Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Na Lục Nam: Mất mùa vẫn lo “đầu ra”

Cập nhật: 08:05 ngày 13/08/2020
(BGĐT) - Do thời tiết bất lợi nên sản lượng na chính vụ của Lục Nam (Bắc Giang) năm nay giảm hơn năm ngoái. Tưởng rằng theo quy luật cung - cầu, mất mùa sẽ được giá nhưng người trồng na nơi đây lại lo lắng bởi sản phẩm này đang bị rớt giá.  

Na mất mùa, giá giảm

Đã vào vụ thu hoạch được hơn chục ngày nhưng chợ na thôn Khuyên, xã Huyền Sơn (Lục Nam) vẫn thưa người bán, kẻ mua. Cả chợ chỉ có vài chục người gánh na đến bán, thi thoảng mới có nhà chở na bằng xe cải tiến. Trong số những người mang na đến chợ có bà Phạm Thị Thắng, thôn Liên Giang, xã Huyền Sơn. 

{keywords}

Các thành viên HTX Na dai Nghĩa Phương đóng gói hàng bằng bao bì mới trước khi xuất bán.

Chỉ tay vào hai thúng na, bà Thắng phàn nàn, vụ này na mất mùa, mẫu mã xấu, quả lại không đồng đều nên từ đầu mùa đến nay, giá na tại chợ này chỉ đạt khoảng 30 nghìn đồng/kg, na đẹp nhất mới được 35 nghìn đồng/kg nhưng rất ít, bình quân thấp hơn năm ngoái từ 5 - 10 nghìn đồng/kg. “Nhà tôi trồng 7 sào na dai, vụ đầu năm ngoái thu gần 2 tấn nhưng năm nay chắc chỉ được già nửa”, bà Thắng nói.

Cùng cảnh mất mùa nhưng na của các thành viên trong HTX Na dai xã Nghĩa Phương gần đó lại có giá bán cao hơn so với na các vùng khác tại Lục Nam từ 5-10 nghìn đồng/kg. Ông Hoàng Văn Hướng, Giám đốc HTX cho biết, sở dĩ có điều này là do na của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ nên quả to và đều, vị ngọt đậm hơn so với các nơi khác nên được người tiêu dùng ưa thích. 

Tuy nhiên, theo ông Hướng, so với năm trước, giá na của HTX vẫn giảm 10 nghìn đồng/kg. Mặc dù vụ này na mất mùa, giá thấp nhưng ông Hướng vẫn cho rằng, đây chưa phải điều đáng lo, bởi người trồng na đã làm chủ kỹ thuật nên sẽ điều chỉnh cho cây đậu quả nhiều hơn vào các lứa còn lại trong năm để bù vào lượng na hao hụt chính vụ. Ông Hướng tâm sự: “Nỗi lo lớn nhất của người trồng na là dịch Covid- 19, nếu không được kiểm soát, nhiều địa phương sẽ bị cách ly. Như vậy na sẽ khó tiêu thụ”.

Do sản lượng giảm nên thời điểm này, chợ na ở xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú... có rất ít các điểm đóng hàng. Nhiều thương lái ở Lục Ngạn, Lục Nam, TP Bắc Giang đến thu mua nhưng lượng na được tiêu thụ không nhiều. Ông Vũ Thế Chiến, xã Lan Mẫu (Lục Nam) cho biết: “Mỗi năm, tôi gom gần 200 tấn na từ Lục Nam đi tiêu thụ tại các tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa. Năm nay, đã vào vụ được chục ngày nhưng tôi chỉ thu mua được chưa đầy 15 tấn”.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Nam, na chính vụ năm nay mất mùa do thời tiết khô hạn kéo dài nên ảnh hưởng đến việc ra hoa và sinh trưởng của quả. Cây thiếu nước còn khiến trọng lượng của na nhỏ, mẫu mã xấu hơn. Sản lượng na chính vụ ước chỉ đạt khoảng 3 tạ/sào, giảm hơn 20% so với năm trước. Với tổng diện tích hơn 1,75 nghìn ha na như hiện nay, nguồn thu từ cây trồng này của nông dân Lục Nam bị giảm không nhỏ.

