Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tiên Lục, mùa dã hương rụng hạt

Cập nhật: 07:00 ngày 28/01/2020
(BGĐT) - Xe chúng tôi lên Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) như ngược về lịch sử theo con đường hành binh của nghĩa quân Lam Sơn năm xưa tiến đánh đồn Xương Giang. Hai bên đường, không khí thật bình yên với những hàng cây, làng xóm và những cánh đồng mưa bụi xa xa. 

Năm ngoái lên Yên Thế, tôi gặp một bà cụ người dân tộc Cao Lan từ Bắc Kạn sang thăm con gái làm dâu ở Bản Ven (xã Xuân Lương) - nơi có cây chè Bản Ven nổi tiếng. Giữa những chuyện lan man của người già, cụ bảo Bắc Giang nổi tiếng nhờ anh hùng và cổ thụ. Anh hùng là cụ Đề Thám với 30 năm làm quân Pháp bạt vía kinh hồn, còn cổ thụ là cây dã hương nghìn tuổi bên xã Tiên Lục. 

{keywords}

Đường về thôn Giếng hôm nay. Ảnh: Thế Đại

Năm nay, trước khi về Tiên Lục, tôi gọi điện hỏi có về Yên Thế không thì được biết cụ lên rừng hái thuốc. Những loài thuốc quý rừng núi Đông Bắc còn nhiều lắm. Người và cây, hai tuyệt phẩm, hai biểu tượng tuyệt vời của thiên nhiên, thời gian và của nhân loại.

Nhắc tới Lạng Giang, người già nhớ tới sông Thương thơ mộng. Lớp tuổi tôi nhớ tới sân bay Kép thời chiến tranh chống Mỹ. Có một tin vui là trên đường về Tiên Lục, trên xe ô tô có cuốn sách khổ lớn dày mấy trăm trang bìa vàng in dòng chữ “Hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện đạt nông thôn mới năm 2019 của huyện Lạng Giang”. Lạng Giang có 21 xã thì tất cả đều đạt chuẩn nông thôn mới. Tiên Lục là xã cán đích sớm nhất trong năm xã đăng ký về đích nông thôn mới vào năm 2018.

Tại UBND xã Tiên Lục, trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Việt Tuấn say sưa: Đạt đích nông thôn mới, thay đổi rõ nhất ở Tiên Lục là giao thông và nhà ở. Còn trong sản xuất thì cơ cấu cây trồng, vật nuôi thay đổi mạnh, ý thức bảo vệ môi trường của bà con chuyển biến nhanh.

Nếu ai từng đến Tiên Lục cách đây vài năm hẳn không quên những con đường nhỏ đất pha sỏi son chạy ngoằn ngoèo qua các thôn xóm. Cây cối, nhà ở hai bên đường đều nhuốm màu đất đồi buồn bã. Nay diện mạo ấy đã hoàn toàn đổi khác. Những con đường đất sỏi xưa không còn, thay vào đó đã được mở rộng đổ bê tông hay nhựa phẳng phiu. Đường vào thôn Giếng có hai làn xe, ở giữa là dải cây phân cách, lòng đường rộng gần 10m được bó vỉa. Thôn có cổng chào, điện chiếu sáng.

Được biết, năm 2012 Tiên Lục bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Sau sáu năm nỗ lực, xã đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Hai nhân tố quyết định cho thành công ấy chính là công tác vận động quần chúng của cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của người dân. 

Đầu tiên, xã tổ chức đoàn cán bộ tới xã Đại Lâm (cùng huyện) học tập kinh nghiệm. Khi ấy, Đại Lâm mới làm được hơn chục cây số đường bê tông nhưng đã là xã làm được nhiều đường vào hàng nhất của huyện. Sau chuyến học tập, xã thí điểm làm trước ở hai thôn rồi triển khai nhân rộng. Nghị quyết của Đảng ủy đã có, kế hoạch triển khai của UBND xã cũng xong. 

Hội nghị các thành viên ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã cùng thành viên các tiểu ban ở các thôn cũng được tổ chức song công tác vận động lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn. Bao đời quen đi đường đất nay xã bảo làm đường to 8m, 10m lại đổ bê tông, rải nhựa, bà con không tin. Họ bảo cán bộ chỉ nói quá lên. 

Đảng ủy xã chỉ đạo tập trung tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, đảng viên trước rồi chọn các gương điển hình để tuyên truyền, vận động nhân dân. Đôi ba tuyến đường mới hoàn thành, bà con tíu tít đến tham quan. Và chỉ khi đã nhìn thấy tận mắt cái tiện ích - mà không chỉ là tiện ích cho làng xóm mà còn cho cả chính mình và con cháu mai sau, họ mới đồng tình hưởng ứng. 

{keywords}

Dã hương nghìn năm tuổi. Ảnh: Hương Giang.

Nhưng đất ruộng, đất công ích thì dễ chứ bảo hiến đất thổ cư đang có công trình, cây cối thì không đơn giản. Nhà nọ còn nhìn nhà kia chán. Chỉ khi đã thành phong trào thì mới không ai tiếc nữa. Mọi người sẵn sàng phá đi chuồng trâu, chặt bỏ cây bưởi cây cam để có đất làm đường. Cái hay là thế.

- Thế bà con có phải góp tiền không? Tôi hỏi Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Việt Tuấn.

- Tiền thì chủ yếu đóng góp vào cứng hóa đường thôn ngõ xóm. Đường trục đã có ngân sách xã. Hiến đất mới là cái lớn. Tiên Lục là một trong những xã người dân hiến nhiều đất nhất so với các xã khác trong huyện với tổng diện tích khoảng 130 nghìn m2. Riêng năm 2018, toàn xã cứng hóa được 60 km đường giao thông.

