Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỳ 2: Hỗ trợ thực chất, ngăn ngừa sai phạm

Cập nhật: 09:15 ngày 13/12/2019
(BGĐT) - Mặc dù mang ý nghĩa to lớn, giúp cải thiện đời sống người dân, thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững song trên thực tế vẫn có mô hình, dự án thiếu hiệu quả. Để phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, việc triển khai các chương trình giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cần được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp hơn.

Nhận diện những hạn chế

Nhằm cung cấp cho người dân vùng cao huyện Sơn Động (Bắc Giang) thêm một loại cây trồng mới với kỳ vọng phủ xanh những diện tích phân tán, không trồng được rừng tập trung, góp phần mang lại thu nhập, cuối năm 2018, hàng vạn cây giống tre mai đã được cấp cho hơn 1,1 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và vừa thoát nghèo ở các xã, thị trấn trong huyện song quá trình thực hiện bộc lộ nhiều bất cập. 

{keywords}

Từ trồng chè, nhiều hộ dân ở bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) có thu nhập ổn định và đã thoát nghèo.

Đây là một tiểu dự án thuộc Chương trình 30a có giá trị lên đến 2,5 tỷ đồng do Hạt Kiểm lâm huyện thực hiện. Qua phản ánh của người dân, chất lượng giống cây tại một số nơi chưa bảo đảm.

Ông Cam Mai Thơm, dân tộc Tày, thôn Đông Hà, xã Thanh Luận là một trong những hộ được nhận giống tre mai. Sau khi nhận giống, ông trồng rải rác ở khu vực ven suối, khe nước trên diện tích rừng của gia đình song tỷ lệ sống không cao. 

“Nhiều cây lúc giao cho người dân đã bị vỡ bầu, lộ ra cây không có hoặc có rất ít rễ. Hơn nữa, thời điểm nhận cây để trồng không phù hợp. Kinh nghiệm dân gian là phải trồng các loại tre vào cuối mùa xuân, đầu hè vì đây là loại cây ưa nước nhưng đến cuối năm 2018, chúng tôi mới được nhận cây giống. Vì thế, nhiều hộ sau khi trồng chỉ có khoảng 50% cây sống được”, ông Thơm nói.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài cấp cây giống, dự án còn hỗ trợ gần 26 tấn phân bón cho những gia đình tham gia. Phía đơn vị thực hiện lý giải, do quá trình vận chuyển xa, nhiều khu vực đường giao thông xuống cấp, xe bị rung xóc nên có hiện tượng cây bị vỡ bầu. 

Mặt khác, Chương trình 30a đòi hỏi nhiều thủ tục, giải ngân chậm khiến việc cấp cây giống không đúng thời vụ. Hạt Kiểm lâm huyện đã kiểm tra và cấp bù cho người dân số cây bị chết.

Cũng trên địa bàn xã Thanh Luận, hơn 40 gia đình được hỗ trợ mua máy cắt cỏ theo Chương trình 30a, giúp bà con nâng cao năng suất trồng, chăm sóc rừng. 

Ông Phạm Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Luận cho hay, các gia đình phải đối ứng hơn 1 triệu đồng nhưng sau đó một số máy bị hỏng. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều người có ý kiến về việc này nên cơ quan công an đã tạm giữ toàn bộ số máy để điều tra làm rõ.

{keywords}

Tuyến đường thôn Đồng Chu, xã Yên Định (Sơn Động) được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông và phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Văn Hải, thôn Náng, xã Thanh Luận là một trong những người được nhận máy cắt cỏ, cho biết, do là hộ cận nghèo nên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện yêu cầu anh đối ứng 1,26 triệu đồng. Sau khi nhận máy, anh chủ yếu dùng để phát cây cỏ trên diện tích 1 ha rừng. 

Tuy nhiên, nhiều lúc máy bị hỏng buộc anh phải sửa chữa và thay một số thiết bị. Gần đây, cơ quan chức năng tạm giữ máy, anh đã thực hiện đúng yêu cầu và đang đợi kết quả.

