Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số: Kỳ 2- Bài học từ thực tiễn

Cập nhật: 09:29 ngày 23/10/2019
(BGĐT) - Có thể thấy, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh Bắc Giang rất đáng biểu dương, ghi nhận song vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở. Làm thế nào để dân hiểu, dân đồng thuận và thêm tin tưởng làm theo  nhiều hơn nữa là câu hỏi đặt ra với cấp ủy, chính quyền và người làm dân vận ở cơ sở.

Còn hạn chế, yếu kém

{keywords}

Cán bộ xã Khám Lạng (Lục Nam) chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa lay ơn. 

Quay trở lại huyện Yên Thế, dù sự việc xảy ra cách đây 3 năm song lãnh đạo xã Canh Nậu, Tam Tiến vẫn không quên những ngày “sóng gió” khi xây dựng đập Hồ Quỳnh. Con đập lớn ngăn lũ, dẫn nước tưới cho nhiều xã của huyện gồm: Tam Tiến, Canh Nậu, Đồng Tâm, Hồng Kỳ, Đồng Kỳ, Hồng Lạc. 

Theo đó, khi xây dựng đập, 70 ha đất canh tác của người dân và 7 hộ ở các xã Canh Nậu, Tam Tiến có thể bị ảnh hưởng khi GPMB. Do dân vận chưa tốt, bà con chưa rõ chính sách bồi thường cũng như lợi ích lớn khi đập xây xong nên hàng trăm người đồng loạt phản đối. Nhiều người dựng lều, bạt ngủ ở bờ sông Sỏi để ngăn cản thi công, thậm chí có cán bộ huyện khi đến làm việc bị phần tử quá khích chửi bới, hắt chất bẩn vào người.

Những lá đơn vượt cấp liên tiếp xuất hiện khiến nơi đây trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự (ANTT) của huyện. Trong bối cảnh đó, Huyện ủy Yên Thế chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tập trung làm dịu tình hình. 

“Có những hộ, chúng tôi đến nhà năm lần, bảy lượt giải thích, thậm chí thuyết phục ở hội trường thôn, xã không hiệu quả, lại thay đổi phương pháp như giao cho ban, ngành, đoàn thể hoặc đảng viên uy tín ở thôn gặp riêng trao đổi. Sau đó, vụ việc được giải quyết ổn thỏa, đây là bài học quý”, đồng chí Trần Thị Vượng, Trưởng Ban Dân vận - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện chia sẻ.

Nhìn rộng toàn tỉnh có thể thấy, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế, yếu kém. Một số nơi, việc quán triệt, thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước chưa kịp thời. Đời sống đồng bào DTTS tại các xã vùng cao còn khó khăn, một bộ phận trình độ dân trí thấp.

Không ít vụ việc chưa giải quyết thỏa đáng, thiếu kịp thời khiến bà con bức xúc. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò công tác dân vận. Trình độ, năng lực cán bộ làm công tác này ở cơ sở hạn chế, có nơi không đáp ứng yêu cầu. Phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, điều hành của chính quyền chậm đổi mới, có lúc chưa phù hợp với từng đối tượng, dân tộc, vùng, miền. 

Nhiều chủ trương đúng nhưng do cấp ủy, chính quyền cơ sở không vào cuộc mạnh mẽ sẽ không tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Câu chuyện xây dựng khu xử lý rác thải ở huyện Lục Ngạn là ví dụ. Năm 2016, UBND huyện quy hoạch xây dựng khu xử lý rác thải tập trung của huyện tại xã Biển Động, Tân Hoa, Thanh Hải và Phượng Sơn. 

Sau 3 năm, hiện chỉ có xã Thanh Hải xây được lò xử lý rác; ba xã còn lại không được bà con đồng tình. Nguyên nhân là do cán bộ, đảng viên ở đây chưa biết phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, vai trò công tác dân vận để vào cuộc. Cá biệt, có cán bộ, đảng viên còn xúi giục người dân thôn Vặt Phú (xã Tân Hoa) giữ xe của đoàn khảo sát xây dựng và xe chở rác của Công ty Môi trường đô thị huyện Lục Ngạn.

Hay như việc GPMB đường tỉnh 293 qua địa bàn các xã Lục Sơn, Bình Sơn, Trường Sơn, Vô Tranh (Lục Nam) liên quan đến gần 1 nghìn hộ dân. Nhiều gia đình không nhận tiền đền bù, đòi hỏi vượt quá quy định, có biểu hiện chống đối đến cùng. 

Đích thân Bí thư Huyện ủy Lục Nam Thân Văn Dàn phải đến tận nơi nắm tình hình, đưa ra quan điểm chỉ đạo; Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy và Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện xuống từng hộ giải thích, vận động kết hợp sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở, các hộ đã chấp nhận phương án bồi thường, không phải cưỡng chế. Dù được giải quyết ổn thỏa song để xảy ra tình trạng trên là chuyện không vui.

