Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bắc Giang. Điều này giúp các cơ sở, DN chế biến liên kết, hỗ trợ, chia sẻ thông tin thị trường, chính sách, thống nhất quy cách sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến gỗ tại Bắc Giang tương xứng với tiềm năng của tỉnh. 

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần rà soát, quy hoạch lại các cơ sở chế biến gỗ trong tỉnh. Tránh hiện tượng người nước ngoài mang công nghệ chế biến gỗ lạc hậu đến Bắc Giang để sản xuất; núp bóng DN trong tỉnh tuồn gỗ thành phẩm từ nước ngoài vào gắn nhãn mác của DN Việt Nam rồi xuất khẩu. Các DN chế biến gỗ liên kết với các chủ rừng, đầu tư sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu ổn định để ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của tỉnh ngày càng đem lại giá trị kinh tế cao, bền vững.

Công nghiệp chế biến gỗ: Chưa có nhà đầu tư lớn, giảm giá trị rừng trồng
(BGĐT) - Mỗi năm, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong toàn tỉnh Bắc Giang lên đến hàng trăm nghìn m3. Lượng gỗ này chủ yếu dùng làm nguyên liệu thô băm dăm, ván xẻ, gỗ bóc, cốp pha… Sản phẩm chế biến tinh, sâu ít nên giá trị gia tăng thấp, chưa xứng với tiềm năng rừng của tỉnh.
Chứng chỉ quản lý rừng FSC: “Chìa khóa” mở cửa xuất khẩu gỗ rừng trồng
(BGĐT) - Bắc Giang có gần 120 nghìn ha đất rừng sản xuất, mỗi năm khai thác hơn 600 nghìn m3 gỗ các loại. Sản lượng này chủ yếu được xuất khẩu sang các nước trong khu vực mà chưa tới thị trường Mỹ và châu Âu nên đạt giá trị thấp. Lý do bởi rừng của Bắc Giang cơ bản chưa có Chứng chỉ quản lý rừng FSC. Để tăng diện tích rừng được cấp loại chứng chỉ này vẫn là bài toán khó với ngành lâm nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 phải vượt mức 11 tỷ USD
Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” đã diễn ra sáng 22-2 tại Hà Nội với sự góp mặt của khoảng 600 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội và trên 300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản
Tại Hội nghị về phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “đặt hàng” ngành lâm nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu đến 2 con số từ năm 2019, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới.

Thế Đại

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...