- Cán đích nông thôn mới rồi, từ nay Tiên Lục làm gì tiếp ?

- Xây dựng nông thôn kiểu mẫu ạ - Tuấn lại say sưa.

Nông thôn mới kiểu mẫu chỉ có 7 tiêu chí nhưng là những tiêu chí nâng cao như nhà cửa phải đẹp có cổng có hàng rào. Đường phải có đường hoa. Lại phải có chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp… Tuấn nói một cách hào hứng và rành rẽ như tất cả thông tin đã được cài đặt, mã hóa trong bộ nhớ của người cán bộ trẻ giàu tâm huyết này.

Chợt có cơn gió lạnh qua. Không hiểu sao tôi lại nhớ tới tâm sự của một vài cán bộ trẻ khác cùng lứa với Tuấn với cùng đặc điểm trẻ trung, giàu nhiệt huyết và giàu cả kiến thức ở vài tỉnh tôi đã đến. Họ nói tới những khó khăn mới. Gió sớm như mách bảo: Chuyển từ nông thôn mới đến nông thôn mới kiểu mẫu sẽ không hề đơn giản! Các vấn đề mới như tích tụ ruộng đất, quy mô sản xuất hay quy hoạch dân cư… rồi sẽ thế nào. 

Mùa này, dã hương lác đác rụng hạt. Những hạt nhỏ bằng đầu đũa màu đen bóng. Trong số hàng nghìn hạt dã hương này rồi sẽ có những hạt nảy mầm thành cây mới ở ngoài cái bóng nghìn năm cổ thụ. Tiên Lục hôm nay đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong tương lai, vùng đất này nhất định sẽ trở thành nông thôn mới kiểu mẫu.

Và liệu có cần cả những cơ chế mới ? Nghĩa là những vấn đề nảy sinh trong giai đoạn phát triển với một cơ thể phát triển. Song, lại có câu lường trước được khó khăn rồi mạnh dạn đương đầu với nó sẽ là phương cách để hướng tới thành công. Có một thông tin vui, từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân trong xã nâng lên rõ nét, hộ khá và giàu tăng, hộ nghèo giảm. Thu nhập bình quân đầu người ở xã Tiên Lục năm qua đạt gần 48 triệu đồng là con số biết nói.

Chiều đã muộn. Trước khi chia tay Tiên Lục, tôi tranh thủ ghé thăm cây dã hương nghìn tuổi. Dáng cây sừng sững trong trời đất. Cây nằm bên cạnh đình Viễn Sơn cổ kính, từng được vua Lê Cảnh Hưng ban sắc phong là Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương. 

Trong bộ từ điển bách khoa La Rousse của Pháp có in ảnh cây này và ghi chú: Cây dã Tiên Lục - cây dã thứ hai thế giới (cây già nhất ở châu Phi). Mặc cho vật đổi sao dời, thời thế đổi thay, gió mưa bom đạn cả nghìn năm, cây dã hương Tiên Lục vẫn thi gan cùng tuế nguyệt như một biểu tượng cho sự trường tồn của dân tộc, sức sống của quê hương. Hoa dã hương màu vàng nhạt, cứ tháng Tư âm lịch là thơm nức cả làng. 

Mùa này, dã hương lác đác rụng hạt. Người trông coi Đình Viễn Sơn - người tôi có lỗi đã quên ghi tên - nhặt cho tôi xem những hạt dã hương vừa rụng trong ngày. Những chiếc hạt nhỏ bằng đầu đũa màu đen bóng. Trong số hàng nghìn hạt dã hương này rồi sẽ có những hạt nảy mầm thành cây mới ở ngoài cái bóng nghìn năm cổ thụ. Tiên Lục hôm nay đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong tương lai, vùng đất này nhất định sẽ trở thành nông thôn mới kiểu mẫu.

Trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa tại Chương trình "Tết sum vầy- Mừng Xuân, ơn Đảng" năm 2020
(BGĐT)- Sáng 21-1, tại Công ty cổ phần May Năm Châu, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Lạng Giang (Bắc Giang) phối hợp với Huyện đoàn tổ chức chương trình "Tết sum vầy- Mừng Xuân, ơn Đảng" năm 2020. Các đồng chí: Ngô Biên Cương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch HĐND huyện cùng dự.
HĐND huyện Lạng Giang bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện
(BGĐT)- Sáng 20-1, HĐND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) khóa XIX tổ chức kỳ họp thứ 13, kỳ họp bất thường để tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Tới dự có đồng chí Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Trao tặng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo xã Mỹ Thái
(BGĐT) - Ban Chấp hành họ Bùi tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức trao tặng nhà ở cho hộ bà Vũ Thị Hân, 40 tuổi ở thôn Cò, xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang. 
Trồng chuối thu nhập cao
(BGĐT) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020, các vườn trồng chuối tập trung ở xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được thương lái “săn lùng”, giá mỗi buồng chuối đẹp lên đến 400- 450 nghìn đồng. Người trồng chuối vì thế vui hơn, tích cực chăm sóc, thu hoạch và chuẩn bị trồng vụ mới.
Kết nối giao thông - thúc đẩy tăng trưởng
(BGĐT) - Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều công trình giao thông trên địa bàn huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần kết nối giữa các địa phương, tạo thuận lợi phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: Thăm, tặng quà gia đình chính sách, công nhân hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo
(BGĐT) - Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước đến thăm, tặng quà công nhân Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang). Cùng đi có các đồng chí: Bùi Văn Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nguyễn Trác

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...