Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lời giải nào cho “bài toán” xử lý rác thải nông thôn? Bài 3: Xử lý triệt để rác thải - nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết

Cập nhật: 07:55 ngày 22/05/2020
(BGĐT) - Rác thải tồn lưu gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài sẽ phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đe dọa sức khỏe người dân. Do đó, vệ sinh môi trường (VSMT), thu gom, xử lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay. 

Đốt, không chôn lấp rác thải

Từ những bất cập, hệ lụy trong xử lý rác thải, ngày 27/2/2020, BTV Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Chỉ thị 17 về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường. Theo đó, các cấp ủy đảng cần tập trung lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị ở địa phương huy động sức mạnh toàn dân triển khai kế hoạch xử lý triệt để rác thải. 

{keywords}

Nhân viên Hợp tác xã Dịch vụ Vệ sinh môi trường thị trấn Vôi (Lạng Giang) thu gom rác thải.

Thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt vào khu vực tập trung do địa phương đó xác định địa điểm để đốt, không chôn lấp. Các địa phương tự quyết việc chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy, lò đốt nhưng phải bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Mục tiêu đến hết năm 2020, hoàn thành xây dựng lò đốt rác cấp xã, liên xã. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sở dĩ Bắc Giang lựa chọn đốt, không chôn lấp rác nhằm tiết kiệm quỹ đất, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

Ngay sau đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị. Ngày 20/3, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với Bí thư các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, lãnh đạo ban, ngành hữu quan của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, TP, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để quán triệt, triển khai Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 58 của UBND tỉnh về huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý rác thải. Đến nay, 10/10 huyện, TP ban hành nghị quyết thực hiện Chỉ thị 17. 

Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn công tác kiểm tra bước đầu về tình hình thu gom, giải tỏa điểm tồn lưu rác thải. Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Do tác động của dịch Covid-19 nên việc thực hiện Chỉ thị 17 bị ảnh hưởng. Nắm bắt thực tế, ngay khi hết đợt giãn cách xã hội, một số địa phương tổ chức giải tỏa điểm tồn lưu rác. Sở khẩn trương tham mưu với UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tháng 7/2020 ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng các lò đốt và hoạt động xử lý rác theo phân cấp quản lý ngân sách”.

Huyện Lục Ngạn, một trong những điểm “nóng” về rác thải của tỉnh, đến nay 100% các xã, thị trấn đã quy hoạch khu vực xử lý rác thải tập trung. Huyện tiến hành tổ chức lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung thuộc xã Kiên Thành sau thời gian dài vận động người dân hiến đất. Nhiều bãi rác được giải tỏa. 

Đến nay, 10/10 huyện, TP ban hành Nghị quyết về thực hiện Chỉ thị 17 tại địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu với UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tháng 7/2020 về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng các lò đốt rác và hoạt động xử lý rác theo phân cấp quản lý ngân sách.

Mới đây, UBND thị trấn Chũ đã phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường và Đô thị dọn sạch bãi rác tự phát tại khu vực giáp ranh giữa thôn Hải Yên, xã Trù Hựu với khu phố Lê Hồng Phong (thị trấn Chũ). 

Chủ tịch UBND thị trấn Chũ Mạc Anh Tuấn cho biết: “UBND thị trấn sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị chuyên môn thành lập 1 tổ công tác thường xuyên kiểm tra, phối hợp với người dân quanh khu vực sớm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đổ rác thải trộm tại đây”.

Các xã, thị trấn thuộc huyện Lạng Giang và Yên Dũng duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” kết hợp phun tiêu độc, khử trùng, thu gom, xử lý rác thải. Ngày 17/5, 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Việt Yên đồng loạt ra quân tổng VSMT, huy động hơn 8 nghìn người tham gia. Ngay trong ngày ra quân, toàn huyện chăm sóc 4,8 km đường hoa; khơi thông 13,2 km kênh mương, cống rãnh; thu gom hơn 200 m3 rác… 

Tuy vậy, kết quả triển khai Chỉ thị 17 tại một số địa phương còn hạn chế. Cụ thể, huyện Hiệp Hòa mới dừng ở việc quán triệt nội dung bằng một số văn bản, tồn lưu nhiều rác thải ở dọc đường vành đai IV, đê tả Cầu. Ngày 18/5, khi thấy đoàn kiểm tra, xã Mai Đình mới cho máy xúc cào gọn rác ở đê tả Cầu. Tại huyện Lục Nam, rác thải dày đặc kênh Yên Lại, đoạn qua thị trấn Đồi Ngô, Tam Dị.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm

{keywords}

Phụ nữ xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) thu gom, phân loại rác tại nhà. Ảnh: Tuyết Mai

Kế hoạch của UBND tỉnh chỉ rõ, người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn; chủ động lựa chọn lò đốt phù hợp, bảo đảm nguồn kinh phí để xử lý rác thải sinh hoạt. Phấn đấu thu gom triệt để rác thải vào nơi tập kết để đốt xong trước tháng 6/2020. Chủ tịch UBND các huyện, TP chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để rác tồn lưu; hằng tuần tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với UBND cấp xã.