Để thuận lòng dân

{keywords}

Nhờ làm tốt công tác dân vận, hầu hết đường giao thông ở xã Xuân Lương (Yên Thế) được bê tông hóa.

Có thể khẳng định, “dân vận khéo” giải quyết việc khó ở vùng đồng bào DTTS thời gian qua là bài học sâu sắc với mỗi cấp ủy, chính quyền. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm sâu sát, biết phát huy vai trò công tác dân vận, phương pháp lãnh đạo linh hoạt, khoa học, ANTT nơi đó bảo đảm, KT-XH phát triển, niềm tin của bà con vào Đảng được nhân lên và ngược lại.

{keywords}

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân, xử lý, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Mặt khác, quan tâm củng cố hoạt động bộ máy chính quyền các cấp, làm tốt công tác dân vận gắn với giảm nghèo”.

Đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng, Bí thư Huyện ủy Sơn Động.

Theo đồng chí Nông Văn Tâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thế và đồng chí Hoàng Duy San, Trưởng Ban Dân vận - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sơn Động, muốn đồng bào tin, nghe và làm theo, trước hết chủ trương, chính sách của địa phương phải trúng, hợp lòng dân, đúng pháp luật. 

Cán bộ, lãnh đạo hiểu phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, bản sắc văn hóa… của mỗi dân tộc, vùng miền. Vì nếu không hiểu, không nắm chắc, dân vận sẽ khó thành công. Điều này lý giải không phải ngẫu nhiên hàng trăm hộ dân xã Bồng Am đã hiến hơn 30 nghìn m2 đất ở và canh tác trị giá gần 7 tỷ đồng để làm đường. 

Nhiều hộ hiến 3-4 nghìn m2, bà con cam kết không sử dụng thuốc trừ cỏ canh tác rừng ở khu vực rừng đầu nguồn quy mô 2 nghìn ha, tránh ô nhiễm nguồn nước. Xã Chiên Sơn đã loại bỏ hủ tục, lãng phí tồn tại từ bao đời trong đám hiếu. Hay như người dân xã Tân Lập (Lục Ngạn) mạnh dạn chuyển đổi 2 nghìn ha bạch đàn giống cũ sang giống mới, hiệu quả cao gấp 4 lần so với trước...

Trước yêu cầu đổi mới và làm tốt hơn nữa công tác dân vận ở vùng DTTS, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, đơn vị sẽ tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy một số giải pháp trọng tâm, trong đó tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 49 ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của đảng ở vùng đồng bào DTTS”; Nghị quyết số 110, ngày 11-7-2016 của Tỉnh ủy Bắc Giang về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay"... 

Cùng đó, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với xây dựng NTM và các phong trào thi đua yêu nước. Phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống dân vận trong tham mưu với cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình, điển hình. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở kiến thức về công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài vấn đề trên cần quan tâm đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của Đảng, cụ thể là đổi mới cách tuyên truyền, vận động nhân dân; đổi mới về thể chế, phong cách thực hiện công vụ của cán bộ, đảng viên theo phương châm “gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân nói”; thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát; cán bộ, đảng viên nêu gương làm tốt công tác dân vận. 

“Muốn dân vận tốt ở vùng đồng bào DTTS phải chọn đúng người, lựa chọn cán bộ am hiểu về pháp luật, phong tục, tập quán, có uy tín. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền nơi đó phải thực sự sát sao, mọi việc làm phải xuất phát vì lợi ích của đồng bào mới mang lại hiệu quả”, đồng chí Lê Xuân Thắng, Trưởng Ban Dân vận - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn đề xuất.

Công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số: Kỳ 1- Khéo vận động, dễ thành công
(BGĐT) - Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có vai trò vô cùng quan trọng góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng; phát triển KT-XH ở miền núi, vùng cao. Xác định rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua, nhiều địa phương của tỉnh Bắc Giang đã có những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả.  
Nâng cao chất lượng công tác dân vận của chính quyền
(BGĐT)-Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và 20 năm “Ngày dân vận của cả nước”, ngày 15-10, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức tọa đàm với nội dung nâng cao chất lượng công tác dân vận của chính quyền.
Hội thảo 70 năm Bác Hồ viết tác phẩm "Dân vận"
(BGĐT)- Ngày 14-10, Ban Dân vận T.Ư tổ chức hội thảo trực tuyến 70 năm tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải cuộc thi viết về tấm gương "Dân vận khéo" năm 2019.
Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang phát động Tháng Dân vận và biểu dương 89 điển hình dân vận khéo
(BGĐT) - Sáng 7-10, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức lễ phát động Tháng Dân vận (tháng 10) và biểu dương 89 điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. 

Minh Ngọc - Công Doanh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...