Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuẩn hóa sản phẩm địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Cập nhật: 07:00 ngày 22/10/2019
(BGĐT) - Thời điểm này, Bắc Giang đang tích cực triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm- (OCOP)” và đã đạt được những kết quả bước đầu. Một số địa phương có mặt hàng OCOP đa dạng, bao bì đẹp, kỳ vọng tạo sức bật cho kinh tế nông thôn. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Bắc Giang trao đổi với ông Nguyễn Viết Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang.

Xin ông cho biết, mục tiêu của chương trình OCOP là gì?

“Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Để thực hiện tốt chương trình này, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. 

{keywords}

Ông Nguyễn Viết Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang.

Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển, tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có, trong đó đến năm 2020 phát triển ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia (dự kiến vải thiều Lục Ngạn; mỳ Chũ và gà đồi Yên Thế); đồng thời củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản phẩm truyền thống đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đối với Bắc Giang, quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?

Như đã trao đổi ở trên, mục tiêu của Chương trình OCOP rất cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên quá trình triển khai chương trình vẫn gặp một số khó khăn. Cụ thể, sản phẩm nhiều song đa số được sản xuất thủ công, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hạn chế; bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc chưa hoàn thiện nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Đến nay, về cơ bản các sản phẩm được khảo sát, tư vấn điểm đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cần thiết theo yêu cầu bộ tiêu chí để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019. Dự kiến cấp huyện tổ chức đánh giá xong trước ngày 10-11-2019; cấp tỉnh xong trước ngày 15-12-2019.

Nhiều chủ thể sản xuất còn thói quen phát triển thụ động, sản phẩm vẫn ở dạng giản đơn, ít chế biến sâu. Cùng đó, đa số các sản phẩm được tiêu thụ qua tư thương, ít quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là thông qua thương mại điện tử.

Là cơ quan tham mưu trực tiếp thực hiện về OCOP, Sở đã triển khai Chương trình ra sao, thưa ông?

Nghiên cứu kỹ những thuận lợi, khó khăn tại địa bàn và chỉ đạo của cấp trên, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện nội dung này năm 2019, đồng thời thành lập tổ công tác tham mưu thực hiện chương trình OCOP cấp tỉnh…

Ngay từ đầu năm 2019, các huyện, TP tiến hành đăng ký sản phẩm tham gia chương trình năm 2019; Sở cũng rà soát, đánh giá sơ bộ các sản phẩm đăng ký tham gia để có kế hoạch tư vấn phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Tổ công tác tham mưu thực hiện chương trình OCOP của tỉnh thường xuyên bám sát địa bàn được phân công, trực tiếp tư vấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất từ việc xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, công bố chất lượng đến việc thay đổi mẫu mã, bao bì, nhãn mác hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, bảo hộ thương hiệu,... Đồng thời, chú trọng nắm bắt những vướng mắc trong quá trình triển khai tại cơ sở để tháo gỡ kịp thời.

Ông có thể thông tin một số kết quả cụ thể về Chương trình OCOP đến thời điểm hiện nay?

OCOP là một chương trình mới, thời gian chính thức triển khai từ tháng 7-2018 nhưng đã đạt được một số kết quả nổi bật. Tổng số sản phẩm đăng ký của các địa phương là 70. Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã xét chọn và phê duyệt 62 sản phẩm tham gia thuộc các nhóm: Thực phẩm, đồ uống, nội thất trang trí, thảo dược; lựa chọn hơn 30 sản phẩm điểm, đại diện cho các vùng để tư vấn hoàn thiện.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện tư vấn tại chỗ 35 sản phẩm điểm trên địa bàn các huyện, TP. Ví như huyện Yên Thế lựa chọn, phát triển chè xanh bản Ven, gà đồi Yên Thế, rượu men lá Lộc Sơn; huyện Sơn Động lựa chọn mật ong, nấm, rượu men lá; huyện Lục Ngạn lựa chọn sản phẩm mỳ Chũ, vải thiều, các sản phẩm cây ăn quả; huyện Lục Nam phát triển na, nhãn, chè hoa vàng; huyện Yên Dũng lựa chọn gạo thơm, tương Trí Yên; huyện Hiệp Hòa có trám đen Hoàng Vân, bánh chưng Vân; TP Bắc Giang chọn sản phẩm rượu, bún khô, bánh đa... 

Bên cạnh đó, website “Sản phẩm OCOP” tỉnh Bắc Giang (http://ocop.bgo.vn/) đã được hoàn thiện nhằm cung cấp các thông tin cần thiết về triển khai thực hiện chương trình OCOP. Trang website cũng giới thiệu nhiều mô hình hiệu quả, sản phẩm tiêu biểu đến thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, về cơ bản các sản phẩm được khảo sát, tư vấn điểm đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cần thiết theo yêu cầu bộ tiêu chí để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019. Dự kiến cấp huyện tổ chức đánh giá xong trước ngày 10-11-2019; cấp tỉnh xong trước ngày 15-12-2019.

{keywords}

Trám đen Hoàng Vân - sản phẩm OCOP của huyện Hiệp Hòa được người tiêu dùng

ưa chuộng.

Để sản phẩm OCOP vươn xa, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn, thời gian tới Bắc Giang sẽ tập trung vào biện pháp gì thưa ông?

Sản phẩm OCOP thể hiện sự lao động, sáng tạo cũng như tâm huyết của người dân nông thôn, đó là sự đặc trưng riêng của từng vùng. Do vậy, để sản phẩm hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân thì trước hết cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Tiếp đến là phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng theo hướng nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau, gắn với hình thức tổ chức sản xuất phù hợp.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm OCOP; cải tiến mẫu mã, bao bì nhãn mác sản phẩm theo hướng sáng tạo, ấn tượng, có bản sắc riêng làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho chủ thể sản xuất tham gia hội chợ triển lãm. Hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm bán hàng kết nối các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng với thị trường nội địa và thị trường toàn cầu.

Một yếu tố nữa là cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn có kiểm soát các hoạt động liên quan đến sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Tăng giá trị và sức cạnh tranh
(BGĐT) - Sau một năm thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, TP Bắc Giang đã đăng ký triển khai 13 ý tưởng. Đây là động lực làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm truyền thống tại mỗi địa phương. 
TP Bắc Giang nâng cao nhận thức về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
(BGĐT) - Ngày 15- 8, UBND TP Bắc Giang tổ chức hội nghị nâng cao nhận thức về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Phát triển mặt hàng đặc trưng vùng cao
(BGĐT) - Với những sản phẩm mang đặc trưng của vùng cao, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã xác định lộ trình để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong năm nay. Cách làm có nhiều nét riêng để đạt mục tiêu và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030
(BGĐT)- Ngày 10-12, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 tới đại diện một số sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, TP và một số xã cùng hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN) liên quan...

Trịnh Lan (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...