Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát triển giao thông nông thôn - Từ chủ trương đến hiện thực: Kỳ 1- Đường làng thay áo mới

Cập nhật: 09:07 ngày 11/11/2019
(BGĐT) - Tháng 7 - 2017, HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết (NQ) số 07/2017/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, liên thôn và nội đồng gắn với giao thông liên thôn giai đoạn 2017-2021. 

Sau gần một năm thực hiện, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành NQ số 06/2018/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số nội dung của NQ số 07 và điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 2017-2019. NQ như luồng gió mới, khích lệ nhân dân khắp nơi góp công, góp sức, hiến đất cứng hóa đường làng ngõ xóm, tạo nên sức sống mới cho bức tranh thôn quê.

Đồng thuận cao

Trước đây, tỉnh đã có một số cơ chế, chính sách khuyến khích người dân cứng hóa đường giao thông nông thôn (GTNT). Thế nhưng, NQ lần này có mức hỗ trợ lớn, phạm vi áp dụng rộng, ví như những thôn, bản cứng hóa đường được hỗ trợ 100% xi măng. Riêng thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và các thôn, bản thuộc xã ĐBKK, ngoài được hỗ trợ xi - măng như trên, mỗi km đường cứng hóa còn được tỉnh hỗ trợ thêm 100 triệu đồng. 

{keywords}

Cứng hóa đường giao thông ở xã Trí Yên (Yên Dũng).

Các huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận, vận chuyển xi măng từ đơn vị cung cấp đến công trình và cấp trực tiếp cho các thôn, bản. NQ cũng nêu rõ, tỉnh khuyến khích các huyện bố trí thêm kinh phí hỗ trợ cứng hóa đường GTNT.

Nhận thức rõ ý nghĩa từ NQ này, các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng đã làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền về mục đích của việc cứng hóa và mở rộng đường GTNT. Qua đó, khơi dậy được sức dân, tạo sự lan tỏa cho phong trào ở khắp các làng quê trong tỉnh. 

Ông Hoàng Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Khi mới triển khai NQ, người dân chưa mạnh dạn đăng ký thực hiện nên tiến độ cứng hóa đạt thấp. Sở nhiều lần làm việc và đề nghị các huyện, TP tập trung chỉ đạo, đa dạng cách thức tuyên truyền, vận động bà con góp tiền, hiến đất, ngày công; xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ để tăng nguồn lực cho chương trình. Đồng thời, liên tục kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn đối với các huyện, TP về nhiệm vụ này”.

Yên Thế và Lục Ngạn là hai huyện miền núi với tổng chiều dài các tuyến đường GTNT cần cứng hóa lớn. Khi triển khai NQ của HĐND tỉnh, hai địa phương đã họp tất cả lãnh đạo các xã, thị trấn để phổ biến nội dung NQ. Huyện ủy, UBND huyện luôn quán triệt, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo thực hiện, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ cứng hóa đường GTNT đã đăng ký. Ban Thường vụ Huyện ủy còn thành lập tổ công tác để giám sát, đôn đốc kết quả thực hiện của các đơn vị.

Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho rằng, để khuyến khích các thôn, bản, khu phố làm đường GTNT, ngoài hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, huyện bố trí ngân sách hỗ trợ thêm 150 triệu đồng/km cho các thôn, bản ĐBKK. Mỗi tháng, huyện tổ chức giao ban trực tuyến với các xã, thị trấn để kiểm điểm kết quả thực hiện, kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn. 

Huyện giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng xây dựng thiết kế mẫu điển hình để hướng dẫn các thôn áp dụng nhằm giảm chi phí đầu tư. Bằng cách làm trên, các xã trong huyện đã huy động được sức dân, tạo sự đồng thuận cao trong cách làm. 

Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng bản Hom, xã Tam Hiệp (Yên Thế) chia sẻ, sau khi tuyên truyền, vận động, hộ nào chưa thông, lãnh đạo bản cùng đại diện các tổ chức đoàn thể đến từng nhà vận động, thuyết phục. Gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc góp tiền, hiến đất làm đường. Nhờ vậy, hai năm qua, bà con ở bản Hom đã góp hàng trăm triệu đồng và tháo dỡ nhiều công trình tường rào, hiến đất cứng hóa đường trong bản.

Tổng kinh phí đầu tư thực hiện cứng hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2017 đến nay là hơn 2,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ khoảng 750 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện, xã hỗ trợ 600 tỷ đồng, còn lại là người dân đóng góp tiền, hiến đất, ngày công trị giá gần 1 nghìn tỷ đồng.

Tìm hiểu tại huyện Lục Ngạn, được biết, trước khi cứng hóa đường GTNT, các thôn đều thực hiện phương châm, người dân tự bàn bạc, tự thi công, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình. Huyện bố trí ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng/km đối với các tuyến đường thôn; riêng đối với đường thôn thuộc thôn, xã ĐBKK là 150 triệu đồng/km. 

Kết quả, từ năm 2017 đến nay, người dân Lục Ngạn đã đóng góp khoảng 300 tỷ đồng, hiến hơn 78 nghìn m2 đất, phá dỡ 460 m tường rào, tự nguyện chặt bỏ hàng nghìn cây ăn quả các loại để mở rộng, cứng hóa đường GTNT.

Cũng như ở huyện Lục Ngạn, Yên Thế, người dân ở các địa phương khác như Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Nam… đã tích cực góp công, góp sức cứng hóa đường làng. Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, ngoài vận động bà con góp tiền, các xã đều phát động phong trào hiến đất với phương châm đường mở đến đâu, hộ dân nhường đất vườn, đất thổ cư đến đó.

