Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tập trung phòng trừ dịch hại, bảo đảm sản lượng lương thực

Cập nhật: 14:34 ngày 07/04/2020
(BGĐT)- Ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng vụ đông xuân với 31 tỉnh, thành phố phía Bắc. Dự tại điểm cầu Bắc Giang có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo và đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT.
{keywords}

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Vụ đông xuân có vai trò quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản lượng lương thực của năm. Tuy vậy, năm nay sản xuất đối mặt với không ít bất lợi. Thời tiết diễn biến khó lường, mưa đá, hạn mặn xảy ra ở cả ba miền, đợt rét nàng Bân xuất hiện điển hình. Cùng đó, đối tượng dịch hại ngày càng tăng.

Qua đánh giá, thời điểm này cây trồng mẫn cảm với sâu bệnh. Vì vậy việc chăm sóc, nhất là quản lý dịch hại là giải pháp quan trọng, có yếu tố quyết định đến sản lượng lương thực của cả vụ. 

Theo thống kê, các tỉnh, thành phố phía Bắc hiện có hơn 1,1 triệu ha lúa. Các trà lúa đang trỗ và tập trung trỗ trước 20/4 đối với trà sớm và 10/5 đối với trà chính vụ. Tuy nhiên trên các trà lúa đang bị sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh như: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ.

Ngoài ra, hiện nay các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, cây ngô đã xuống giống được gần 40.000 ha, sâu keo mùa thu cũng phát sinh, gây hại tăng cao hơn năm trước và diễn biến phức tạp.

{keywords}

Những ruộng lúa tại xã Song Khê (TP Bắc Giang) được che ni-lông quanh bờ để hạn chế chuột hại.

Tại tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đến nay hơn 71 nghìn ha. Nhìn chung sâu, bệnh trên lúa, rau màu tại tỉnh được phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời. Hiện chuột đang gây hại mạnh, nguy cơ cao ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Cây vải thiều nhiễm sâu đo 90 ha, bọ xít 500 ha, sâu đục quả 55 ha, bệnh sương mai 350ha, rệp muội 19 ha.

Tham luận tại các điểm cầu, một số đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về biện pháp chỉ đạo phòng trừ dịch hại trên cây trồng; cách phát hiện, xử lý những diện tích cây trồng bị nhiễm sâu, bệnh nặng; theo dõi sát bản tin dự báo, cảnh báo về hình thái vùng có thời tiết nguy hiểm; chỉ đạo áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. 

Đơn cử, tỉnh Nghệ An cho hủy toàn bộ diện tích lúa nhiễm đạo ôn nặng để không lây nhiễm cho vụ sau. Xây dựng vùng trồng gỗ an toàn, phục vụ phát triển chế biến gỗ. Khuyến cáo người dân trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quản lý thị trường vật tư nông nghiệp của địa phương. 

Ngoài ra, tại hội nghị, một số ý kiến đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT cảnh báo sớm, kịp thời về một số dịch hại mới trên cây trồng như sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, châu chấu lưng vàng; cho phép nhập khẩu giống cỏ mới từ Nhật Bản để nuôi hươu. Quan tâm, giúp đỡ các tỉnh về công tác thủy lợi; phát triển vùng chuyên canh, sản xuất hữu cơ. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với ba thách thức lớn như: Dịch Covid-19, khí hậu, thời tiết cực đoan và dịch hại trên cây trồng. Dù vậy, khi các ngành, địa phương xử lý được những vấn đề trên thì cơ hội cho nông nghiệp rất lớn. Do đó, sản xuất nông nghiệp lúc này ngoài bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ còn phải tranh thủ thời cơ để tăng giá trị sản phẩm. 

Dự báo, thời gian tới sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng vụ đông xuân gia tăng, nhất là một số đối tượng mới. Để có mùa vụ thắng lợi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương cần nắm chắc nhận định thời tiết để có cơ sở trong công tác dự báo, ứng phó phòng trừ sâu bệnh gây hại. Mỗi địa phương căn cứ điều kiện cụ thể, tổ chức thực hiện sát thực tế, bảo vệ cây trồng. Quan tâm đến tiết tiểu mãn ở một số vùng. Cán bộ chuyên môn phải bám sát thực địa, không để bỏ sót, bất ngờ. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân cách nhận biết và biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả. 

Bộ trưởng lưu ý, hiện sâu keo mùa thu rất đáng lo ngại, vì loài này ăn đa thực. Châu chấu sa mạc cũng có nguy cơ xâm nhập vào các tỉnh Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Trước thực tế này, đồng chí yêu cầu các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ phối hợp xây dựng mô hình đấu tranh sinh học đối với châu chấu sa mạc. Đồng chí lưu ý, năm nay nhãn, vải thiều dự kiến cho sản lượng khá cao song đầu ra cho sản phẩm có thể gặp trở ngại, vì thế cần sớm đề xuất kế hoạch kịch bản tiêu thụ nhãn, vải thiều ngay từ thời điểm này, không để bị động. 

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn đề nghị ngành nông nghiệp quán triệt, thực hiện nghiêm các giải pháp đã nêu tại hội nghị. Đồng chí yêu cầu đội ngũ cán bộ khuyến nông bám sát cơ sở, hướng dẫn người dân biện pháp phòng trừ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho an toàn. Hằng tuần, Sở Nông nghiệp và PTNT phải báo cáo nhanh tình hình sản xuất vụ đông xuân, chú trọng đối tượng dịch hại; phối hợp với ngành công thương quản lý chặt chẽ thị trường vật tư nông nghiệp, cung ứng sản phẩm chất lượng đến nông dân.

Đối với vải thiều, đồng chí Lại Thanh Sơn lưu ý cần đánh giá tiến độ sản xuất, dự báo sản lượng. Nắm chắc tình hình thị trường, vấn đề thông quan, thương nhân tham gia tiêu thụ sản phẩm để lên kịch bản cho từng tình huống. Đồng chí cho rằng, đây là thời điểm suy giảm kinh tế toàn cầu nên vai trò của nông nghiệp đối với kinh tế càng trở nên quan trọng, do vậy cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để sản xuất đạt hiệu quả cao.

Đẩy mạnh sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19
Trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước, nhu cầu sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch tăng cao.
Ngành sản xuất ô tô chao đảo vì dịch Covid-19
Sự lây lan và bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn thế giới thời gian qua đã khiến cho ngành công nghiệp ô tô chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề...
Cơ cấu lại sản xuất, bảo đảm lương thực tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
(BGĐT)- Ngày 18/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực (ANLT) quốc gia đến năm 2020”. Tại điểm cầu Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái tham dự. 

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...