Giao nhiệm vụ cụ thể và bố trí, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho các tổ, đội VSMT chuyên trách, đủ điều kiện đáp ứng hoạt động thu gom từ nơi phát sinh vận chuyển rác thải về khu xử lý.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin thêm, việc xử lý rác thải trong đợt cao điểm này không chỉ ưu tiên kinh phí xây mới mà còn cải tạo, nâng cấp công trình cũ. Vì vậy, các xã phải rà soát, đánh giá chi tiết từng hạng mục để đề xuất. Xây dựng lộ trình, bố trí kinh phí từ ngân sách huyện cải tạo, nâng cấp, khắc phục ô nhiễm môi trường với các bãi rác, lò đốt không đáp ứng yêu cầu quy định về bảo vệ môi trường. Không khuyến khích đầu tư, lắp đặt mới đối với các lò đốt quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.

Tổ chức thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo quyết định phê duyệt giá của địa phương đã ban hành; hoàn thành chỉ tiêu thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt năm 2020 của các huyện, TP.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức VSMT của người dân, trách nhiệm phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni-lông, đồ sử dụng 1 lần (cốc nhựa, cốc giấy, hộp xốp) để giảm rác thải phát sinh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, cá nhân làm tốt để nhân rộng. Liên quan đến ngân sách, hiện nay Sở Tài chính đang tham mưu bố trí ngân sách chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt tỷ lệ 1% tổng chi ngân sách địa phương từ năm 2020.

Ngoài ra, chính quyền và ngành chức năng phải có giải pháp căn cơ, khắc phục tâm lý e ngại của người dân khi xây dựng bãi rác. Kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 17 tại một số địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn nhấn mạnh, xử lý rác thải là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt năm 2020 và những năm tiếp theo. 

Do vậy, người đứng đầu các địa phương phải thực sự trăn trở, suy ngẫm về vấn đề này, có giải pháp cho từng đơn vị cấp xã. Trong quá trình triển khai xây dựng khu xử lý rác phải làm tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nếu không sẽ thất bại.

Một vấn đề nữa là trong sản xuất nông nghiệp, nông dân phải sử dụng hàng trăm nghìn tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm, làm phát sinh rác là vỏ bao bì. Riêng vỏ thuốc bảo vệ thực vật nằm trong nhóm rác thải nguy hại cần có quy trình xử lý riêng, không thể lẫn với rác sinh hoạt. Vì thế phải có hướng dẫn cụ thể với nông dân.

Một số ý kiến đề xuất cần đánh giá, khảo sát những vùng người dân bị ảnh hưởng bởi khí thải, rác thải, sau đó công bố công khai các chỉ tiêu quan trắc để người dân yên tâm. Kiên quyết xóa bỏ lò đốt rác thủ công tự phát. Các huyện, TP giám sát chặt chẽ hoạt động vận hành của lò đốt rác. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các phường, xã, thị trấn chú trọng xử phạt hành chính hành vi đổ rác không đúng nơi quy định nhằm tăng tính răn đe.

Đặc biệt, trong đầu tư xây dựng lò đốt cần đấu giá công khai, lựa chọn công nghệ phù hợp, khai thác hiệu quả sau đầu tư. Tính toán sử dụng quỹ đất tiết kiệm. Nếu để lãng phí nguồn lực đầu tư phải quy rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan. Đôn đốc các huyện, TP thực hiện nghiêm Chỉ thị 17, tránh hình thức, đối phó; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý rác thải.

Lời giải nào cho “bài toán” xử lý rác thải nông thôn? Bài 2: Sau giải tỏa rác lại tồn lưu
Dù tạo chuyển biến ban đầu về thu gom, xử lý rác thải nông thôn song sau giải tỏa, một thời gian ngắn lại xuất hiện những bãi rác tồn lưu. Rác vương từ kênh mương đến ruộng đồng, vườn đồi, đường giao thông…  khiến môi trường một số nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ô nhiễm nghiêm trọng.
Lời giải nào cho “bài toán” xử lý rác thải nông thôn? Bài 1: Chuyển biến bước đầu
(BGĐT) - Thực hiện Kết luận số 43-KL/TU ngày 11/5/2017 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang về một số chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển tích cực. Điểm tồn lưu rác giảm đáng kể, hình thành các khu chứa, xử lý rác, góp phần làm cho làng quê xanh, sạch, đẹp.
Hỏa hoạn tại khu vực chứa rác thải ở Biên Hòa thiêu rụi 2 nhà dân
Đến sáng 11/5, vụ hỏa hoạn khiến 6 căn nhà bị cháy tại phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã được dập tắt sau nhiều giờ bùng phát. May mắn vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Nhóm PVKT 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...