Cần giải pháp lâu dài cho “đầu ra”

Nếu như năm 2018, na Lục Nam mất mùa, được giá thì năm nay na vừa mất mùa vừa hạ giá. Ngoài nguyên nhân mẫu mã xấu thì dịch Covid- 19 cũng khiến sản phẩm này tiêu thụ chậm. Bà Nguyễn Thị Ngà, thôn Liên Giang, xã Huyền Sơn - thương lái thu mua na có tiếng 20 năm nay cho hay, do dịch Covid- 19 lan rộng nên nhiều bạn hàng của bà tại các chợ, điểm bán ở Hà Nội như: Long Biên, Gia Lâm, Mỹ Đình, Hà Tây đã hạn chế đặt hàng bởi người dân hạn chế đến chỗ đông người.

Tổng sản lượng na hằng năm của Lục Nam đạt hơn 14 nghìn tấn. Mỗi năm na chín 2 vụ, vụ chính từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9 dương lịch, vụ sau na cho thu hoạch từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 1 năm sau.

Trước thực tế này, ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết, huyện đã tăng cường quảng bá na Lục Nam bằng nhiều hình thức như: Thiết kế tem, nhãn (truy xuất nguồn gốc), thùng đựng na bắt mắt và tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của huyện để “hút” người tiêu dùng. Mặt khác, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn bà con tập trung chăm sóc để các lứa na tiếp theo bảo đảm tăng năng suất, chất lượng. Ông Ơn khẳng định: “So với các loại cây trồng hằng năm khác, dù năm nay giá na có giảm, năng suất thấp nhưng vẫn mang lại nguồn thu cao cho nông dân”.

Ngoài ra, ông Ơn cũng cho rằng, dịch Covid- 19 đang diễn biến khó lường nhưng hiện Chính phủ chưa yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội nên các thương nhân, doanh nghiệp vẫn có thể về Lục Nam giúp nông dân thu mua, tiêu thụ na.

Được biết, na là sản phẩm đặc trưng của Lục Nam, được UBND huyện xây dựng thương hiệu và có tiếng trên thị trường. Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ na vẫn mang tính tự phát, chưa có sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

 Dịch Covid- 19 xảy ra là tác động khách quan nhưng thiết nghĩ chính quyền huyện Lục Nam cũng như các xã - nơi tập trung nhiều diện tích na cần phối hợp với ngành chức năng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Đồng thời, tổ chức quảng bá sản phẩm như mở hội nghị, hội thảo, thậm chí là hội chợ na... để xúc tiến thương mại, nâng tầm vị thế của sản phẩm, giúp người trồng na không phải phấp phỏng nỗi lo mỗi mùa thu hoạch.

Sản lượng na Lục Nam ước đạt hơn 14 nghìn tấn
(BGĐT) - Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam (Bắc Giang), với diện tích 1.715 ha, năm nay sản lượng na Lục Nam ước đạt hơn14 nghìn tấn. 
Na Lục Nam vào vụ mới: Chú trọng chất lượng, giá cao
(BGĐT) - Thời điểm này, Lục Nam bắt đầu vào vụ thu hoạch na. Sản lượng đợt đầu đạt có giá bán cao. Hiện người trồng na đã chú trọng hơn về chất lượng để giữ vững và phát huy giá trị cây trồng này.
Na Lục Nam bán tại vườn giá từ 27 - 40 nghìn đồng/kg
(BGĐT) - Hiện nay, một số xã trên địa bàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) bắt đầu vào mùa thu hoạch na. Năm nay, diện tích na tăng, sản lượng không cao bằng năm trước, bán được giá. Hiện, thương nhân nhiều nơi về đây thu mua.

An Khánh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...