Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi: Bao vây ổ bệnh, giám sát chặt việc tái đàn

Cập nhật: 18:30 ngày 24/10/2019
(BGĐT) - Chiều 24-10, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP); triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch và định hướng phát triển chăn nuôi thời gian tới. 
{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cùng Giám đốc  Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị.

Các đồng chí: Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống DTLCP tỉnh; Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, TP và hơn 40 chủ hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. 

Ý thức người dân là mấu chốt

Tính đến nay, toàn tỉnh phải chôn hủy gần 280 nghìn con lợn. Sau gần 8 tháng chống dịch, số lượng lợn ốm chết buộc phải chôn hủy mỗi ngày đã giảm nhiều; gần 200 xã qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết. 

Có được kết quả trên, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các cấp còn do người dân vào cuộc tích cực. Các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sản xuất theo chuỗi liên kết được người dân ưu tiên áp dụng, góp phần thực hiện tốt trong phòng, chống bệnh DTLCP, điển hình như: Hợp tác xã Chăn nuôi hữu cơ Bình Minh, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) quy mô 350 lợn nái và 5.000 lợn thịt; trang trại Sang Thái chăn nuôi hơn 10 nghìn lợn nái, lợn thịt, xã Ngọc Châu (Tân Yên)... 

Thảo luận tại đây, một số đại biểu cho rằng, dù đạt được kết quả bước đầu song công tác phòng, chống DTLCP vẫn còn một số khó khăn. Đây là một loại bệnh mới, không có vắc xin tiêm phòng, vi rút lây bệnh phức tạp nên việc khống chế, dập tắt hoàn toàn dịch không dễ. Một số địa phương chưa bố trí kịp lực lượng để tiêu hủy, còn để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định. 

Các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng có thời điểm lúng túng trong phòng, chống dịch. Về phía người dân cũng có hộ không chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ đàn lợn; vứt xác lợn ra ngoài môi trường khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng. 

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu khẳng định yếu tố mấu chốt trong phòng, chống dịch là người dân phải nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của mình. Cùng với giải pháp trên, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cũng cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; chỉ đạo kịp thời, đầy đủ, chính xác và phù hợp với tình hình thực tế. 

Ông Nguyễn Viết Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, do chủ động tham mưu, ban hành các văn bản kịp thời theo từng thời điểm nên DTLCP xuất hiện tại Bắc Giang muộn hơn gần 2 tháng so với một số tỉnh lân cận.

{keywords}

Trang trại chăn nuôi lợn thịt của hộ anh Đỗ Xuân Vân, xã Nghĩa Trung (Việt Yên).

Nhân dịp này, một số đại biểu kiến nghị sớm phân bổ, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh đến hộ có lợn bị chết do DTLCP.

Chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn hợp lý

Trên cơ sở thảo luận của các đại biểu, kết luận hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, hiện nay, DTLCP tại tỉnh bước đầu được khống chế, chỉ còn xuất hiện nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ nay đến trước Tết Nguyên Đán, nguy cơ cao dịch bệnh bùng phát trở lại, do vậy cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp. Trước hết, khuyến cáo người dân tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, chăn nuôi an toàn sinh học. 

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái kết luận tại hội nghị.

Triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng để chủ động kiểm soát và khống chế dịch bệnh. Chỉ tái đàn đối với cơ sở đủ điều kiện. Cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện tái đàn thì khuyến khích chuyển đổi sang các loại gia súc, gia cầm... để duy trì và ổn định sinh kế. Biện pháp này vừa giúp người dân có thu nhập, vừa đa dạng nguồn cung.

Tại các xã có DTLCP chưa qua 30 ngày thì không được tái đàn trong vùng dịch. Xã có dịch đã qua 30 ngày: Đối với trang trại chưa bị dịch thì được phép tái đàn 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở; còn trang trại đã bị dịch thì được phép tái đàn khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở, sau khi tái đàn được 30 ngày không phát bệnh mới tăng số lượng lên đến 100% tổng số lợn nuôi tại cơ sở. 

Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT

Về trách nhiệm trong việc tái đàn, đồng chí nêu rõ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và mạng lưới thú y, khuyến nông cơ sở cần sát sao, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đầy đủ các điều kiện cần thiết.

Đồng chí chỉ đạo các huyện, TP, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như hoạt động vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, thức ăn chăn nuôi. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại quan tâm tạo điều kiện khoanh, giãn nợ cũng như hỗ trợ vay vốn để hộ chăn nuôi có thể tái đàn. 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc với các công ty cung ứng giống để có nguồn giống bảo đảm cung cấp đến hộ chăn nuôi.  

Về một số kiến nghị, đồng chí giao cho cơ quan chuyên môn tiếp thu, khẩn trương triển khai. Tuyệt đối, không để xảy ra tiêu cực trong hỗ trợ kinh phí đối với người dân bị thiệt hại do dịch. Nếu nhận được phản ánh các cơ quan liên quan, chính quyền các địa phương cần xác minh, xử lý ngay.

Gần 300 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi
(BGĐT)- Nhằm giúp người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi có điều kiện khôi phục sản xuất, khắc phục khó khăn, T.Ư, tỉnh Bắc Giang đã trích kinh phí từ nguồn ngân sách để hỗ trợ.
Bắc Giang xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn: Kiểm soát dịch bệnh, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm
(BGĐT) - Hằng năm, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện rải rác ổ bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Newcastle (trên gà); lở mồm long móng (LMLM), dịch tả lợn (trên lợn)… gây thiệt hại và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Hiện cơ quan chuyên môn đang triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (gọi tắt là cơ sở chăn nuôi an toàn) để chủ động ứng phó và thu được kết quả bước đầu.
Phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang): Khu dân cư ô nhiễm vì chăn nuôi lợn
(BGĐT) - Gần đây, nhiều người dân tổ dân phố Phú Mỹ 2, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang phản ánh hộ anh Đậu Văn Thủy chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường.
Trịnh Lan
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...