Để nguồn lực phát huy hiệu quả

Trong quá trình triển khai thực hiện, thực tế có những mô hình hỗ trợ giống gia súc, gia cầm, cây trồng có chất lượng không bảo đảm. Cá biệt, có trường hợp giúp đỡ không đúng đối tượng, dàn trải; nhiều mô hình sinh kế thiếu tính khả thi do không phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của người dân.

Nguyên nhân trước hết thuộc về trách nhiệm, năng lực của các cơ quan, đơn vị thực hiện còn hạn chế. Trong khi đó các chương trình như 30a, 135, giảm nghèo bền vững… có nhiều đầu mối, gồm: Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và PTNT; Dân tộc, UBND cấp huyện, xã… nên khó kiểm soát, chỉ đạo thực hiện. Thậm chí, có địa phương thiếu định hướng cụ thể trong việc cấp cây, con giống cho người dân. Công tác tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thực hiện mang tính hình thức... 

Mục tiêu đến năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng dân tộc thiểu số bình quân 3- 4%/năm. Trong đó, các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 4%/năm; 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh giảm bình quân 4,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người/năm bằng 1/2 thu nhập bình quân của tỉnh. Nâng cao tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt trên 50%, trong đó 25% được đào tạo nghề.

Những vấn đề trên đã gây lãng phí nguồn lực đầu tư, ảnh hưởng tới cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, làm giảm ý nghĩa nhân văn và niềm tin của nhân dân vào chính sách giảm nghèo. Thậm chí với những dự án, mô hình có dấu hiệu lãng phí, sai sót, thất thoát, người dân nghi ngờ có hay không hành vi trục lợi, lợi dụng sơ hở để tư lợi?”.

Để các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, trước hết cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân về mục tiêu giảm nghèo bền vững; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo; quản lý, điều hành, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo. 

Ngoài ra, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể nhân dân, sự tham gia của người dân vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Cùng đó, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan và kịp thời xử lý, tạo niềm tin với người dân.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, với những mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển giống cây, con mới… kinh nghiệm cho thấy cần đề cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, phát huy tinh thần dân chủ. 

Đồng thời phối hợp thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo. 

“Quan trọng nhất là phải công khai các hoạt động từ khâu lựa chọn mô hình đến đối tượng thụ hưởng, cách thức thực hiện để dân biết, dân bàn, dân tham gia và cùng giám sát, kiểm tra thực hiện”, ông Tùng nói.

Trao đổi về bước đi tiếp theo trong thực hiện các chương trình giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ngành tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, dự án về giảm nghèo; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót trong triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo. 

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH ở vùng miền núi, dân tộc, đặc biệt khó khăn, từ đó từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo. 

Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ sản xuất phù hợp ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển KT-XH, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

Kỳ 1: Những mô hình hiệu quả
(BGĐT) - Với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ, những năm qua, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được triển khai đồng bộ. 
Tăng cường quản lý các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền và lưu động
(BGĐT)- Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang, thực hiện đợt thanh tra diện rộng về quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, vừa qua đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành làm việc tại 3 doanh nghiệp (DN) gồm: Viettel Bắc Giang- Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân (Viettel Bắc Giang); Trung tâm Kinh doanh VNPT- Bắc Giang (VNPT Bắc Giang); Mobifone Bắc Giang và 41 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (ĐCCDVVT) của ba nhà mạng trên.  
Giá thịt lợn sẽ không tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán
Bộ Công Thương khẳng định: Vào dịp Tết Nguyên đán, giá mặt hàng thịt lợn có thể tiếp tục tăng nhưng không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Cháy rừng tại xã Song Mai, TP Bắc Giang
(BGĐT)- Vào hồi 19 giờ 20 phút, ngày 11-12, tại khu vực thôn Phúc Thượng, xã Song Mai, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) đã xảy ra cháy rừng.
Lục Ngạn: Nhiều chủ vườn tăng thu nhập nhờ khách du lịch
(BGĐT)- Những ngày này, các chủ vườn cam, bưởi ở huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung đang tập trung thu hoạch. Giá bán các loại cam, bưởi năm nay tương đương so với năm trước, việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi.

Thành Nam - Quốc Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...