Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khai thác đất san lấp mặt bằng tại Bắc Giang: Đổi mới quản lý, tăng nguồn cung

Cập nhật: 07:27 ngày 29/05/2020
(BGĐT) - Kinh tế của tỉnh Bắc Giang đang trên đà phát triển, nhiều dự án xây dựng hạ tầng tiếp tục được triển khai thực hiện. Theo đó, nhu cầu đất san lấp mặt bằng (SLMB), sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) rất lớn. Trước thực tế này, UBND tỉnh đang có những giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý chặt chẽ tài nguyên nhằm vừa chủ động đủ lượng đất phục vụ SLMB, giảm chi phí đầu tư, tăng thu ngân sách, vừa không để thất thoát tài nguyên.

Nguyên nhân vi phạm

Sở dĩ để xảy ra tình trạng khai thác đất SLMB trái phép, sai phép diễn ra ở nhiều nơi trong thời gian qua trước hết là do lợi nhuận từ hoạt động này rất lớn nên nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng vượt “rào” vi phạm. Bất chấp quy định của pháp luật, đối tượng đánh cắp tài nguyên dùng mọi mánh khóe để trục lợi kể cả ban ngày lẫn ban đêm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Cứ một xe đất 30 m3 đất, tổ chức, cá nhân khai thác trộm bán tại mỏ được 600-650 nghìn đồng, trừ chi phí còn lãi hơn một nửa.

{keywords}

Hiện nhu cầu đất san lấp mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trong tỉnh rất lớn. Ảnh: San lấp mặt bằng khu dân cư Tân Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang).

Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản làm VLXD và thu gom rác thải do UBND tỉnh tổ chức tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chỉ rõ, để xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản của chính quyền cấp xã, sau đó là cấp huyện còn thiếu chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng. Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ một số huyện chưa kịp thời, kiên quyết xử lý vi phạm trong khai thác đất để vi phạm kéo dài. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND các huyện, xã khi phát hiện sai phạm của doanh nghiệp (DN), cá nhân chưa xử lý nghiêm, dứt điểm dẫn đến có trường hợp tái phạm. Thực tế có nơi phạt chiếu lệ để rồi vi phạm lại tái diễn, gây tiền lệ xấu.

Để bảo vệ loại đất SLMB, tránh thất thoát tài nguyên, UBND tỉnh sẽ quy trách nhiệm chính cho Chủ tịch UBND các huyện, TP. Sở TN&MT công khai minh bạch quy hoạch, điểm mỏ khai thác để người dân giám sát. Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân khai thác đất trái phép, đề xuất khởi tố trường hợp vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chính quyền một số nơi còn có biểu hiện làm ngơ cho hành vi sai phạm nên các đối tượng càng được thể mặc sức đánh cắp tài nguyên. Ông Lưu Đức Anh, Chủ tịch UBND xã Trù Hựu (Lục Ngạn) cho biết, trong tháng 3 vừa qua chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống vị trí xảy ra hoạt động đánh cắp khoáng sản tại thôn Trù Hựu nhưng không bắt được quả tang đối tượng múc trộm đất. Trong khi đó, vị lãnh đạo này xác nhận có tình trạng đào khoét đất SLMB tại diện tích đất của gia đình ông Phạm Văn Đô và Nguyễn Văn Hiện được cấp hạ độ cao từ cuối năm ngoái nhưng nay đã hết hạn.

Hai năm qua, cấp huyện được UBND tỉnh ủy quyền chấp thuận cho các hộ hạ độ cao cốt nền, vận chuyển đất dư thừa dưới 3 nghìn m3 để SLMB các công trình tại địa phương. Thế nhưng, có rất nhiều văn bản của cấp huyện để hộ gia đình hạ cốt nền trong thời gian dài (30 ngày) song lượng đất cho phép vận chuyển đi lại ít, phổ biến 1-2 nghìn m3. Với khối lượng như vậy, nhiều cá nhân khai thác trong vòng 7-10 ngày là hết. Thời gian còn lại, các đối tượng lợi dụng giấy phép tiếp tục khai thác vượt trữ lượng. Đây là một trong những “kẽ hở” chính khiến công tác quản lý đất SLMB trở lên khó kiểm soát. Điều đáng nói, sau khi vi phạm, UBND cấp huyện, xã xử phạt phổ biến từ 4-15 triệu đồng do căn cứ vào lượng đất trên xe ô tô mà không đo đạc lượng đất đã thất thoát tại hiện trường để truy thu. Mức phạt này quá thấp so với lợi nhuận mang lại, không đủ sức răn đe.

Thay đổi cách quản lý

Để chấn chỉnh kịp thời tình trạng trên, gần đây UBND tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp đổi mới, quyết liệt trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. UBND tỉnh đã dừng việc ủy quyền cho cấp huyện chấp thuận san gạt, hạ độ cao cốt nền cho các hộ gia đình, cá nhân dưới 3 nghìn m3; bãi bỏ Quyết định số 265/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý, khai thác, vận chuyển đất đắp nền công trình xây dựng trên địa bàn do có nhiều bất cập trong công tác quản lý. Đồng thời ban hành Chỉ thị số 09/2020/CT-UBND về tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh, trong đó có đất SLMB. Chủ tịch UBND tỉnh cũng ủy quyền cho Giám đốc Sở TN&MT cấp phép đối với các trường hợp vận chuyển đất ra ngoài dự án với khối lượng dưới 5 nghìn m3 theo quy định của Luật Khoáng sản, tránh tình trạng lợi dụng giấy phép múc đất vượt diện tích, khối lượng như trước đây.

