Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát triển giao thông nông thôn - Từ chủ trương đến hiện thực: Kỳ 2- Hiệu quả hơn cả mong đợi

Cập nhật: 08:57 ngày 12/11/2019
(BGĐT) - Từ “cú hích” của tỉnh thông qua hỗ trợ toàn bộ xi - măng làm đường, gần 3 năm qua, hàng nghìn km đường giao thông nông thôn (GTNT) ở khắp các vùng quê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được đổ bê tông phẳng phiu. Qua đây tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi địa phương và là tiền đề quan trọng để nhân lên những phong trào khác.

Thúc đẩy sự phát triển

Khảo sát thực tế tại các xã: Tiến Dũng, Tư Mại và Đức Giang (Yên Dũng) được biết, kể từ khi đường trục thôn, nội đồng được cứng hóa, Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng đầu tư hàng tỷ đồng mở rộng diện tích sản xuất các loại cây trồng theo công nghệ cao, quy mô 60 ha như: Dưa lưới, dưa chuột, rau cải, cà chua… 

{keywords}

Đường thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) được cứng hóa, mở rộng.

Ông Trần Trọng Tùng, Giám đốc HTX cho biết: Sản phẩm rau của HTX chủ yếu xuất bán cho các siêu thị lớn tại Hà Nội. Trước đây, đường nhỏ hẹp, xuống cấp, mỗi khi thu hoạch hàng hóa, HTX phải vận chuyển bằng xe nhỏ nhiều đợt mới đưa được đến điểm tập kết, chi phí khá tốn kém. Hơn một năm nay, đường được cứng hóa, mở rộng, xe đông lạnh đến tận ruộng vận chuyển rau. Nhờ đó HTX giảm được hàng trăm triệu đồng chi phí công lao động, cước vận chuyển so với trước. Doanh thu của đơn vị hai năm trở lại đây đạt khá cao, từ 20-22 tỷ đồng/năm.

Tại huyện Tân Yên, các tuyến đường GTNT được mở rộng, cứng hóa cũng giúp nhiều doanh nghiệp thuận lợi trong việc liên kết sản xuất, thu mua nông sản cho người dân. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành gần 110 vùng sản xuất nông sản tập trung ở các xã: Ngọc Thiện, Lam Cốt, Phúc Sơn, Tân Trung, Quế Nham, Ngọc Châu, Quang Tiến và Liên Sơn với các mô hình trồng dưa chuột, bí ngô, rau ăn lá các loại… 

Điển hình là xã Tân Trung - địa phương có nhiều vùng sản xuất nông sản quy mô lớn của huyện. Ở hai cánh đồng liền kề là Cửa Đình và Dốc Kho thuộc thôn Đình Hả rộng chừng 8 ha, bà con sản xuất dưa chuột bao tử xuất khẩu, dưa chuột Nhật rồi đến ngô ngọt hoặc trồng ớt và rau ăn lá các loại. 

Theo ông Giáp Văn Bổng, thôn Đình Hả, do đường giao thông qua cánh đồng được đổ bê tông, việc vận chuyển phân bón, chăm sóc cây trồng thuận lợi hơn. Gia đình ông liên kết với doanh nghiệp trồng mỗi năm 2 vụ dưa, một vụ ngô ngọt trên diện tích gần 3 sào dưa bao tử, thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Dưa chuột Nhật và ngô ngọt thu lãi từ 5-9 triệu đồng/sào/vụ”.

Về thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) vào thời điểm này, do đường trục thôn được mở rộng, cứng hóa nên vụ thu hoạch cam, bưởi năm nay ô tô cỡ lớn của thương nhân từ khắp các tỉnh, TP trong cả nước về tận vườn thu mua cho bà con, cao điểm có đến 3-4 container chở cam đi tiêu thụ. Việc tiêu thụ cam, bưởi thuận lợi đã giúp người dân tăng thu nhập. Theo lãnh đạo thôn Đồng Quýt, thôn có khoảng 250 hộ thì có tới 220 hộ có thu nhập 500 triệu đồng trở lên/năm từ trồng cam, bưởi.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin: Hiện toàn tỉnh có hơn 160 cánh đồng mẫu sản xuất hàng hóa tập trung, chưa kể vùng cây ăn quả, thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Việc cứng hóa, mở rộng đường GTNT theo nghị quyết của HĐND tỉnh được triển khai đồng bộ ở các địa phương đã mang lại lợi ích kép cho người dân.

Theo Sở Giao thông - Vận tải, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có gần 11 nghìn km, trong đó đường thôn xóm hơn 7 nghìn km, đường nội đồng và đường chuyên dùng ở các khu công nghiệp hơn 2,9 nghìn km. Năm 2015, toàn tỉnh mới cứng hóa được gần 48% đường thôn xóm, nhưng đến nay đã đạt 78%, vượt 18% so với mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020.

“Ngoài giúp người dân đi lại dễ dàng, tại các vùng sản xuất, mỗi khi vào vụ thu hoạch, bà con được thương nhân về tận ruộng thu mua nông sản, giảm đáng kể công sức, thời gian và chi phí vận chuyển, tránh được tình trạng hàng hóa sản xuất ra không có người thu mua vì khâu vận chuyển gặp khó khăn”, ông Tùng nói.

