Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mất an toàn lưới điện: Nguy cơ từ thú chơi diều

Cập nhật: 14:58 ngày 14/11/2019
(BGĐT) - Từ thú vui dân dã, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay, việc thả diều đã trở thành mối đe dọa thường trực đối với ngành điện, thậm chí ảnh hưởng an toàn bay của ngành hàng không. Những con diều to, dài nhiều mét được thả lên trời cả ngày lẫn đêm, khi bị đứt dây, đảo gió, vướng vào lưới điện là gây ra sự cố diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Thú vui nguy hiểm

Cánh đồng thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) nằm ven bờ sông Cầu là trọng điểm của hệ thống điện với các đường dây 500 kV, 220 kV, 22 kV… Nếu xảy ra sự cố thì không chỉ huyện Hiệp Hòa mà một phần tỉnh Bắc Giang và nhiều tỉnh khác cũng bị ảnh hưởng. Ấy vậy mà nơi đây lại là “sân chơi” yêu thích của những người thả diều trong thôn.

{keywords}

Công ty Điện lực Bắc Giang sửa chữa lưới điện bị hỏng do thả diều gây ra tại thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

Có mặt cùng đội sửa chữa điện nóng (hotline) của Điện lực Bắc Giang ở thôn Đa Hội khi các cán bộ, công nhân đang chạy đua với thời gian để khắc phục sự cố do dây diều vướng vào đường điện, chúng tôi chứng kiến nhiều cánh diều khác vẫn ngang nhiên được thả lên. 

Một thanh niên với đôi cánh tay vằn vện hình xăm, đang đâm diều lên đón gió, nhất định không cho biết tên, nói nhát gừng: “Diều của tôi dài khoảng 3 m, có gắn sáo, nếu thả hết dây thì lên cao được 600-700 m. Ở thôn này có hàng chục người chơi diều nhưng cái diều vướng vào dây điện thì tôi không biết của ai”.

Đang tìm hiểu thêm thông tin, điện thoại của ông Lại Xuân Phượng, Giám đốc Điện lực Hiệp Hòa lại réo chuông, khách hàng thông báo xảy ra sự cố cháy nổ trên dây điện ở thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm. Lập tức chúng tôi đến hiện trường, trên đường dây 22 kV vẫn đang lủng lẳng chiếc diều dài gần 4 m, cháy nham nhở một phần, dây diều lòng thòng vắt qua đường điện, đe dọa nghiêm trọng an toàn. Sau khi cắt dây diều, tiêu hủy tại chỗ, các công nhân điện lực buộc phải dùng lửa để đốt những búi dây còn lại vẫn đang mắc trên dây điện.

Chỉ cách đó vài thửa rộng, một người tự giới thiệu tên là Nguyễn Văn Nam ở thôn Xuân Biều đang hối hả thu dây hai con diều được thả ngay phía trên đường điện. Ông Nam nói với vẻ tự hào: “Tôi chơi diều từ bé đến nay, chưa bao giờ làm vướng vào dây điện. Lúc nãy, khi biết có diều mắc, gây cháy, tôi vội bỏ ngang buổi phụ hồ, chân tay còn đầy xi-măng, vôi vữa đây này để ra thu diều về”.

Được biết, từ lâu, thả diều đã là “đặc sản” ở Hiệp Hòa, các xã có nhiều diều là Hương Lâm, Xuân Cẩm, Hợp Thịnh, Mai Trung… Diều thường được mang ra thả vào buổi chiều, ngày nghỉ cuối tuần, thậm chí cả khi trời mưa, ban đêm. Kỷ lục có những cánh diều to đến 6-7 m, ống sáo có đường kính 20-30 cm, có gắn đèn Led để nhấp nháy khi trời tối. Thú vui này thực sự nguy hiểm, nếu diều làm mất điện sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn doanh nghiệp đang sản xuất, trường học, bệnh viện đang hoạt động cũng như đời sống, sinh hoạt của hàng vạn gia đình.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 13 lần xảy ra sự cố lưới điện do diều hoặc dây diều mắc vào đường dây điện. Riêng khu vực huyện Hiệp Hòa xảy ra 9 lần, trong đó có hai lần gây sự cố và đe dọa sự cố đường dây 110 kV làm mất điện trên diện rộng.

Chưa có biện pháp xử lý dứt điểm

Theo thống kê của Công ty Điện lực Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 13 lần xảy ra sự cố lưới điện do diều hoặc dây diều mắc vào đường dây điện. Riêng khu vực huyện Hiệp Hòa có đến 9 lần, trong đó có hai lần gây sự cố và đe dọa sự cố đường dây 110 kV, làm mất điện trên diện rộng.

Tình trạng đáng báo động như vậy nhưng không một trường hợp nào bị xử lý, chưa cá nhân, đối tượng nào bị xử phạt. Theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, hành vi thả diều gây ra sự cố lưới điện có thể bị phạt từ 1 đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, để xử phạt được không đơn giản, các đối tượng thả diều không bao giờ nhận diều của mình khi mắc vào dây điện, mặt khác diều không được đăng ký, xác nhận sở hữu.

{keywords}

Một chiếc diều mắc vào dây điện tại xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa).

Quan trọng hơn cả là chính quyền các địa phương ở huyện Hiệp Hòa chưa nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng này. Tất cả những biện pháp mà huyện và các xã, thị trấn, cơ quan chức năng thực hiện trong thời gian qua là tuyên truyền, phổ biến chung chung, thiếu kiên quyết tìm ra thủ phạm, xử lý thích đáng.

Sau mỗi lần sự cố do thả diều, Điện lực Hiệp Hòa đều báo cáo Công ty Điện lực Bắc Giang và UBND huyện Hiệp Hòa. Thường xuyên phối hợp với Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện tổ chức tuyên truyền song tất cả chỉ như “nước đổ lá khoai”. Hằng ngày diều cứ bay lên và thỉnh thoảng dây điện lại bị chập cháy, đứt rơi xuống!

Nhằm bảo đảm vận hành an toàn đường dây cao áp, cấp điện ổn định cho các phụ tải quan trọng và người dân, tránh các sự cố đáng tiếc có thể gây thiệt hại cho người và tài sản, ông Đỗ Bình Dương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết, Công ty đã đề nghị UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ mức độ nguy hiểm, không thả diều gần công trình lưới điện cao áp. 

Đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, phối hợp cùng ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng điện an toàn, liên tục, phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Cảnh báo tình trạng thả diều gây mất an toàn điện
(BGĐT) - Ngày 25-9, một số người dân ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) thả diều với kích thước lớn vướng vào dây điện cao thế gây ra sự cố, mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.
Khắc phục sự cố điện do thả diều
(BGĐT)-Khoảng 19 giờ ngày 17-2, một số khu vực ở TP Bắc Giang bị mất điện đột ngột. Qua xác minh cho thấy đường điện cao thế đi qua khu dân cư số 3 gặp sự cố do dây thả diều vướng vào. 
Cây xanh đe dọa an toàn lưới điện
(BGĐT) - Hàng năm, vào mùa mưa bão, Điện lực TP Bắc Giang thường phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang tỉa cành cây để bảo đảm an toàn lưới điện. Tuy nhiên, theo đơn vị này, trong quá trình thực hiện, có một số gia đình cố tình cản trở, không cho lực lượng chức năng cắt bỏ cây hoặc cành vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Quốc Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...