Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp

Cập nhật: 12:17 ngày 21/02/2020
(BGĐT)-Ngày 21-2, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà dự tại điểm cầu Bắc Giang. 
{keywords}

Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang.

Trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn ngành.

Tuy vậy, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ như rau quả, gây tổn thất sau thu hoạch. Lĩnh vực cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh song mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp. Trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ.

{keywords}

Chế biến dưa chuột tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang).

Phát biểu tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu bảo đảm về số lượng, chất lượng (ngoại trừ một số ngành hàng đã tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu như mía đường, cá tra, tôm). Giá thành sản phẩm cơ khí nông nghiệp trong nước cao. 

Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính, do vậy khó ứng dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Trước tình hình mới cần đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản và nâng cao trình độ, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới; những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung đều được cơ giới hóa đồng bộ và tiến tới tự động hóa.

Một số đại biểu kiến nghị, các bộ chủ quản cần làm rõ các quy chuẩn, tiêu chuẩn để phù hợp cho phát triển ngành hàng; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến; có chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ cho phát triển chế biến nông sản, tích tụ đất đai cho trang trại lớn, sản xuất lớn; Ngân hàng Nhà nước đánh giá, xem xét cởi mở hơn về tín dụng với ngành nông nghiệp. Chính phủ xem xét, chỉ đạo thu hồi dự án nông nghiệp bỏ hoang để thu hút dự án mới sao cho phát huy hiệu quả. Có hướng dẫn quy định cụ thể về truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng; đầu tư nghiên cứu chiến lược phục vụ chế biến thủy sản nội địa.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là nội dung cơ bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định đối với tất cả mặt hàng.

Nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn để phát triển. Các địa phương, DN, bộ, ngành cần lắng nghe tiếp thu tháo gỡ, tạo điều kiện cho nông dân, HTX phát triển nông nghiệp trong điều kiện mới. Ngoài nông dân, vai trò của HTX, DN cũng rất lớn. Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị, Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp của nước ta, trong đó chú trọng tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường.

Trên cơ sở kiến nghị của một số đại biểu, đồng chí đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo về việc cho vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất. Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; giảm giá thành, chi phí đầu vào sản xuất.

Để đạt mục tiêu đề ra, đồng chí yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phát triển ngành chế tạo máy và sản xuất vật liệu phụ trợ nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.

Đi đôi với giải pháp trên, đồng chí đề nghị cần đẩy mạnh chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp vào sản xuất; xây dựng và hình thành các cụm nghiên cứu - đào tạo - sản xuất công nghệ cao theo vùng sinh thái, khuyến khích hình thành các cơ sở nghiên cứu tư nhân và các viện gắn với doanh nghiệp; xây dựng các đề án, mô hình trình diễn về công nghiệp chế biến và cơ giới hoá đồng bộ sản xuất nông nghiệp, mô hình nông nghiệp thông minh. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới trong tất cả các cơ sở chế biến nông sản; xây dựng và áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, truy xuất nguồn gốc, tiêu chí đánh giá về năng lực của ngành chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường. 

Xây dựng thương hiệu cho nông sản; nghiên cứu, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp nhằm tích tụ đầu tư vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung.

Ban Tuyên giáo T.Ư hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị
(BGĐT)- Sáng 3-1, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết số 52 của Bộ chính trị và triển khai nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2020. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì.
Phát động cuộc thi trực tuyến toàn quốc "Pháp luật học đường"
(BGĐT)-Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019, Bộ Tư pháp vừa phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn Giáo dục Egroup phát động cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”.
Hội nghị trực tuyến công bố Quyết định hợp nhất các Chi cục Thuế khu vực đợt 3
(BGĐT) - Ngày 30-9, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến công bố Quyết định thành lập Chi cục Thuế (CCT) khu vực (đợt 3) năm 2019 trực thuộc 35 Cục Thuế tỉnh, TP.

Trịnh Lan





Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...