{keywords}

Xe chở đất san lấp mặt bằng Cụm công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư (Yên Dũng).

Ông Lương Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết, để siết chặt hoạt động quản lý đất SLMB, UBND huyện vừa ký cam kết với UBND các xã, Công an huyện, chủ đầu tư dự án, chủ mỏ, DN khai thác, vận chuyển khoáng sản. Theo đó, Công an huyện, UBND các xã tăng cường tuần tra, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép và các phương tiện quá khổ quá tải, vận chuyển đất, gây ô nhiễm môi trường. Chủ mỏ khai thác đất đúng ranh giới, trữ lượng cho phép…

Dự báo, từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, toàn tỉnh sẽ thu hồi hơn 8 nghìn ha đất để thực hiện các dự án xây dựng, nhu cầu đất SLMB cần khoảng 140 triệu m3. Như vậy, mỗi năm tỉnh cần cả chục triệu m3 đất để hoàn thành SLMB. Thế nhưng, thực tế tổng lượng đất từ các mỏ đã quy hoạch chỉ còn khoảng 48 triệu m3. Để chủ động nguồn đất SLMB giai đoạn 2021-2030 của tỉnh, tăng cường các biện pháp ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, TP, ngành chức năng tập trung rà soát, quy hoạch các điểm mỏ phù hợp xong trong tháng 5 để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở này, tỉnh sẽ tổ chức đấu giá, cấp phép cho các DN, cá nhân thực sự có nhu cầu để khai thác đất SLMB theo quy định của pháp luật. Mục đích của việc quy hoạch, tổ chức đấu giá là để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, công khai, tránh tình trạng “xin cho”, DN có nhu cầu ít lại được cấp mỏ như trước trong khi các đơn vị thực sự cần đất SLMB lại không được cấp mỏ, gây thiếu hụt nguồn đất.

Điểm mới nữa là sau khi đấu giá, đơn vị trúng thầu được phép vận chuyển đất đến tất cả các công trình trong và ngoài tỉnh, không bị giới hạn địa điểm đổ như trước, không mất thời gian dài (1-2 năm) để hoàn thiện hồ sơ xin cấp mỏ đất. Qua đó, vừa chủ động nguồn đất san lấp, đắp nền vừa góp phần tăng thu cho ngân sách. Theo ông Ngô Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trên cơ sở đề nghị của các huyện, TP, đến nay Sở đã rà soát lại quy hoạch các điểm mỏ khai thác đất SLMB và đưa vào quy hoạch nhiều điểm mỏ mới. Kết quả, toàn tỉnh xác định được gần 200 điểm mỏ sẽ đưa vào quy hoạch khai thác (85 điểm cũ, 114 điểm mới), tổng trữ lượng dự báo khoảng 180 triệu m3 đất. Hiện nay, Sở đang xin ý kiến các ngành liên quan để trình UBND tỉnh xem xét trong thời gian tới. “Đáng lưu ý, quy hoạch điểm mỏ lần này quy mô lớn, tập trung để sau khi khai thác xong, hoàn nguyên, có thể dễ dàng sử dụng mặt bằng vào mục đích khác, không nhỏ lẻ, manh mún như trước nữa”, ông Xuyên cho biết thêm.

Đi liền với biện pháp trên, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết, để bảo vệ loại đất SLMB, tránh thất thoát tài nguyên, UBND tỉnh sẽ quy trách nhiệm chính cho Chủ tịch UBND các huyện, TP trong công tác quản lý đất SLMB. Sở TN&MT công khai minh bạch quy hoạch, điểm mỏ khai thác để người dân giám sát. Công an tỉnh chỉ đạo công an các cấp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân khai thác đất trái phép, đề xuất khởi tố trường hợp vi phạm có yếu tố cấu thành tội phạm. Các đơn vị được cấp phép khai thác đất phải thực hiện nghiêm quy định như cắm mốc giới, sử dụng xe vận chuyển đất đúng tải… Trường hợp cố tình để xảy ra vi phạm giấy phép, ngoài bị xử phạt, tỉnh yêu cầu Sở TN&MT, UBND các huyện, TP báo cáo, đề xuất UBND tỉnh tước giấy phép, văn bản chấp thuận cho phép vận chuyển đất dư thừa. Đặc biệt, UBND các huyện, TP xem xét, xử lý, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cố tình bao che, cho phép DN khai thác trái phép, hủy hoại đất.

Khai thác đất san lấp mặt bằng ở Bắc Giang: Khi cầu lớn hơn cung
(BGĐT) - Trước nhu cầu ngày càng tăng về đất san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án, nhiều tổ chức, cá nhân đã phớt lờ quy định của pháp luật, ngang nhiên khai thác đất trái phép nhằm trục lợi bất chính. Thực trạng này đã và đang diễn biến phức tạp, làm “chảy máu” tài nguyên, phá vỡ cảnh quan, môi trường, thất thu ngân sách và mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Nhóm PV KT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...