Tiếp tục duy trì phong trào

Việc tổ chức cứng hóa đường GTNT theo nghị quyết của HĐND tỉnh đã góp phần giúp các xã từng bước hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Được biết, đến nay toàn tỉnh có 102 xã được công nhận đạt chuẩn với 19/19 tiêu chí hoàn thành theo bộ tiêu chí quốc gia. Trong đó riêng chỉ tiêu cứng hóa đường trục thôn của các xã này đều đạt từ 70% trở lên. Đó là chưa kể trong tỉnh còn hàng chục xã khác tuy chưa về đích xây dựng nông thôn mới nhưng đều đã hoàn thành, thậm chí vượt chỉ tiêu này.

Theo đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, việc triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh đã thu được kết quả rất cao, vượt gấp đôi so với kế hoạch ban đầu đề ra. Qua đây cho thấy, nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đối với chương trình này, tỉnh sẽ kết thúc vào năm 2019. Bởi vì thời gian tới, tỉnh cũng cần dành nguồn lực lớn để đầu tư cho các nhiệm vụ quan trọng khác như xây dựng khu đô thị, khu cụm công nghiệp và các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh, huyện và nhiều hạng mục công trình khác… Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư lĩnh vực cứng hóa đường GTNT nhưng xem xét hỗ trợ ở giai đoạn sau, có thể là năm 2021-2025.

{keywords}

Đường giao thông được cứng hóa giúp người dân xã Đồng Việt (Yên Dũng) vận chuyển dưa hấu đi tiêu thụ thuận lợi.

Kết quả cứng hóa đường GTNT sau gần 3 năm thực hiện nghị quyết của HĐNĐ tỉnh đã được khẳng định. Thế nhưng, theo Sở Giao thông- Vận tải, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1,5 nghìn km đường thôn xóm chưa được cứng hóa, mở rộng đạt tiêu chuẩn từ 3,5m trở lên. Hầu hết các tuyến đường chưa được cứng hóa đều nhỏ hẹp, xuống cấp, tập trung ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Trong khi đó nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ xi- măng cho bà con cứng hóa đường chỉ thực hiện hết năm nay.

Thực tế, nhu cầu cứng hóa đường GTNT ở các địa phương vẫn còn cao, nhất là ở những huyện miền núi, vùng cao. Ông Nguyễn Quang Ngạn, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: “Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, điều kiện kinh tế của hộ dân còn nhiều thiếu thốn, hơn nữa các hộ sinh sống phân tán, nhỏ lẻ. Nếu tiến hành cứng hóa đường GTNT thì tỷ lệ phải đóng góp kinh phí của người dân sẽ cao hơn nhiều so với những huyện khác trong tỉnh. Vì thế nếu không có hỗ trợ của Nhà nước thì địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục cứng hóa đường GTNT”. 

Cũng theo ông Ngạn, hiện toàn huyện vẫn còn khoảng 169 km đường trục thôn, liên thôn là đường đất đi lại rất khó khăn, chiếm 42% trong tổng số km đường thôn, trục thôn. Trước thực trạng trên, huyện mong muốn tới đây, tỉnh xem xét tiếp tục có cơ chế đặc thù hỗ trợ riêng cho các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Để tiếp tục duy trì phong trào cứng hóa đường GTNT, thiết nghĩ, từ kinh nghiệm qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư xây dựng. Đồng thời huy động sức dân bằng cách vận động các hộ góp tiền, ngày công để chung sức làm đường.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn tăng nguồn lực đầu tư cứng hóa đường GTNT trong những năm tới, các huyện nên xem xét lồng ghép vốn của các chương trình mục tiêu, ưu tiên vốn xây dựng nông thôn mới để thực hiện tiêu chí giao thông. Mặt khác, từ cấp huyện đến xã cũng cần dành một phần ngân sách để hỗ trợ xi- măng, tạo “cú hích”, thúc đẩy người dân tích cực tham gia phong trào. 

Một vấn đề không kém phần quan trọng, sau khi các tuyến đường được đổ bê tông phẳng phiu, các địa phương, nhất là người dân tại mỗi thôn, xóm cần nâng cao ý thức chung tay bảo vệ; thường xuyên tổ chức duy tu, bảo dưỡng, nâng cao tuổi thọ công trình.

Có thể nói, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ xi-măng cứng hóa đường GTNT đã đạt kết quả to lớn, hơn cả mong đợi. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý để các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc đưa ra những chủ trương, chính sách hợp lòng dân, từ đó tạo ra nhiều phong trào khơi dậy sức dân cùng đồng thuận tự nguyện đóng góp tiền bạc, công sức xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Phát triển giao thông nông thôn - Từ chủ trương đến hiện thực: Kỳ 1- Đường làng thay áo mới
(BGĐT) - Tháng 7 - 2017, HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết (NQ) số 07/2017/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, liên thôn và nội đồng gắn với giao thông liên thôn giai đoạn 2017-2021. 
Cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt 85% kế hoạch
(BGĐT)- Thống kê của UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang), tính đến thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn đã cứng hóa được 306 km đường giao thông nông thôn, đạt 85% kế hoạch năm.
Yên Dũng: Tập trung cao “cứng hóa” đường giao thông nông thôn
(BGĐT)-Ngày 21-8, UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tổ chức hội nghị kiểm điểm tiến độ thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn theo nghị quyết số 07 và nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh Bắc Giang trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. 
Làm đường giao thông nông thôn ở Lục Ngạn: Khi nghị quyết đi vào lòng dân
(BGĐT)- Vượt qua những trở ngại, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã ban hành nghị quyết sát thực, có cách làm sáng tạo, huy động được sức mạnh tổng hợp, đưa địa phương dẫn đầu về làm đường giao thông nông thôn (GTNT) trong tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân cứng hóa đường giao thông nông thôn
(BGĐT) - Ngày 9-12, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết 06/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2019.

Thành Nam- Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...