Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhiều doanh nghiệp bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường

Cập nhật: 08:15 ngày 30/09/2019
(BGĐT) - Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều doanh nghiệp (DN) không lập kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi đi vào sản xuất. Có đơn vị tuy lập báo cáo ĐTM song thực hiện không nghiêm, xả thải trực tiếp ra môi trường. Thực trạng này đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. 

Hại chung, lợi riêng

Theo rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và nguồn tin của phóng viên, toàn tỉnh hiện có gần 15 DN thuộc diện phải lập kế hoạch BVMT, báo cáo ĐTM hoặc điều chỉnh bổ sung báo cáo ĐTM song không chấp hành, gây ô nhiễm môi trường, tập trung ở các huyện: Việt Yên, Lục Nam, Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên. 

{keywords}

Công ty TNHH Thực phẩm và Đồ uống Vân Nga Dương (Lục Nam) chưa xây dựng công trình BVMT tại xưởng sản xuất gỗ ván ép.

Điển hình như Công ty TNHH Thực phẩm và Đồ uống Vân Nga Dương, trụ sở tại Hà Nội là một ví dụ. Từ tháng 8-2018 đến nay, DN này sản xuất gỗ ván ép và tháng 5-2019 vận hành thử dây chuyền sản xuất tấm nhựa tại thôn Già Khê Núi, xã Tiên Hưng (Lục Nam). Do không có báo cáo ĐTM nên ngày 17-6 vừa qua, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt Công ty này 300 triệu đồng, buộc khắc phục vi phạm. 

Theo thông tin từ Chi cục BVMT (Sở TN&MT), đến nay DN đã lập báo cáo ĐTM và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, mới đây qua kiểm tra, Chi cục phát hiện DN chưa xây lắp công trình BVMT theo nội dung báo cáo ĐTM. Cụ thể, Công ty chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý khí thải. “Mục sở thị” tại khu vực sản xuất rộng hàng nghìn m2 của DN trên vào ngày 27-9, phóng viên chứng kiến gỗ ván ép thải không được thu gom tập trung mà để khắp nền nhà xưởng. Đặc biệt bụi, khí thải từ dây chuyền sản xuất bốc mùi khét lẹt.

Tương tự, Công ty cổ phần Giấy Mạnh Đạt, Cụm công nghiệp (CCN) Già Khê (Lục Nam) nâng công suất sản xuất gỗ dăm từ 300 tấn/năm lên 1,2 nghìn tấn/năm song không điều chỉnh báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Đồng thời DN cho thuê nhà xưởng để mua bán, sản xuất, tái chế các sản phẩm nhựa và chưa thu gom triệt để nước thải theo quy định.

Không chỉ thực hiện không đúng các giải pháp BVMT, nhiều DN còn ngang nhiên đưa dự án vào hoạt động thời gian dài nhưng vẫn chây ì, không lập kế hoạch hoặc báo cáo ĐTM mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần đôn đốc, xử phạt. Điều này đồng nghĩa với việc, DN vì lợi riêng mà bất chấp quy định, không thực hiện bất cứ giải pháp nào xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, gây ô nhiễm môi trường. 

Ví như Công ty cổ phần Việt Ngọc (Hiệp Hòa); Công ty TNHH Thiên Hải Long sản xuất xốp các loại, đá cây tại CCN Cầu Đất, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) hay Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất công nghiệp Việt An sản xuất vàng mã xuất khẩu và cho thuê nhà xưởng may quần áo ở thôn Tăng Quang, xã Bích Sơn (Việt Yên)…

Không để "nhờn" luật

Các DN chây ì, không lập thủ tục về môi trường hoặc thực hiện sai nội dung trong báo cáo ĐTM kéo dài thời gian qua một phần là do việc xử lý vi phạm của cấp có thẩm quyền chưa kiên quyết, dứt điểm. Công tác hậu kiểm không thường xuyên nên nhiều DN “nhờn” luật. Điều này khiến một số DN có tâm lý cứ nộp phạt xong lại hoạt động bình thường như: Công ty cổ phần Việt Ngọc (Hiệp Hòa); Công ty cổ phần Giấy Mạnh Đạt (Lục Nam)…

Hiện nay, toàn tỉnh còn 7 DN đã quá hạn ngày 31-7 theo quy định của Sở TN&MT phải hoàn thành thủ tục về môi trường song các đơn vị này vẫn chưa lập báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT nhưng UBND các huyện, Sở TN&MT chưa xử lý.