Nhiều huyện đã ưu tiên kinh phí khuyến khích bà con mở rộng các tuyến đường. Huyện Lạng Giang hỗ trợ thêm 100 triệu đồng/km đối với những tuyến đường bề mặt rộng từ 3,5-4 m; 200 triệu đồng/km đối với tuyến đường bề mặt rộng từ 4,5 m trở lên. Huyện Yên Dũng hỗ trợ 20% giá trị công trình đối với các tuyến có nền đường đất nay cứng hóa mới; hỗ trợ 100% cát, đá đối với các công trình cải tạo, nâng cấp. Huyện Sơn Động hỗ trợ 200 triệu đồng/km đối với tất cả các loại đường…

Cứng hóa hàng nghìn km đường

Giờ đây, về các vùng nông thôn từ các huyện miền xuôi tới miền núi, nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm nhỏ hẹp, trơn trượt, thậm chí là đường đất nhiều ổ voi, ổ gà ngày nào giờ được thay bằng đường bê tông phong quang, rộng rãi. Ông Nguyễn Thành Phần, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Dũng (Yên Dũng) cho biết, hiểu rõ ý nghĩa của việc cứng hóa đường giao thông không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi mà còn thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển nên kể từ khi thực hiện NQ đến nay, toàn xã đã cứng hóa, mở rộng được 47 km đường trục thôn, nội đồng, trong đó, riêng năm nay cứng hóa hơn 30 km, vượt kế hoạch được giao.

{keywords}

Thôn Hà (sau sáp nhập là thôn Vĩnh An), xã Song Mai (TP Bắc Giang) được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã cứng hóa 100% đường làng, ngõ xóm và đường nội đồng.

Phong trào cứng hóa đường GTNT ở các xã Đức Giang, Cảnh Thụy, Nham Sơn, Lãng Sơn… cũng lan tỏa mạnh mẽ. Ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết, sau gần 3 năm thực hiện, toàn huyện cứng hóa gần 430 km đường GTNT, nâng tổng số km đường toàn huyện được cứng hóa lên hơn 820 km. Huyện phấn đấu hết năm nay, cứng hóa thêm 30 km đường GTNT. 

Mới đây, Yên Dũng là một trong 3 huyện trong toàn quốc được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020.

Không chỉ huyện miền xuôi, các huyện miền núi như Lục Ngạn, Yên Thế cũng tích cực cứng hóa đường làng. Trước đây, đường làng ở thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Thế nhưng những ngày này về thôn Giành Cũ, nhiều tuyến đường được đổ bê tông kiên cố.

Cùng chúng tôi đi trên tuyến đường vừa hoàn thành, ông Bằng Văn Năm, Trưởng thôn chia sẻ, trước đây nhiều tuyến đường trong thôn chỉ rộng hơn 2 m, trơn trượt, đi lại khó khăn. Mỗi khi vào mùa thu hoạch, người dân chuyên chở nông sản rất vất vả. Xác định việc làm đường trước tiên giúp lưu thông thuận lợi, đồng thời tiêu thụ hàng hóa dễ dàng nên hai năm qua bà con trong thôn đã góp hàng trăm triệu đồng và tháo dỡ nhiều công trình tường rào, hiến đất cứng hóa khoảng 4 km đường, chiều rộng mặt đường các tuyến đều rộng 3,5- 4 m. 

Theo Chủ tịch UBND xã Quý Sơn Lê Thành Đồng, sau gần 3 năm thực hiện NQ của HĐND tỉnh, đến nay toàn xã đã cứng hóa hơn 110 km đường trục thôn, ngõ xóm. Thời điểm này, các thôn đang tập trung cứng hóa 10 km đường còn lại theo kế hoạch, phấn đấu xong trong tháng 11 năm nay. Không chỉ xã Quý Sơn, tất cả các xã trong huyện đều đồng loạt cứng hóa, mở rộng đường trục thôn, liên thôn và ngõ xóm.

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, sau gần 3 năm thực hiện NQ số 07 và 06 của HĐND tỉnh, đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cứng hóa hơn 4 nghìn km đường GTNT, trong đó chủ yếu là đường thôn xóm, nâng tỷ lệ cứng hóa loại đường này lên 78%, vượt khoảng 18% so với mục tiêu NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020. 

Các tuyến đường đều đạt tiêu chuẩn mặt đường bê tông rộng từ 3,5 m trở lên. Số km còn lại đang được các địa phương dồn lực hoàn thành trong năm nay. Một số huyện có khối lượng thực hiện vượt hơn 100% kế hoạch ban đầu được giao như: Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Dũng, Yên Thế...

(Còn nữa)

Cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt 85% kế hoạch
(BGĐT)- Thống kê của UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang), tính đến thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn đã cứng hóa được 306 km đường giao thông nông thôn, đạt 85% kế hoạch năm.
Yên Dũng: Tập trung cao “cứng hóa” đường giao thông nông thôn
(BGĐT)-Ngày 21-8, UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn theo nghị quyết số 07 và nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh Bắc Giang trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. 
Làm đường giao thông nông thôn ở Lục Ngạn: Khi nghị quyết đi vào lòng dân
(BGĐT)- Vượt qua những trở ngại, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã ban hành nghị quyết sát thực, có cách làm sáng tạo, huy động được sức mạnh tổng hợp, đưa địa phương dẫn đầu về làm đường giao thông nông thôn (GTNT) trong tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn
(BGĐT) - Ngày 30-3, Sở Giao thông-Vận tải tổ chức tập huấn công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân cứng hóa đường giao thông nông thôn
(BGĐT) - Ngày 9-12, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết 06/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2019.
Cứng hóa đường giao thông nông thôn: Sức mạnh từ nội lực
(BGĐT)- Với nhận thức cứng hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) là cơ hội để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, người dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã chung sức thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều tuyến đường đã được mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Thành Nam - Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...