Ông Vũ Quảng Toản, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hiệp Hòa lý giải, cơ quan chức năng của huyện đã nhiều lần đôn đốc DN chưa có kế hoạch BVMT thiết lập hồ sơ, trình UBND huyện xác nhận song thực tế việc thực hiện là của chủ DN.

DN không lập kế hoạch, địa phương chỉ xử phạt chứ chưa có chế tài buộc chấp hành nghiêm. Nói như vậy là chưa hợp lý bởi sau khi xử phạt, các DN không khắc phục, cơ quan có thẩm quyền có thể xử phạt lần 2, thậm chí tạm đình chỉ sản xuất để DN chấp hành.

Đặc biệt hiện nay, toàn tỉnh còn 7 DN đã quá hạn ngày 31-7 theo quy định của Sở TN&MT phải hoàn thành thủ tục về môi trường song các đơn vị này vẫn chưa lập báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT nhưng cấp có thẩm quyền chưa xử lý.

Bên cạnh nguyên nhân trên, nhiều ý kiến cho rằng các DN trốn lập kế hoạch BVMT trình UBND huyện xác nhận và báo cáo ĐTM trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định có chiều hướng gia tăng là do chủ các DN không muốn đầu tư kinh phí xây dựng công trình xử lý chất thải. Một số DN xây dựng công trình nhưng chỉ xem là hình thức đối phó bởi công trình này không đủ công suất cũng như bảo đảm về kỹ thuật.

Để xử lý dứt điểm vi phạm trong lập, thực hiện kế hoạch BVMT, báo cáo ĐTM của DN, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Sở đang tập trung chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, đôn đốc các DN thực hiện nghiêm quy định về BVMT theo đúng nội dung báo cáo ĐTM. Những đơn vị không chấp hành, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, Sở xem xét phạt tăng nặng, đề xuất cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ sản xuất từ 3-6 tháng để khắc phục hậu quả. Trường hợp cố tình không chấp hành, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép kinh doanh”.

Đi liền với các biện pháp này, UBND các huyện, TP thường xuyên kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, thậm chí đột xuất việc thực kế hoạch BVMT của DN, nhất là ở các cơ sở sản xuất nguy cơ gây ô nhiễm cao để kịp thời xử lý.

Xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới: Tăng hiệu quả bảo vệ môi trường
(BGĐT) - Gần đây, một số người dân khu Trại, thôn Lò, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) phản ánh bãi rác Đa Mai thuộc phường Đa Mai gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân. Vậy thực tế có đúng như người dân phản ánh và trách nhiệm của các cấp chính quyền TP trong giải quyết vấn đề này ra sao?
Khắc phục bất cập, bảo vệ môi trường các khu công nghiệp
(BGĐT)- Tuy đã được các đơn vị liên quan đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp nhưng việc bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Vấn đề này đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và điều kiện làm việc của người lao động.
Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường
(BGĐT) - Ngày 20-9, đoàn công tác của HĐND tỉnh do đồng chí Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2015- 2018 tại Ban Quản lý các KCN tỉnh. 
Bắc Giang khơi dậy sức dân bảo vệ môi trường
(BGĐT) - Xác định người dân chính là chủ thể trong bảo vệ môi trường (BVMT) nên những năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã xây dựng một số mô hình điểm khu dân cư (KDC) tự quản BVMT và khuyến khích nhân rộng. Cách làm này đã khẳng định hiệu quả rõ nét, góp phần giảm thiểu các điểm tồn lưu rác thải, giữ cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...